Gần 10 năm Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Xuân này, tàu sẽ chạy?

01/01/2021 12:21

Tháng 10/2011, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được khởi công trong niềm vui của người dân Thủ đô, bởi đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam với vai trò là phương thức vận tải công cộng. Tuy nhiên...

Cách đây gần 10 năm, Hà Nội khởi công tuyến đường sắt đô thị đầu tiên, với kỳ vọng đầu tư đồng bộ để tạo kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khách giữa nội đô Hà Nội và ngoại thành. Tuy nhiên, sau 1 thập kỷ khởi công, các dự án đều chậm tiến độ, không đồng bộ, dẫn tới nguy cơ khó phát huy hiệu quả. Xuân này, đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy?

Đường sắt Cát Linh có “dấu ấn” của những Bộ trưởng nào?

Vào sáng 10/10/2011, ông Đinh La Thăng khi ấy đang là "tư lệnh", ngồi ghế nóng Bộ trưởng Bộ GTVT, là người đã phát lệnh khởi công dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại Ba La, quận Hà Đông, TP Hà Nội.

Lễ phát động khởi công này đánh dấu mốc lịch sử đối với thủ đô Hà Nội và ngành giao thông, bởi dự án được kỳ vọng sẽ giúp TP Hà Nội phát triển tiến tới hạ tầng giao thông thông minh thân thiện với người dân.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài là 13,08 km chạy qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm và Hà Đông của TP Hà Nội, được Bộ GTVT giao Ban Quản lý Dự án Đường sắt của bộ này làm đại diện chủ đầu tư.

Tổng mức đầu tư của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông ban đầu là 8.770 tỷ đồng (tương đương gần 553 triệu USD); trong đó vốn vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc là 1,2 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 169 triệu USD); vốn vay ưu đãi bên mua là 250 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là hơn 2.100 tỷ đồng.

Toàn tuyến đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (Q. Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai III - Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới) và khu Depot (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, quận Hà Đông. Dự kiến đưa công trình vào khai thác, sử dụng vào năm 2015.

Mục tiêu Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau khi hoàn thành sẽ đóng vai trò nòng cốt cho giao thông công cộng, cùng với mạng lưới xe buýt nhanh sẽ giải quyết cơ bản vấn đề tắc nghẽn giao thông tại thủ đô Hà Nội và phấn đấu đạt mục tiêu giao thông công cộng đáp ứng được 35 - 45% nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô.

Tuy nhiên, trái ngược với tất cả những dự kiến trước đó, đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã qua 1 thập kỷ với 3 đời Bộ trưởng Bộ GTVT gồm: ông Đinh La Thăng; ông Trương Quang Nghĩa; ông Nguyễn Văn Thể vẫn nhiều lần chậm tiến độ, đội vốn "khủng" và vẫn lỡ hẹn ngày vận hành.

Đến nay, dự án vẫn chỉ dừng lại ở bước chạy thử nghiệm tàu để đánh giá an toàn mà chưa rõ ngày vận hành khai thác thương mại.

Điển hình chậm tiến độ, đội vốn

Dưới thời ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ GTVT, ông đã kiên quyết chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án, thậm chí trảm "tướng" vì để xảy ra nhiều sai sót liên quan đến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Điển hình, Bộ trưởng Đinh La Thăng quyết định đình chỉ chức vụ Cục trưởng Đường sắt của ông Nguyễn Hữu Thắng vì những phát ngôn liên quan dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Những phát ngôn của ông Thắng bị cho là không đúng và thiếu trách nhiệm về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của ngành GTVT. Tuy nhiên, dự án vẫn chậm tiến độ không hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Tiếp đó, tới thời Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, dù rất nỗ lực chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ, nhưng dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn bị chậm. Thời điểm đó, dự án cũng chỉ dừng ở giai đoạn đưa bốn chiếc đầu máy, toa xe thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông về Việt Nam.

Năm 2019, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra rõ nguyên nhân khiến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị chậm tiến độ và đội vốn "khủng".

Ông Trần Hải Đông, Trưởng đoàn kiểm toán dự án đường sắt trên cao (chuyên ngành 5 KTNN) thông tin tới báo chí về vấn đề đội vốn, dự án Cát Linh – Hà Đông được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư ban đầu tư 8.770 tỷ lên 18.000 tỷ đồng (tăng 9.231 tỷ đồng, tương đương trên 205%).

Nguyên nhân là do quá trình lập dự án chưa nghiên cứu kỹ so sánh kỹ thuật và lựa chọn dẫn đến trong quá trình thay đổi phương án, làm tăng chi phí; bổ sung khối lượng di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật ra khỏi chỉ giới mặt bằng khu nhà ga; bàn giao mặt bằng chậm và tiến độ thực hiện kéo dài, dẫn đến chi phí nhân công vật liệu tăng cao. Ngoài ra, trong quá trình lập phê duyệt dự án đầu tư vẫn còn một số tồn tại.

Về tiến độ dự án, ông Trần Hải Đông cho hay, ban đầu dự án dự kiến thi công từ 2008 đến 11/2013 là xong, tuy nhiên sau đó khi ký hợp đồng EPC thì thời gian thực hiện trong 48 tháng, tức 4 năm kể từ 2010. Song, từ đó đến giờ vẫn chưa xong, qua rất nhiều lần điều chỉnh đến giờ vẫn chưa đưa vào khai thác sử dụng được.

Tiếp sau đó là đương kim Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, nhưng dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn không thể hoàn thành với nhiều lời hứa của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và đến nay đã 8 lần lỡ hẹn vẫn ở giai đoạn vận hành thử nghiệm đánh giá an toàn. Liệu rằng, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông lỡ hẹn lần thứ 9 hay không. Đó là những băn khoăn mà nhiều người dân Hà Nội và các chuyên gia đặt ra câu hỏi.

Đường sắt Cát Linh phải chờ mới kết nối được các tuyến

Theo quy hoạch, Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị. Trong đó, ưu tiên đầu tư trước 4 tuyến, để  khi hoàn thành sẽ kết nối Bắc - Nam - Đông - Tây với nội đô và kết nối các tuyến. Chỉ khi các tuyến đường sắt này kết nối với nhau mới đảm bảo hiệu quả dự án, từ đó mới hy vọng người dân bỏ phương tiện cá nhân để đi xe buýt. Thực tế khi bố trí tuyến buýt nhanh (BRT) Yên Nghĩa - Kim Mã, khá ít người đi.

Tới nay, mới thi công xây dựng 2 tuyến đường sắt là tuyến Nhổn - ga Hà Nội (khởi công tháng 10/2010) và tuyến Cát Linh - Hà Đông (khởi công tháng 10/2011). Trong khi đó, tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi và Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vẫn nằm trên giấy. Chỉ có 2 tuyến được triển khai xây dựng, vì vậy trở nên lạc lõng. Thậm chí, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông nếu hoạt động sau 1-2 tháng tới cũng sẽ khó thu hút người dân sử dụng nếu không kết nối với các loại hình phương tiện khác.

Trong khi đó, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội cũng phải đến cuối năm 2021 mới đưa vào khai thác đoạn trên cao và cuối năm 2022 mới khai thác phần đi ngầm. Để khai thác hiệu quả, tính kết nối của các dự án đường sắt, kết nối với các phương tiện khác sẽ là yếu tố quyết định, trước khi nghĩ tới các tuyến đường sắt kết nối với nhau.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dự kiến sẽ trở thành tuyến đầu tiên của cả nước đi vào hoạt động, dù chậm gần chục năm so với kế hoạch ban đầu. Ngày 12/12 vừa qua, dự án chính thức vận hành thử toàn hệ thống để tư vấn độc lập đánh giá và cấp chứng nhận an toàn.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, sau khi tư vấn độc lập đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống, cơ quan đăng kiểm sẽ thẩm định lại và cấp chứng nhận thẩm định hồ sơ. Tháng 9, Cục Đăng kiểm hoàn thành kiểm định và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho 13 đoàn tàu điện của dự án Cát Linh - Hà Đông.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, cùng với hoạt động chạy thử để đánh giá an toàn hệ thống, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng đánh giá nghiệm thu. Trong quá trình chạy thử, nhân sự của tổng thầu EPC (nhà thầu Trung Quốc) cũng hướng dẫn vận hành tàu cho nhân sự phía Hà Nội (nhân sự Cty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội).

“Nếu đảm bảo an toàn hệ thống và được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước thông qua, Bộ GTVT sẽ nghiệm thu để bàn giao cho TP Hà Nội quản lý và vận hành khai thác”, ông Đông nói.

Xuân này, tàu sẽ chạy?

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 vào tháng 11/2020, nhiều Đại biểu Quốc hội đưa ra kiến nghị về dự án đường sắt tại Hà Nội, Cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để các dự án đường sắt đô thị sau không lặp lại vấn đề này.

Riêng đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đề nghị Quốc hội, Chính phủ "tháo gỡ các vướng mắc để cuối năm nay vận hành, không để lỡ hẹn lần thứ 9, không để kéo quá dài gây bức xúc dư luận.

Báo cáo Thủ tướng về tiến độ hoàn thành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ phấn đấu trong tháng 12, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành nghiệm thu có điều kiện.

"Đặc biệt, cam kết sẽ cố gắng tối đa để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII" Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết.

Hiện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang tiến hành chạy thử nghiệm đánh giá an toàn trong 20 ngày từ ngày 12/12, sau khi hoàn thành đánh giá các tiêu chí. Nếu đảm đảo chất lượng theo đúng kết của của Tư vấn Pháp và các cơ quan chức năng thì dự án sẽ chính thức vận hành quý I/2021.

Liệu cuối cùng, sau gần 1 thập kỷ chờ đợi, người dân Hà Nội có được “hạnh phúc” khi chính thức nhìn thấy tàu Cát Linh – Hà Đông vận hành thương mại trong mùa Xuân này./.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Gần 10 năm Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Xuân này, tàu sẽ chạy?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO