Thoả thuận chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân AUKUS từ góc độ luật pháp quốc tế

Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao| 14/10/2021 10:39

Khi Úc, Anh, Mỹ đã đưa ra tuyên bố chung thành lập tam giác đối tác an ninh AUKUS, trong đó có thoả thuận chuyển giao công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhiều nước đã lo ngại. Thậm chí Trung Quốc nhận định mục tiêu của việc thành lập AUKUS là công khai phổ biến vũ khí hạt nhân và ba quốc gia đang lạm dụng "khe hở" trong luật pháp quốc tế...

Năm 1946, Đại Hội đồng LHQ lần đầu tiên thông qua nghị quyết thành lập Uỷ ban giải quyết các vấn đề liên quan đến năng lượng nguyên tử. Cho đến nay, nhiều điều ước đa phương đã được ký kết nhằm mục đích ngăn chặn phổ biến, thử nghiệm vũ khí hạt nhân, đồng thời tiếp tục nỗ lực trong giải trừ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên các văn bản này không đi đến một quyết định cụ thể cho phép hay cấm toàn diện việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Luật pháp quốc tế điều chỉnh vấn đề vũ khí hạt nhân

Điều này thể hiện rõ hơn tại bản Ý kiến tư vấn của Toà án Công lý quốc tếtrong vụ "Tính hợp pháp của việc đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân" ngày 8/7/1996. Theo đó, Toà kết luận: không có quy định trong luật pháp quốc tế cụ thể cho phép hoặc cấm toàn diện về việc đe doạ sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân, và về việc sử dụng vũ khí hạt nhân phải tuân thủ điều 2.4, Điều 51 Hiến chương Liên Hợp quốc và các quy định trong luật xung đột vũ trang.

Theo Điều 1 Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), hiệp ước quan trọng nhất về vấn đề này, các cường quốc hạt nhân “không được chuyển giao vũ khí hạt nhân hoặc chuyển quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân dù trực tiếp hay gián tiếp cho bất kỳ ai, không được giúp đỡ các quốc gia phi hạt nhân sản xuất hay sở hữu vũ khí hạt nhân, không cổ vũ hay xúi giục các quốc gia đó sở hữu cũng như kiểm soát vũ khí hạt nhân”.

Thoả thuận chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân AUKUS từ góc độ luật pháp quốc tế
Anh - Mỹ - Australia lập liên minh an ninh AUKUS (Ảnh: Getty)

Điều 2 NPT quy định: các quốc gia phi vũ khí hạt nhân “không được tiếp nhận vũ khí hạt nhân từ bất kỳ ai hoặc kiểm soát chúng, cũng như không được sản xuất hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân dưới bất kỳ hình thức nào, không được tiếp nhận bất kỳ sự giúp đỡ nào để sản xuất vũ khí hạt nhân”.

Như vậy, có thể thấy, vấn đề mấu chốt ở đây cần phải xác định: tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có phải là vũ khí hạt nhân. Đây là một vấn đề có thể gây tranh cãi.

Trong Hiệp ước NPT, không có định nghĩa hay nội hàm cụ thể của "vũ khí hạt nhân". Theo một tài liệu của Học viện Geneva, "vũ khí hạt nhân" được định nghĩa là một thiết bị nổ có lực huỷ diệt từ các phản ứng dây chuyền mài mòn hạt nhân hoặc các phản ứng nhiệt hạch và hạt nhân kết hợp.Trong khi đó, theo một số quốc gia có công nghệ như Mỹ, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhằm chỉ loại tàu được vận hành bằng động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng chưa chắc đã được trang bị vũ khí hạt nhân.

Hiện nay, tất cả các tàu ngầm của Mỹ đều được chạy bằng loại năng lượng hạt nhân, trong khi đó, trên thế giới nhiều loại tàu ngầm hoạt động bằng động cơ điện-diesel (chẳng hạn như tàu ngầm lớp Kilo). Đến thời điểm này, còn quá sớm có thể kết luận loại tàu này là vũ khí hạt nhân hay không vì việc chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân phụ thuộc vào thoả thuận thực tế giữa ba nước.

Bên cạnh đó, Hiệp ước NPT để ngỏ cơ hội sử dụng công nghệ hạt nhân (trong Lời nói đầu) và phát triển, nghiên cứu, sản xuất và sử dụng năng lượng hạt nhân (điều 4) vì mục tiêu hoà bình.Do đó, các nước của AUKUS hoàn toàn có thể lập luận việc phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để phục vụ mục tiêu sử dụng hoà bình. Hiện nay, không chỉ Mỹ, Anh có công nghệ sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử mà còn có Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nga sở hữu loại công nghệ này.

Quy chế pháp lý của tàu ngầm chạy bằng động cơ năng lượng hạt nhân

Trong tuyên bố chung AUKUS, Úc nhấn mạnh sẽ đảm bảo việc tuân thủ các quy định của việc cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, các nghĩa vụ quốc tế về đảm bảo vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân và các quy định về đảm bảo của IAEA (IAEA Safeguards). Tuy nhiên, ngày 29/9/2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng: cơ chế bảo đảm của IAEA không thể kiểm tra liệu Úc có sử dụng uranium làm giàu trong các động cơ hạt nhân của tàu ngầm hạt nhân, loại chất vốn được dùng cho sản xuất vũ khí hạt nhân hay không.

Bên cạnh đó, "tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân" có thể được điều chỉnh bởi các quy định hiện hành trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Trong tuyên bố chung ba nước về AUKUS, chi tiết "hỗ trợ Úc có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Hải quân Hoàng gia Úc" một mặt thể hiện được tham vọng phát triển năng lực của Hải quân Úc, mặt khác làm rõ quy chế pháp lý cho loại tàu này.

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân hoạt động trong Hải quân Hoàng gia Úc sẽ được xếp vào loại tàu quân sự và tàu công vụ nhà nước vì mục đích không thương mại, do đó sẽ được hưởng các quyền miễn trừ dành cho tàu chiến theo quy định của UNCLOS.

Thoả thuận chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân AUKUS từ góc độ luật pháp quốc tế
Ảnh minh hoạ. Nguồn: CNN

Ngoài ra, UNCLOS 1982 đã trù định một số quy định dành cho "tàu ngầm" và các loại "tàu thuyền có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân" khi các loại tàu này hoạt động trên biển. Chẳng hạn như điều 20 quy định tàu ngầm và phương tiện đi ngầm khác buộc phải đi nổi và phải treo cờ quốc tịch khi đi vào lãnh hải của quốc gia ven biển khác. Điều 22.2 và điều 23 đưa ra quy định dành cho tàu thuyền chạy bằng năng lượng hạt nhân khi đi vào lãnh hải như đi theo các luồng giao thông do quốc gia ven biển quy định (với những quy định cụ thể theo điều 22.3), phải mang theo đầy đủ các tài liệu và áp dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt theo quy định của các điều ước quốc tế đối với tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hơn hết, việc sử dụng các công nghệ mới trên không gian biển phải tuân thủ các quy định của Công ước UNCLOS 1982, trong đó có Điều 301 (về sử dụng biển vì mục đích hoà bình).

Bên cạnh đó, khi hoạt động trên không gian biển, loại tàu ngầm này cũng cần tuân thủ các quy định về an ninh hàng hải và đảm bảo vấn đề môi trường trong khuôn khổ của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) như COLREG 1972.

Tương lai của một cuộc chạy đua tàu ngầm giữa các nước lớn

Trong thời gian vừa qua, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chứng kiến nhiều diễn biến mới bên cạnh việc ba nước Úc, Anh, Mỹ ký thoả thuận AUKUS như Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung Quốc vừa có hiệu lực với quy định mới đối với một số loại tàu thuyền nước ngoài, bao gồm tàu ngầm, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân...

Ngày 4/10, Trung Quốc tuyên bố sẽ bổ sung 21 tàu ngầm tấn công đa năng bằng năng lượng hạt nhân từ nay đến năm 2030. Trước đó, ngày 2/10, quan chức Mỹ cho biết tàu ngầm Connecticut bị đâm vào một vật thể lạ dưới ở Biển Đông khiến 11 thuỷ thủ trên tàu bị thương nhẹ.

Ngay sau vụ việc đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng chỉ trích về vụ việc, phê phán Mỹ gây rắc rối tại khu vực với khẩu hiệu "tự do hàng hải", rằng Mỹ xử lý thiếu minh bạch và trách nhiệm trong vụ việc, từ đó cho rằng thoả thuận AUKUS sẽ gây ra những nguy cơ về phổ biến hạt nhân, chạy đua vũ trang tại khu vực Đông Nam Á phi hạt nhân.

Những điều ước đa phương nhằm mục đích ngăn chặn phổ biến, thử nghiệm vũ khí hạt nhân:

- Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) là một trong những văn kiện pháp lý quốc tế cơ bản của cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, được Đại Hội đồng thông qua ngày 12/6/1968; hiệp ước có hiệu lực từ năm 1970, với 11 điều khoản. NPT được xem là hòn đá tảng trong quy chế không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu. Hiện nay, 191 quốc gia đã tham gia NPT, trong đó có 5 quốc gia cường quốc về vũ khí hạt nhân.

- Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), được ký kết vào năm 1996 nhưng chưa có hiệu lực. Đây là một trong những văn kiện quốc tế thể hiện nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm hướng đến một thế giới không vũ khí hạt nhân. Úc, Anh đã ký và phê chuẩn CTBT, Mỹ ký nhưng chưa phê chuẩn điều ước này.

- Hiệp ước chống vũ khí hạt nhân (TPNW) được Đại Hội đồng thông qua vào tháng 7/2017 và bắt đầu mở kí từ tháng 9/2017. Hiệp ước này có hiệu lực kể từ ngày 22/1/2021. Hiệp ước hướng tới mục tiêu cấm sử dụng, phát triển, sản xuất, thử nghiệm, dự trữ và đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân. Năm thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc đều là các cường quốc hạt nhân và đều phản đối TPNW. Đáng chú ý Úc cũng không tham gia Hiệp ước TPNW vì cho rằng các nghĩa vụ trong TPNW chồng chéo với các nghĩa vụ trong NPT, và việc tham gia TPNW không phù hợp với tinh thần của liên minh Mỹ-Úc.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thoả thuận chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân AUKUS từ góc độ luật pháp quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO