Hàng loạt khách sạn bán cắt lỗ, có nên đầu tư mua?

14/08/2020 07:48

Kinh doanh thua lỗ, không thể cầm cự trước tác động của dịch COVID-19, nhiều chủ khách sạn buộc phải rao bán tài sản, đây có phải là cơ hội để nhà đầu tư mua vào?

Anh Văn Thịnh (ở Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, anh đã đầu tư bất động sản hơn chục năm nay và giờ muốn chuyển hướng kinh doanh ổn định. Trước làn sóng nhiều khách sạn 3,4 sao rao bán để cắt lỗ do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, anh đang có ý định dồn tiền mua, đợi dịch qua đi sẽ kinh doanh khách sạn.

"Thời gian gần đây tôi thấy các khách sạn được rao bán hàng loạt với giá thấp hơn khá nhiều so với trước khi có dịch COVID-19, đặc biệt là từ khi dịch bùng phát đợt 2. Tôi có nên nhân cơ hội này mua một khách sạn trên khu vực phố cổ Hà Nội không?", anh Thịnh đặt câu hỏi.

Anh Thịnh chia sẻ thêm, sở dĩ anh muốn đầu tư vào khách sạn vì các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán đang có biến động lớn, trong khi các dự án bất động sản chưa có dấu hiệu hạ giá nhiều vì phần lớn đều là dự án cũ nên đã có giao dịch từ trước.

"Sau đại dịch, du lịch sẽ là một trong những ngành được chọn để phục hồi kinh tế đầu tiên bởi nó liên quan đến rất nhiều các lĩnh vực khác. Vì vậy về lâu dài, kinh doanh khách sạn sẽ vẫn mang lại lợi nhuận. Đặc biệt là với những khách sạn có vị trí tốt ở các trung tâm lớn thì giá trị đất thậm chí còn có khả năng sinh lời cao hơn kinh doanh. Ngoài ra, cũng có thể nhượng quyền điều hành để lấy tiền hàng tháng cũng là một cách mang lại lợi nhuận. Vừa có nhà lại vừa có khả năng kinh doanh đối với tôi là một phương án đầu tư tốt", anh Thịnh lạc quan nói.

Hàng loạt khách sạn bán cắt lỗ, có nên đầu tư mua? - 1

 Không trụ được, nhiều khách sạn phải rao bán lỗ. (Ảnh minh họa)

Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tình hình kinh doanh của lĩnh vực dịch vụ lưu trú bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khách quốc tế không có trong khi khách trong nước sụt giảm nặng nề. Từ các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội đến các TP du lịch như Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt, Đà Nẵng…,ngành khách sạn đều phải đối mặt với khủng hoảng vì kinh doanh thua lỗ.

Thời gian gần đây, thông tin rao bán khách sạn tại trung tâm TP.HCM ngày càng nhiều hơn. Từ những khách sạn nhỏ lẻ giá vài chục tỉ đồng đến những khách sạn 3-4 sao giá hàng trăm tỉ đồng đua nhau chào bán.

Nhận định về thực trạng này, các chuyên gia cho biết, các khách sạn 4-5 sao rao bán sẽ hiếm hơn vì chủ thường có quỹ dự phòng và kế hoạch kinh doanh dài hạn. Chỉ có các khách sạn nhỏ lẻ 1-3 sao sẽ được rao bán nhiều vì đa số chủ đầu tư đều vay ngân hàng để kinh doanh. Khi không có nguồn thu, họ sẽ khó lòng trụ vững.

Nhiều chuyên gia dự báo, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, từ nay đến cuối năm, lượng khách sạn mà chủ đầu tư đi vay ngân hàng được rao bán sẽ còn nhiều hơn. Từ đầu quý II/2020, thị trường ghi nhận có sự gia tăng nhu cầu tìm mua khách sạn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dư đoán khó có cơ hội cho các nhà đầu tư mua khách sạn với giá hời. Lý do là nhiều chủ khách sạn tuy gặp khó khăn nhưng chưa chấp nhận bán rẻ mà vẫn phải cân đối giữa lỗ - lãi, làm sao đạt được mức lỗ thấp nhất. Thậm chí, phần lớn sẽ chấp nhận đóng cửa chờ dịch được kiểm soát, nếu không đạt được mức giá kỳ vọng.

Hơn nữa, phần lớn khách sạn đang rao bán trên thị trường là khách sạn nhỏ lẻ, khả năng cầm cự không tốt. Nếu không cân nhắc và phân tích kỹ, nhà đầu tư dễ mua phải những khách sạn có nhiều điểm yếu, khả năng sinh lời kém. Như thế, dù mua được mức giá "hời" nhưng thực tế lại là đắt, thậm chí mất tiền oan.

Ngoài ra, kinh doanh khách sạn đòi hỏi giới đầu tư phải trường vốn, với rất nhiều chi phí phát sinh, thậm chí phải lường đến tình huống dịch COVID-19 còn kéo dài, chưa thể phán đoán lúc nào kết thúc. Tuy mua lúc này có thể có được giá rẻ, nhưng chắc chắn hoạt động kinh doanh chưa thể vận hành như bình thường. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến nhà đầu tư có thể lỗ nặng.

Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, đầu tư kinh doanh khách sạn lúc này là khá mạo hiểm, nhà đầu tư cần rất thận trọng trước khi xuống tiền.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hàng loạt khách sạn bán cắt lỗ, có nên đầu tư mua?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO