Donald Trump chấp nhận đau thương, Mỹ - Trung giai đoạn khốc liệt mới

22/05/2020 12:22

Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc tiếp tục leo thang sau khi Mỹ giáng thêm một loạt đòn mạnh vào tham vọng của Bắc Kinh. Cuộc chiến giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới dự báo còn khốc liệt và mới chỉ đang ở giai đoạn đầu.

Mỹ giáng thêm đòn mạnh

Thượng viện Mỹ vừa chính thức phê chuẩn một dự luật có thể hủy niêm yết một loạt các công ty Trung Quốc với những cái tên nổi bật như Alibaba và Baidu… nếu không thể chứng minh rằng họ không thuộc quyền kiểm soát của chính phủ nước ngoài.

Điều này đồng nghĩa với việc những doanh nghiệp như Alibaba của tỷ phú Jack Ma buộc phải đưa ra được những bằng chứng cho thấy họ hoạt động độc lập và không thuộc quyền kiểm soát của Bắc Kinh.

Alibaba hay những doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ cũng sẽ bị hủy niêm yết nếu Ủy ban Giám sát Công ty Đại chúng Mỹ (PCAOB) không thể thực hiện kiểm toán họ trong 3 năm liên tiếp để xác minh sự độc lập của doanh nghiệp với chính phủ bên ngoài Mỹ.

Dự luật này được đề xuất bởi Thượng nghị sĩ John Kennedy, thành viên đảng Dân chủ từ Maryland Chris Van Hollen và được Thượng viện, chi phối bởi Đảng Cộng hòa. Nó cho thấy sự đồng thuận trong việc chống Trung Quốc là rất lớn và sự lo ngại về hàng tỷ USD từ các quỹ của Mỹ chảy vào các công ty lớn của Trung Quốc.

Ngay trước đó, ngày 15/5, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ sửa đổi một quy định xuất khẩu nhằm hạn chế hoạt động thu mua chất bán dẫn của Huawei vốn là các sản phẩm trực tiếp của công nghệ và phần mềm của Mỹ.

Các biện pháp hạn chế mới nhằm vào tập đoàn công nghệ số 1 của Trung Quốc là Huawei là một động thái leo thang căng thẳng mới trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm giành quyền kiểm soát công nghệ toàn cầu.

Donald Trump chấp nhận đau thương, Mỹ - Trung giai đoạn khốc liệt mới
Cuộc chiến Mỹ-Trung căng thẳng hơn bao giờ.

Trong năm 2019, chính quyền ông Donald Trump cũng đã cấm Huawei cung cấp dịch vụ cho các hệ thống của Chính phủ Mỹ đồng thời khuyến cáo các lĩnh vực tư nhân không sử dụng thiết bị của Huawei, nhất là các thiết bị 5G, với lý do nguy cơ an ninh.

Đầu 2020, Mỹ cũng đã cảnh báo ngừng chia sẻ thông tin tình báo với các nước làm ăn cùng tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc.

Một số nước châu Âu như Anh và Pháp từng cho biết sẽ không cấm Huawei xây dựng mạng 5G, thay vào đó sẽ chỉ áp đặt một số hạn chế. Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi khi mà đại dịch Covid-19 khiến mâu thuẫn châu Âu - Trung Quốc lên cao chưa từng có.

Trong vài năm gần đây, chính quyền ông Trump luôn cho rằng, hai tập đoàn Huawei và ZTE của Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với chính phủ nước này và các thiết bị từ các nhà sản xuất này có thể được sử dụng để do thám các quốc gia và công ty khác.

Mỹ - Trung giai đoạn căng thẳng mới

Quan hệ Mỹ và Trung Quốc đang ở giai đoạn căng thẳng chưa từng có. Đại dịch Covid-19 có thể khiến thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký hồi đầu năm đổ vỡ bất cứ lúc nào, đẩy chiến tranh thương mại leo thang nghiêm trọng và quan hệ kinh tế Mỹ - Trung có thể đổ vỡ hoàn toàn.

Donald Trump chấp nhận đau thương, Mỹ - Trung giai đoạn khốc liệt mới
Đại dịch Covid-19 khiến hàng triệu người nhiễm, hàng trăm ngàn người chết.

Hôm 19/5, Sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ cũng đã quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu của Luckin Coffee, thường được coi là “Starbucks Trung Quốc”, sau khi chuỗi cà phê Trung Quốc này khai khống số tiền lên tới 310 triệu USD doanh số trong năm 2019 và do “những lần không công bố thông tin trong quá khứ”.

Nasdaq được cho là cũng chuẩn bị công bố việc thắt chặt quy định niêm yết, hạn chế làn sóng chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Sự kiềm chế này là điểm nóng mới nhất trong mối quan hệ tài chính giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Sau cuộc chiến thương mại, giờ đây là cuộc chiến về vốn và sắp tới rất có thể là sự trở lại của một cuộc chiến tiền tệ và thậm chí là một cuộc chiến tái cấu trúc chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu.

Trước đó, ông Trump buộc tội Trung Quốc đã giấu dịch và gây ra thảm họa toàn cầu và đã yêu cầu quỹ hưu trí liên bang Mỹ rút 4 tỷ USD ra khỏi chứng khoán Trung Quốc, đồng thời ngừng ngay lập tức các khoản đầu tư vào thị trường này.

Chính quyền ông Trump cũng khởi động lại nhóm “Bộ tứ” (Quad) gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật và Úc, cùng với một số nước để tái cấu trúc chuỗi cung ứng, rút các dòng vốn ra khỏi Trung Quốc.

Trên CNBC, ông David Sokulsky đến từ quỹ Concentrated Leaders Fund cho rằng, tình hình Mỹ-Trung có thể còn tồi tệ hơn nữa. Quy mô cuộc chiến mới có khả năng tồi tệ hơn nhiều so với những gì mà cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington vào hồi năm 2019.

Donald Trump chấp nhận đau thương, Mỹ - Trung giai đoạn khốc liệt mới
Cuộc chiến Mỹ-Trung được cho là còn kéo dài.

Hàng loạt các đòn ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung trong năm 2019 và một chuỗi các đòn giáng mạnh của ông Trump lên Trung Quốc gần đây cho thấy sự mất lòng tin giữa Washington và Bắc Kinh đã lên cao độ.

Trên thực tế, căng thẳng Mỹ và Trung đã hạ nhiệt hồi cuối 2019 và đầu 2020 trong bối cảnh Trung Quốc chịu nhiều thiệt hại về kinh tế còn ông Donald Trump chuẩn bị cho một cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi tất cả. Kinh tế Mỹ đang tích cực, chứng khoán Mỹ ở đỉnh cao bỗng tụt dốc. Ông chủ Nhà Trắng dường như đã có những thay đổi về chiến thuật, chơi bài ngửa, đối mặt trực diện với Trung Quốc.

Cao điểm nhất, khi trả lời Fox Business hôm 14/5, ông Trump cho biết, Mỹ có thể cắt đứt mọi quan hệ với Trung Quốc và 100 thỏa thuận thương mại cũng không bù đắp được thiệt hại do Covid-19.

Chứng khoán Mỹ đêm qua (giờ Việt Nam) giảm điểm do căng thẳng Mỹ-Trung leo thang và số người thất nghiệp tiếp tục gia tăng lên hơn 38 triệu người trong suốt đại dịch. Bất cứ một cuộc chiến nào đều có thiệt hại. Nhưng giờ đây, thiệt hại về kinh tế dường như không còn là điều mà ông Trump quan tâm nhất, sự đồng lòng chống Trung có thể khiến chiến thuật của ông Trump rõ ràng hơn, trùng với chiến lược của vị tỷ phú này.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Donald Trump chấp nhận đau thương, Mỹ - Trung giai đoạn khốc liệt mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO