Căn biệt thự dát vàng và thủ đoạn cho vay lãi nặng

11/12/2020 10:33

Vụ đại gia Lê Thái Thiện (Thiện “Soi”), chủ nhân của 2 căn biệt thự “dát vàng” và con trai Lê Thái Phong tại Bà Rịa - Vũng Tàu bị bắt để điều tra về hành vi “cho vay nặng lãi và rửa tiền” đang khiến dư luận quan tâm.

Cách cho vay lấy lời dạng cắt cổ của đại gia này đã khiến nhiều người, nhiều doanh nghiệp lao đao vì không kham nổi lãi suất trên trời của đại gia và con trai. Ngoài ra, dư luận còn quan tâm đến chuyện vì sao biết việc tính lãi với kiểu trên trời như vậy nhưng vẫn nhiều người có tài sản phải lao vào vay mượn để rồi buộc phải quay ra... tố cáo?
Căn biệt thự dát vàng và thủ đoạn cho vay lãi nặng
Một số tài liệu mà Lê Thái Phong (con trai Lê Thái Thiện) đốt phi tang khi bị khám xét nhà.


Căn biệt thự dát vàng và những dấu hiệu không minh bạch

Ngày 4-12, Thượng tá Nguyễn Thanh Bình - Trưởng Công an thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Thái Thiện (thường được gọi là Thiện “Soi”, chủ nhân căn biệt thự “dát vàng Thiện Soi”) cùng con trai là Lê Thái Phong (sinh năm 1992, cùng ngụ QL51, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ) để điều tra về hành vi “cho vay nặng lãi và rửa tiền”.

Ngoài cha con Thiện, Phong, cơ quan điều tra cũng đưa một số người liên quan về trụ sở để làm rõ vai trò giúp sức cho cha con Thiện “Soi” trong quá trình cho vay nặng lãi. Số tiền liên quan đến hành vi của 2 cha con Thiện, Phong rất lớn, trong đó có việc chuyển nhượng, ủy quyền toàn phần, quản lý sử dụng mua bán đất đai, tài sản do nhiều người khác đứng tên sở hữu. Bởi vậy, cơ quan điều tra đã ra thông báo để những người bị hại trong vụ án liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ tố cáo hành vi vi phạm của hai cha con Lê Thái Thiện.

Ai đi ngang QL51, đoạn qua xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ đều phải ngước nhìn căn biệt thự với kiến trúc châu Âu đồ sộ trên mảnh đất rộng hơn 3.000m2 được đồn thổi là “dát vàng” của cha con Thiện và Phong. Không chỉ nổi tiếng về sự giàu có, độ chịu chơi mà cha con Thiện, Phong còn được nhiều người biết đến trong việc làm từ thiện, chủ nhân của nhiều siêu xe, chuyên sưu tầm đồ cổ...

Căn biệt thự dát vàng và thủ đoạn cho vay lãi nặng
Cơ quan Cảnh sát điều tra thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi.


Câu chuyện về căn biệt thự “dát vàng” được đồn thổi, đăng tải trên các trang mạng xã hội khiến nhiều người trầm trồ. Tìm hiểu được biết, căn biệt thự Thiện “Soi” là tên ghép giữa Thiện và người vợ. Trước khi “nổi” lên là một đại gia, năm 2015, Thiện và Phong thành lập Công ty Thiện Phong có trụ sở tại ấp Song Vĩnh, xã Tân Phước, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, lĩnh vực kinh doanh là dịch vụ karaoke, cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ), bán lẻ đồ uống, nhà hàng, dịch vụ ăn uống lưu động, tiệc, hội họa, đám cưới... với vốn điều lệ 500 triệu đồng.

Người đại diện pháp lý của Công ty Thiện Phong là Lê Thái Phong, con trai Thiện. Các hoạt động dịch vụ cho doanh thu không cao, vậy vì sao cha con ông Thiện -Phong lại phất lên khi sở hữu một căn biệt thự hoành tráng và khối tài sản khổng lồ? Đêm 1-12, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Bà Rịa-Vũng Tàu khám xét căn biệt thự, bắt khẩn cấp cha con Thiện, Phong, người dân mới vỡ lẽ, để có cơ ngơi đồ sộ này, cha con Thiện, Phong đã hoạt động cho vay nặng lãi với nhiều cách thức như ép người vay bằng lãi suất cao, khiến nhiều người rơi vào bước đường cùng. Lúc này nhiều người mới phần nào hiểu được vì sao cha con ông Thiện, Phong lại có một cơ ngơi như vậy...

Thủ đoạn chiếm đoạt tài sản

Từ các đơn tố cáo của các nạn nhân về việc cha con Thiện, Phong cho vay nặng lãi với mức lãi suất “siết cổ”, Cơ quan Cảnh sát điều tra vào cuộc và phải mất 4 tháng củng cố hồ sơ, xác định hành vi của cha con Thiện, Phong mới có buổi khám xét trên. Quá trình khám xét, cơ quan điều tra thu giữ hàng chục thùng tài liệu liên quan đến việc cho vay nặng lãi, cùng một số tài liệu cháy nham nhở do Phong (con trai Thiện) đốt phi tang trước khi cơ quan cảnh sát điều tra khám xét.

Một trong những nạn nhân tố cáo cha con Thiện và Phong là ông L.N.T (sinh năm 1980, nguyên Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Tân Thành. Cuối năm 2017, do mở rộng kinh doanh, xây văn phòng công ty nên vợ chồng ông T đến gặp Thiện vay 8 tỷ đồng. Thiện đồng ý cho vay với lãi suất 3.500 đồng/1 triệu/ngày (lãi suất tương đương 10.5%/tháng).

Căn biệt thự dát vàng và thủ đoạn cho vay lãi nặng
Khám xét một siêu xe trong biệt thự của Thiện “Soi”.


Đến tháng 9-2018, qua nhiều lần trả lãi nhưng ông T vẫn nợ ông Thiện số tiền bị tính đến 20 tỷ đồng. Do cần tiền đầu tư vào bất động sản, T tiếp tục vay của Thiện 15 tỷ đồng, cộng cả gốc lẫn lãi, số tiền này lên đến 86 tỷ đồng. Lúc này Thiện gây sức ép để buộc ông T trả nợ, ông T đành viết giấy gán nợ khu đất rộng 12.000m2 tại ấp 6 xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ với giá trị là 21 tỷ đồng.

Số tiền còn nợ khá lớn nên ông T tiếp tục phải dùng miếng đất có diện tích 1.200m2 mặt tiền đường 81 (trung tâm thị xã Phú Mỹ) với giá 14 tỷ đồng cho Thiện. Mặc dù đã 2 lần dùng đất cấn trừ nhưng số tiền lãi vẫn còn khá cao, ông T tiếp tục phải bấm bụng đưa tiếp mảnh đất rộng 27.000m2 ngay mặt tiền đường 81, trị giá 51 tỷ đồng, ký giấy tờ chuyển nhượng quán cà phê ở khu đô thị mới Phú Mỹ (trị giá 24 tỷ đồng) để cấn vào khoản vay gốc và lãi.

Chỉ từ năm 2017 đến tháng 6-2020, ông T đã trả lãi tiền mặt 21 tỷ và cấn trừ 3 mảnh đất cùng quán cà phê (trị giá 110 tỷ đồng) nhưng vẫn còn nợ Thiện…18 tỷ đồng. Lúc này ông T hết khả năng chi trả nên cha con Thiện, Phong tuyên bố sẽ bôi nhọ danh dự T và đe dọa dùng giang hồ xử.

“Kiểu cho vay của cha con  Thiện là cứ 10 ngày phải thanh toán tiền lãi một lần, nếu không có tiền thanh toán lãi phải viết giấy vay nợ mới và cộng số tiền này vào số tiền gốc và tính lãi theo thỏa thuận ban đầu. Khi người có nhu cầu cần vay tìm đến, Thiện sẽ đưa mẫu vay tiền do mình tự soạn thảo, để qua mắt cơ quan chức năng, trong mẫu vay, Thiện không để ngày trả, không để lãi suất, điều đặc biệt là trong mẫu vay tiền, chỉ có chữ ký của người vay mà không có chữ ký của người cho vay” -  Ông T nói về hình thức vay của Thiện.

Căn biệt thự dát vàng và thủ đoạn cho vay lãi nặng
“Đại gia” Lê Thái Thiện thời điểm bị khám xét nhà.


Cũng như ông T, năm 2017, vợ chồng T.Q.P (ngụ Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) vay của Thiện 16 tỷ đồng với lãi suất 10,5%/ tháng, cứ 10 ngày trả lãi một lần. Do làm ăn khó khăn, lãi trả không đúng hạn nên số tiền lãi này bị cộng dồn lại vào tiền gốc. Mất khả năng chi trả, ông P xin được trả góp hàng tháng nhưng Thiện không đồng ý mà cho người đe dọa, ông P phải mượn 2 sổ đỏ để thế chấp cho Thiện. Tính đến năm 2020, Thiện buộc ông P phải trả 10 tỷ đồng mới trả lại 2 sổ đỏ.

Ngoài trường hợp của ông T, ông P thì có người vay của Thiện 10 tỷ đồng, đã trả được 11 tỷ đồng nhưng khi chốt sổ vẫn còn nợ Thiện 10 tỷ đồng. Để vay mượn tiền của Thiện phải thế chấp đất (giá trị đất gấp nhiều lần số tiền vay), chỉ đến khi đất bị phát mãi, nạn nhân mới dám tố cáo.

Việc cha con đại gia Thiện “Soi” hoạt động cho vay nặng lãi, rửa tiền như thế nào, phía Cơ quan Cảnh sát điều tra đang củng cố chứng cứ để làm rõ và đưa ra ánh sáng. Vụ án này sẽ còn mất khá nhiều thời gian để củng cố chứng cứ, tìm thêm các nạn nhân để xác định rõ hành vi của cha con đại gia Thiện “Soi”.

Căn biệt thự dát vàng và thủ đoạn cho vay lãi nặng
Lê Thái Phong thời điểm bị bắt giữ.


Nhìn vào đơn tố cáo của các nạn nhân cho thấy một điều, các nạn nhân là người có tài sản (đất đai, nhà cửa có giá trị lớn), với khối tài sản này việc thế chấp cho ngân hàng với lãi suất thấp là… không khó. Vậy tại sao các nạn nhân này lại “đâm đầu” vào vay mượn kiểu “tín dụng đen” để lãi mẹ đẻ lãi con, nợ chồng nợ, bị cấn trừ mất hết tài sản mà vẫn mang cục nợ lớn trong người? Nếu hành vi của cha con đại gia Thiện “Soi” là vi phạm pháp luật vậy những nạn nhân này có phải là người “tiếp tay” cho những hành vi đó?

“Lãi quá khủng khiếp, ai dính vào rồi thì chỉ có nước trắng tay, đến chết vẫn còn phải mang cục nợ. Kiểu o ép để người khác phải đưa hết tài sản của mình để gán nợ là một kiểu làm ăn phi pháp, mất nhân tính. Tuy nhiên không thể nhìn về một phía mà suy diễn hay nhận định chủ quan. Rõ ràng là các nạn nhân đều có tài sản sao lại phải đi vay nóng với lãi suất cao. Khi vay mượn hai bên đều có thỏa thuận, thấy hợp lý rồi mới vay.

Có thể nhiều người nghĩ vay nóng, kinh doanh kiểu “lướt sóng” đất đai sẽ nhanh trả được tiền vay nên nhắm mắt vào vay để rồi mang nợ khi kinh doanh không thành công. Nếu không làm lớn được thì mình hoạt động nhỏ lẻ, đừng dính vào những vụ việc như thế này, khó thoát ra lắm!” - Anh Nguyễn Công Thành, một người kinh doanh tại quận 6 chia sẻ.

Khi vụ cho vay nặng lãi và rửa tiền của cha con đại gia Thiện “Soi” lộ sáng, nhiều người cũng đang tự “soi” lại bản thân mình trước khi ra quyết định vay mượn, nhất là vay mượn dính líu đến các kiểu phạm pháp này. Các đường dây cho vay nặng lãi theo kiểu “tín dụng đen” đã đẩy biết bao nhiêu người lâm vào cảnh đường cùng, bế tắc, có nạn nhân phải giải thoát mình bằng cách tự tử, tuy nhiên vẫn có nhiều người lao vào bẫy tín dụng đen, sập bẫy các thủ đoạn nhằm chiếm đoạt tài sản của người vay.

Hãy nhìn căn biệt thự “dát vàng” của đại gia Thiện “Soi” để thấy rằng, từng cục gạch, từng chi tiết trang trí dát vàng trong biệt thự, những chiếc siêu xe đậu bên trong có sự “đóng góp” không nhỏ từ số tiền của các nạn nhân vay mượn nặng lãi.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Căn biệt thự dát vàng và thủ đoạn cho vay lãi nặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO