Cấm xếp hàng, chen nhau mua đồ: Một mùa Black Friday khác biệt

21/11/2020 14:35

Dịch bệnh, giãn cách xã hội, Black Friday 2020 khác hoàn toàn so với mọi khi. Cảnh xếp hàng dài, chen lấn mua hàng sẽ có thể bị cấm.

Thảm cảnh ngày Black Friday

Black Friday là chiến dịch giảm giá cuối năm lớn nhất của các nhà bán lẻ, cùng với đó là cơn sốt giá rẻ, cuồng mua sắm của người tiêu dùng thế giới. Cảnh tượng người mua xếp hàng từ đêm, chen lấn xô đẩy để mua được những món hàng giảm giá khủng đã trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, năm nay, mọi thứ đã khác.

Theo các nhà bán lẻ, ảnh hưởng của dịch bệnh đang khiến cho ngành bán lẻ truyền thống điêu đứng, đặc biệt trước bối cảnh sự kiện Black Friday. Từ các hãng công nghệ tới cửa hàng thời trang, siêu thị bán lẻ cũng đều chung cảnh ngộ.

Hãng thương mại điện tử hàng đầu thế giới Amazon ngày 19/11 thông báo sẽ cùng với một số nhà bán lẻ khác hoãn ngày hội mua sắm giảm giá Black Friday tại Pháp đến ngày 4/12 tới.

Cấm xếp hàng, chen nhau mua đồ: Một mùa Black Friday khác biệt
Cảnh chen nhau mua sắm sẽ không còn diễn ra tại nhiều nơi


Khi thực thi lệnh phong tỏa, tất cả người dân Pháp được yêu cầu ở nhà, trừ trường hợp ra ngoài mua nhu yếu phẩm. Người dân cũng được phép ra ngoài tập thể dục nhưng tối đa 1 tiếng mỗi ngày và phải giữ khoảng cách với người khác. Điều đó có nghĩa, chẳng ai còn hứng thú mà đi mua sắm.

Bộ Tài chính Pháp trong một tuyên bố ra hôm 19/11 cho rằng việc lễ hội mua sắm Black Friday bị hoãn một tuần sẽ giúp “đảm bảo việc các cửa hàng mở cửa trở lại ở Pháp trong điều kiện an toàn tối đa”.

Trong khi đó, tại Mỹ tình hình cũng không mấy sáng sủa. Scott Rankin, Giám đốc chiến lược bán lẻ và tiêu dùng của công ty KPMG Mỹ, lo lắng: "Tôi không thể hình dung điều đó đang xảy ra trong năm nay"."Với tình hình hiện giờ, rất có thể sự kiện Black Friday sẽ không diễn ra", Rankin nói.

"Tôi không thể tưởng tượng được các nhà bán lẻ sẽ sắp xếp thế nào để chứa cả hàng trăm người trong cửa hàng. Rất nhiều rủi ro có thể xảy ra", ông bày tỏ.

CEO của công ty Macy, ông Jeff Gennette, nêu vấn đề tương tự với các nhà phân tích vào tuần trước rằng lượng khách hàng đông đảo đến mua sắm tại các cửa hàng là mối quan tâm lớn của công ty. Nhưng đối với dịp Black Friday năm nay, sự lo lắng khi tụ tập giữa đám đông của khách hàng sẽ là một trở ngại lớn.

Theo một cuộc khảo sát của Deloitte, gần 51% người mua sắm cảm thấy lo lắng về việc mua sắm tại cửa hàng trong những ngày lễ và 64% dành ngân sách chi tiêu trực tuyến.

Neil Saunders, nhà phân tích bán lẻ và giám đốc điều hành tại GlobalData Retail, thừa nhận Black Friday đang chuyển sang kênh trực tuyến. Nó không còn sự kiện một ngày duy nhất mà diễn ra trong một thời gian dài. “Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, chỉ những người dũng cảm hoặc điên rồ mới ra chen nhau mua sắm ở các cửa hàng”, ông nói.

Black Friday không còn một ngày duy nhất

Tìm cách sống chung với khó khăn, các nhà bán lẻ đang khuyến khích người tiêu dùng mua sắm qua kênh online. Tại Mỹ, các ưu đãi Black Friday thường dành cho mua sắm tại cửa hàng sẽ xuất hiện trực tuyến trong tháng.

Best Buy cho hay, Black Friday không chỉ là một ngày trong năm nay mà còn kéo dài hàng tháng. Chương trình bán hàng khuyến mại bắt đầu từ 1/11. Vào một số ngày nhất định, hãng bán lẻ này sẽ có chương trình giảm giá sâu đặc biệt cho người tiêu dùng qua kênh trực tuyến.

Trong khi đó, các cửa hàng mở cửa sẽ yêu cầu khách hàng phải đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch. Một máy bán hàng chuyên dụng dùng để trả lời các câu hỏi của khách hàng mua trực tiếp. Các cửa hàng khuyến khích người tiêu dùng ở nhà mua sắm, các hãng bán lẻ còn giảm giá, thậm chí miễn phí giao hàng.

Cấm xếp hàng, chen nhau mua đồ: Một mùa Black Friday khác biệt
Hạn chế đông người khiến ngành bán lẻ gặp khó khăn


Hãng bán lẻ Walmart tiết lộ thay vì tổ chức ngày hội mua sắm Black Friday vào một ngày duy nhất, họ sẽ tổ chức ba ngày mua sắm theo cả hai phương thức trực tuyến và tại cửa hàng. Đây là một trong những nỗ lực của tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Mỹ nhằm giảm thiểu đám đông tới mua sắm tại cửa hàng khi dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn.

Họ sẽ tiếp tục áp dụng chính sách giới hạn số lượng khách bên trong cửa hàng ở mức 20% trong ba ngày diễn ra sự kiện lớn như đã từng thực hiện trong giai đoạn đầu đại dịch. Các cửa hàng sẽ mở cửa lúc 5 giờ sáng trong ba ngày Black Friday, khách hàng sẽ xếp thành một hàng duy nhất để vào cửa hàng. Các nhân viên sẽ phát xe đẩy hàng đã được vệ sinh cho khách.

Macy's (M) đang quảng cáo nhận hàng trên lề đường, mua hàng trực tuyến tại cửa hàng và giao hàng trong ngày thông qua DoorDash. Còn Target (TGT) cũng đang tăng cường các tính năng an toàn tại các cửa hàng bao gồm thanh toán không tiếp xúc trong ứng dụng, giảm bớt quá tải tại quầy thanh toán họ cho nhân viên đi khắp cửa hàng để thanh toán và người mua đặt trước.

Đại dịch Covid-19 đang làm giảm mức chi tiêu của người Mỹ trong mùa lễ hội cuối năm, cản trở tiềm tàng cho nền kinh tế chủ yếu dựa vào tiêu dùng. Sucharita Kodali - nhà phân tích tại Forrester Research, dự đoán chi tiêu bán lẻ trong mùa lễ hội tới sẽ không đổi so với năm 2019. Doanh số bán hàng trực tuyến có thể tăng 20% đến 25%, nhưng sự sụt giảm mạnh về số người ghé thăm các cửa hàng sẽ ảnh hưởng đến doanh số chung.

Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia đã trì hoãn việc công bố dự báo mùa mua sắm cuối năm. Đây là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ họ làm vậy với lý do thiếu các chỉ số kinh tế rõ ràng và có thêm nhiều biến số khác, bao gồm cuộc bầu cử tổng thống và khả năng tái bùng phát của dịch.

Giới quan sát nhận định ngày hội mua sắm Black Friday đã không còn nhộn nhịp như xưa, khi người tiêu dùng giờ đây không còn thói quen đi mua sắm ở các cửa hàng hay trung tâm thương mại. Thay vào đó, họ đang dần ưa chuộng loại hình mua sắm trực tuyến hơn trước. Theo số liệu từ Adobe Analytics, 39% hoạt động mua bán trên mạng được thực hiện thông qua điện thoại, tăng 21% so với năm ngoái.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cấm xếp hàng, chen nhau mua đồ: Một mùa Black Friday khác biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO