Thêm 315 ca Covid-19 tử vong, còn 6.449 ca nặng và nguy kịch

30/08/2021 18:52

Bộ Y tế thông báo, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 315 ca tử vong.

315 bệnh nhân tử vong

- Trong ngày, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 315 ca tử vong

TP. Hồ Chí Minh (245), Bình Dương (39), Tiền Giang (7), Long An (6), Đồng Nai (4), Đồng Tháp (3), Khánh Hòa (2), Đà Nẵng (1), Hà Nội (1), An Giang (1), Bến Tre (1), Bình Định (1), Bình Thuận (1), Sóc Trăng (1), Thừa Thiên Huế (1), Vĩnh Long (1).

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 11.064 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Thêm 315 ca Covid-19 tử vong, còn 6.449 ca nặng và nguy kịch-1

6.449 ca nặng và nguy kịch

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.449 ca, trong đó:

- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.157

- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.247

- Thở máy không xâm lấn: 105

- Thở máy xâm lấn: 916

- ECMO: 24

9.014 bệnh nhân khỏi bệnh:

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 9.014

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 228.816

9 dụng cụ phòng hộ dành cho người chăm sóc F0 tại nhà

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 4159/QĐ-BYT hướng dẫn lựa chọn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch Covid-19. Các phương tiện phòng hộ tối thiểu được lựa chọn và sử dụng gồm:

- Găng tay: Gồm găng tay y tế (găng tay sạch hoặc vô khuẩn) tùy vào mức độ tiếp xúc với F0 hoặc F1, F2..., và găng tay vệ sinh.

- Khẩu trang: Khẩu trang y tế thông thường hoặc phòng nhiễm khuẩn và khẩu trang hiệu suất lọc cao (N95).

- Bộ trang phục phòng hộ cá nhân: Quần áo liền (có mũ) hoặc rời hoặc áo choàng chống dịch, dài che kín người. Bộ trang phục này phải được sản xuất từ vải không dệt, chống thấm, có khả năng bảo vệ chống vi sinh vật xâm nhập theo đường dịch, dễ sử dụng, thoáng mát.

- Tạp dề bán thấm: Vật liệu chống thấm, buộc dây hoặc đeo quanh cổ.

- Mũ: Che kín đầu, tóc, tai.

- Ủng bảo hộ: Dài quá bắp chân, dùng vật liệu có thể tái sử dụng.

- Bao giầy: Che phủ bàn chân, bắp chân có dây cố định tránh tuột và bao phủ được ống quần mặc bên trong. Bao giầy cũng phải là vật liệu bán thấm hoặc chống thấm.

- Tấm che mặt: Che hoàn toàn được hai bên tai và chiều dài khuôn mặt, làm bằng nhựa dẻo, trong, chống mờ do hơi nước, không làm biến dạng hình ảnh, cung cấp tầm nhìn tốt cho người dùng.

- Kính bảo hộ: Gồm gọng cài tai hoặc dây đeo sau đầu, phải trong suốt, ôm hết khuôn mắt hoặc che phủ hết mắt, hai bên thái dương.

Những người cần trang bị các vật dụng này gồm tất cả người làm ở các cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm; cơ sở cách ly theo dõi người nhiễm hoặc nghi ngờ; theo dõi chăm sóc người nhiễm, nghi nhiễm tại nhà; các chốt trong khu vực cách ly, tổ Covid-19, khu vực lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine tại cộng đồng; khu vực nhập/xuất cảnh người, hàng hóa; vận chuyển người nhiễm, nghi ngờ nhiễm và liên quan trực tiếp người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm trong các hoạt động phòng, chống dịch khác.

Bộ Y tế cũng lưu ý phương tiện phòng hộ cá nhân chỉ hiệu quả khi áp dụng cùng với những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm và kiểm soát nhiễm khuẩn khác.

Cơ quan này yêu cầu luôn có sẵn phương tiện phòng hộ cá nhân và được bảo quản đúng quy định. Kiểm tra số lượng hàng ngày để bảo đảm không thiếu phương tiện phòng hộ ngay cả trong tình huống khẩn cấp.

Nhân viên y tế phải được đào tạo kỹ về sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trước khi làm việc. Lựa chọn đúng chủng loại phương tiện theo từng tình huống công việc, kích cỡ phù hợp với người sử dụng.

Người sử dụng cần tuân thủ tuyệt đối quy trình mang và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân. Tuyệt đối không mặc bộ trang phục phòng hộ khi ngủ, nghỉ, sinh hoạt, ăn uống. Không phun hóa chất khử khuẩn lên bề mặt trang phục trong bất kỳ tình huống nào và không tái sử dụng.

Không mặc bộ trang phục phụ cho người bệnh, người nhà bệnh nhân trong bất kỳ tình huống nào.

Đặc biệt, phương tiện phòng hộ cá nhân sau sử dụng là chất thải lây nhiễm, phải được thu gom và xử lý như chất thải lây nhiễm.

Bộ trang phục dạng liền, rời hoặc áo choàng chống dịch chỉ sử dụng một lần, thải bỏ ngay khi không còn làm việc hoặc ra khỏi khu vực có nguy cơ lây nhiễm. Khu vực mang và tháo bỏ phương tiện phòng hộ là riêng biệt. Xử lý tập trung bộ quần áo mặc trong bộ trang phục.

Đồng Nai tiêm 500.000 liều vaccine Sinopharm trong tuần này

Ngày 30/8, tại hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết trong tuần này, Đồng Nai có thêm 500.000 liều vaccine Sinopharm (Vero Cell). Ông Lĩnh đề nghị triển khai tiêm chủng ngay số vaccine này tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp "3 tại chỗ" và "vùng đỏ".

Đồng Nai đã tiêm khoảng 800.000 liều vaccine phòng Covid-19 trên tổng số nhu cầu 4,5 triệu liều. Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, con số này còn quá thấp, cần đẩy mạnh trong thời gian tới.

Ông Lĩnh đề nghị Sở Y tế Đồng Nai soạn nội dung tuyên truyền về hiệu quả của vaccine Sinopharm. Các đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm lấy xã, phường làm "pháo đài", tiếp tục thực hiện xét nghiệm diện rộng với phương châm chính xác, thần tốc, đảm bảo đúng quy định; không được để điểm xét nghiệm diện rộng trở thành điểm lây lan dịch bệnh.

Ban quản lý các khu công nghiệp cần phối hợp ngành y tế, các lực lượng liên quan để triển khai, thực hiện tốt việc tiêm chủng tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề nghị cử thêm giáo viên, sinh viên, công chức đang nghỉ tại nhà tham gia hỗ trợ tổ y tế về nhập liệu tiêm chủng, tăng cường lực lượng giúp người dân khai báo trên ứng dụng sức khỏe cộng đồng.

Ngoài ra, Đồng Nai sẽ tiếp tục đẩy mạnh an sinh xã hội và an ninh trật tự, quyết không để người dân nào đói khi thực hiện giãn cách xã hội. Các đường dây nóng an sinh xã hội và y tế phải trực 24/24 để tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin, không để xảy ra tắc nghẽn. Xã, phường nào thiếu nguồn lực chăm lo cho dân thì báo về huyện và tỉnh để được hỗ trợ.

Tính từ đợt dịch thứ 4, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận hơn 22.641 ca mắc Covid-19. Trong số này, có gần 10.000 bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện. Với việc đã có thuốc uống để điều trị tầng 1, có thuốc tiêm điều trị tầng 2, 3 và các gói thuốc đông y hỗ trợ, nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân, địa phương đang quyết tâm giảm số tử vong đến mức thấp nhất.

MT

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thêm 315 ca Covid-19 tử vong, còn 6.449 ca nặng và nguy kịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO