Thế giới trên 87 triệu ca khỏi Covid-19, WHO đồng ý bồi thường tác dụng phụ của vắc-xin

23/02/2021 07:32

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đồng ý lên kế hoạch bồi thường cho những khiếu nại về tác dụng phụ nghiêm trọng của vắc-xin Covid-19 đối với 92 nước có tham gia chương trình COVAX.

Theo hãng thông tấn Reuters, tuyên bố của WHO cho biết đây là cơ chế bồi thường thương tật do vắc-xin đầu tiên và duy nhất hoạt động trên quy mô quốc tế. Cơ chế này sẽ cung cấp cho những người đủ điều kiện "một quy trình nhanh chóng, công bằng, mạnh mẽ và minh bạch".

“Bằng cách cung cấp tổng số tiền bồi thường trong quá trình giải quyết bất kỳ khiếu nại nào, COVAX sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu phải nhờ đến các tòa án luật, một quá trình có thể kéo dài và tốn kém”, tuyên bố cho biết thêm.

Thế giới trên 87 triệu ca khỏi Covid-19, WHO đồng ý bồi thường tác dụng phụ của vắc-xin
Ảnh: Reuters


Cơ chế sẽ được hỗ trợ ban đầu bởi nguồn vốn của các nhà tài trợ cho AMC, như một khoản phụ phí đối với tất cả liều vắc xin được phân phối qua COVAX. Theo WHO, đơn đăng ký bồi thường có thể được thực hiện thông qua cổng thông tin Covaxclaims từ ngày 31/3.

Kế hoạch mới được WHO đồng thuận đã được thảo luận trong vài tháng qua, và được thiết kế để có thể bao gồm những tác dụng phụ nghiêm trọng của bất kỳ loại vắc-xin nào do phân phối  từ giờ đến 30/6/2022, đối với các nước thuộc khối Cam kết về Thị trường Tiến bộ (AMC) của COVAX - một nhóm gồm 92 nước nghèo, hầu hết là ở châu Phi và Đông Nam Á.

Seth Berkley, giám đốc điều hành của liên minh vắc xin GAVI, đồng lãnh đạo COVAX, cho biết thỏa thuận về cơ chế bồi thường là "một sự thúc đẩy lớn" cho COVAX, nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vắc-xin Covid-19.

“Điều này không chỉ giúp đỡ người dân ở những quốc gia có nguy cơ chịu ảnh hưởng, mà còn giúp các nhà sản xuất phân phối vắc-xin của họ cho những quốc gia này với tốc độ nhanh hơn, và chính phủ các nước thu nhập thấp hơn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ việc mua vắc-xin thông qua COVAX”, ông nói.

Covid-19 diễn biến phức tạp ở Campuchia

Sáng 22/2, Bộ Y tế Campuchia thông báo nước này phát hiện thêm 35 ca nhiễm Covid-19 mới. Trong số này có 31 ca nhiễm từ cộng đồng và 4 ca nhập cảnh. Phần lớn những ca nhập cảnh đều đến từ Trung Quốc.

Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Campuchia phát hiện có ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số bệnh nhân được phát hiện lên 78.

Cũng theo Bộ Y tế Campuchia, 23 địa điểm "có nguy cơ lây nhiễm cao" đã được khoanh vùng. Nhiều khu vực tại thủ đô Phnom Penh đã bị phong tỏa. Các vũ trường, quán bar… đã bị đóng cửa. Bộ Giáo dục nước này cũng cho tạm ngưng hoạt động của một số trường học.

Trong một diễn biến liên quan, ngành chức năng của Campuchia hiện đang ra sức truy tìm một số người nhập cảnh nhưng trốn cách ly từ Trung Quốc. Trong số này, có những người bỏ trốn khỏi nơi điều trị sau khi biết mình bị dương tính với Covid-19.

Khán giả Australian Open mất điểm vì… vắc-xin Covid-19

Phó thủ tướng Australia đã lên án hành vi của một số khán giả theo dõi trận chung kết giải quần vợt Australian Open.

Vụ việc xảy ra tại lễ trao danh hiệu đơn nam của Australian Open. Trong lúc bà Jayne Hrdlicka, Chủ tịch giải đấu, đang phát biểu về những tín hiệu lạc quan trong nỗ lực phân phối vắc-xin trên toàn cầu, nhiều tiếng la ó đã vang từ khán đài sân thi đấu Rod Laver.

Phó thủ tướng Australia Michael McCormack hôm 22/2 đã chỉ trích những hành vi trên. “Tôi không thích việc la ó ở bất kỳ sự kiện nào, trong đó có thể thao. Loại vắc-xin này sẽ đưa đất nước chúng ta trở lại trạng thái bình thường như trước dịch Covid-19", ông nói.

Australia đã khởi động giai đoạn đầu tiên trong chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 của mình vào hôm 22/2. Khoảng 60.000 liều vắc xin Pfizer đầu tiên dự kiến sẽ được phân phối cho các nhân viên y tế, kiểm dịch tuyến đầu trong tuần này

Dù nhận được sự ủng hộ rộng rãi, song vắc-xin Covid-19 cũng đã gây ra một số cuộc phản đối tại Australia. Hôm 20/2, một số cuộc biểu tình chống việc tiêm chủng đã diễn ra lẻ tẻ ở các thành phố như Melbourne và Sydney

Tuần trước, chính phủ Austrlia đã ra lệnh phong tỏa 5 ngày đối với cư dân bang Victoria, do lo ngại bùng phát ổ dịch Covid-19 mới tại đây. Dù vậy, giải Grand Slam đầu tiên trong năm 2021 vẫn có thể diễn ra mà không bị virus corona đe dọa.

Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới

Theo Worldometer, đến sáng 23/2 (giờ Việt Nam), thế giới có tổng cộng 112.238.472 ca nhiễm Covid-19, trong đó 2.484.404 ca tử vong. Dù vậy, 87.732.925 bệnh nhân đã được chữa khỏi.

Mỹ vẫn dẫn đầu về số ca nhiễm mới trong ngày (50.911), song giảm hơn so với ngày trước đó. Brazil. Anh, Nga, Ấn Độ và Indonesia là những nước có số ca nhiễm trên 10.000.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thế giới trên 87 triệu ca khỏi Covid-19, WHO đồng ý bồi thường tác dụng phụ của vắc-xin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO