Thế giới liên tiếp lập kỷ lục về số ca mắc Covid-19

26/01/2022 14:46

Hơn 21 triệu người đã bị mắc Covid-19 trong tuần qua trên thế giới, đây là con số kỷ lục kể từ đầu đại dịch.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cho biết, số ca mắc mới được phát hiện tăng 5% so với 7 ngày trước đó và tử vong tăng 1%.

Theo đó, từ ngày 17-23/1, số ca mắc Covid-19 mới tăng 5% so với tuần trước với 21.362.288 ca được báo cáo. Trong 7 ngày, có 49.890 trường hợp tử vong được ghi nhận, tức là nhiều hơn 1% so với một tuần trước đó.

Ngoài ra, số người mắc mới cũng tăng so với tuần trước (10-16/1) được ghi nhận ở Đông Địa Trung Hải - 39%, Đông Nam Á - 36% và Châu Âu - 13%, trong khi ở châu Phi và châu Mỹ giảm lần lượt 31% và 10%.

Ở châu Âu, số người mắc mới trong một tuần vượt quá 10 triệu người, chiếm 47% tổng số ca mắc mới trên thế giới.

Thế giới liên tiếp lập kỷ lục về số ca mắc Covid-19
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 73.224.898 người, trong đó có 893.854 ca tử vong. (Ảnh: AP)

Trong khi đó, tỷ lệ tử vong tăng mạnh ở Đông Nam Á - 44% và Đông Địa Trung Hải - 15%. Đồng thời, ở châu Phi, khu vực Tây Thái Bình Dương và châu Âu, mức giảm lần lượt là 14%, 12% và 5%.

Tại Mỹ ghi nhận số ca mắc mới lớn nhất trong một tuần (4.215.852). Tiếp theo là Pháp (2.443.821), Ấn Độ (2.115.100), Italy (1.231.741) và Brazil (824.279).

Theo số liệu của WHO, tính đến ngày 25/1, trên thế giới đã ghi nhận 352.796.704 người mắc Covid-19 và 5.600.434 trường hợp tử vong kể từ đầu đại dịch.

Cũng theo WHO, chủng Omicron tiếp tục “lấn át” các biến thể đáng quan ngại khác trên phạm vi toàn cầu. WHO nêu rõ tình hình dịch bệnh hiện nay trên thế giới chủ yếu do sự “thống trị” của biến thể Omicron, trong khi mức độ lây lan của biến thể Delta tiếp tục giảm và các biến thể gồm Alpha, Beta, Gamma lây lan rất thấp.

Các nước chứng kiến số ca nhiễm Omicron tăng nhanh hồi tháng 11 và 12/2021 đều đã và đang bắt đầu chứng kiến số ca nhiễm mới theo chiều đi xuống. Tuy nhiên, dựa trên dữ liệu hiện có, “nhìn chung nguy cơ liên quan đến biến thể Omicron vẫn rất cao”.

WHO đã lấy các mẫu thu thập được giải trình tự gene trong 30 ngày qua, tải lên sáng kiến khoa học toàn cầu GISAID. Kết quả cho thấy có tới 89,1% số mẫu này là biến thể Omicron, trong khi chỉ có 10,7% là biến thể Delta.

Trong một diễn biến liên quan, hôm 25/1, hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) thông báo bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng Covid-19 đặc hiệu chống biến thể Omicron đối với người trưởng thành đến 55 tuổi nhằm đánh giá mức độ an toàn và phản ứng miễn dịch.

Tham gia thử nghiệm lâm sàng có sự tham gia của 1.420 người từ 18-55 tuổi. Pfizer giải thích lý do không đưa người trên 55 tuổi vào diện thử nghiệm lâm sàng là vì mục đích của nghiên cứu chỉ nhằm đánh giá phản ứng miễn dịch của những người tham gia, hơn là tính toán hiệu quả của vắc xin.

Trong một thông báo, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vắc xin của hãng Pfizer, bà Kathrin Jansen cho hay các dữ liệu hiện nay đều cho thấy mũi tiêm tăng cường chống chủng gốc virus SARS-CoV-2  vẫn có hiệu quả ngăn chặn nguy cơ người nhiễm Omicron chuyển nặng.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của hai hãng dược trên nhận thấy cần có sự chuẩn bị sẵn trong trường hợp khả năng miễn dịch của cơ thể suy yếu theo thời gian và giảm hiệu quả ngăn chặn sự lây nhiễm của biến thể Omicron cũng như các biến thể mới khác.

Thanh Bình (lược dịch)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thế giới liên tiếp lập kỷ lục về số ca mắc Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO