Động vật cũng biết 'giãn cách xã hội' và đây là cách mà chúng thực hiện

16/08/2020 11:07

Đối với động vật, việc tự cách ly khỏi cộng đồng là một hành động rất khó khăn, thậm chí khiến chúng mất mạng, nhưng lợi ích tập thể luôn được đặt lên hàng đầu.

Động vật cũng biết giãn cách xã hội và đây là cách mà chúng thực hiện - 1

Cùng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, "giãn cách xã hội" đã trở thành một trong những cụm từ được chú ý trong năm, với hàm ý đơn giản, dễ hiểu mà nó mang lại.

Nhưng hóa ra không chỉ con người, mà ngay cả động vật - thậm chí là côn trùng, cũng biết tự tạo khoảng cách giữa từng cá thể với những cá thể khác để giảm sự lây nhiễm bệnh tật.

Trong một bài báo được xuất bản tuần này tại Kỷ yếu của Hiệp hội Hoàng gia B, các nhà khoa học cho thấy động vật hoang dã, từ chim sẻ, khỉ mặt chó, cho tới các loài tôm, thậm chí là kiến và ong, đã sử dụng 'chiến thuật' tương tự để bảo vệ giống nòi.

Động vật tiến hóa để phát hiện các cá thể bị bệnh

"Covid-19 bao gồm nhiều triệu chứng, nên rất khó để biết rằng ai đó mắc bệnh. Nhưng một số động vật như chim sẻ nhà có biện pháp "tự cách ly" rất hiệu quả", Andrea Townsend - một nhà sinh thái học nghiên cứu về hành vi động vật tại trường Đại học Hamilton cho biết trong một nghiên cứu.

Theo Andrea, chúng sẽ sử dụng các hành vi rất phổ biến, chẳng hạn như tự hôn mê, để cảnh báo khả năng bị nhiễm trùng, giúp tránh khỏi một số cá thể nhất định.

Trong một số trường hợp khác, động vật đã tiến hóa để tự phát ra, hoặc phát hiện những tín hiệu phức tạp, nhằm cảnh báo việc cách ly một cá thể khỏi bầy đàn.

Động vật cũng biết giãn cách xã hội và đây là cách mà chúng thực hiện - 2

Tôm hùm gai nhận diện nước tiểu của những cá thể bị bệnh và cách ly chúng.

Tôm hùm gai Caribbean là một điển hình, khi chúng đã tiến hóa khả năng nhận diện nước tiểu lẫn trong nước của những con tôm hùm bị bệnh. Điều này giúp chúng chủ động tránh xa những khu vực mà những cá thể này chiếm đóng.

"Thông thường, những con tôm này tập hợp lại với nhau trong các hang ổ, nơi sẽ mang lại cho chúng nhiều sự bảo vệ khỏi môi trường ngoài", Dana Hawley, một nhà sinh vật học tại Viện Bách khoa Virginia cho biết.

Tuy nhiên, hành vi "xã hội" của những con tôm này được thể hiện rõ nhất khi chúng lập tức rời bỏ hang ổ khi phát hiện thấy cá thể nhiễm bệnh, đồng thời ít tương tác hơn với cá thể đó, theo chia sẻ từ Dana.

Một thí dụ khác là đối với loài khỉ mặt chó. Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu phân của những con không nhiễm ký sinh trùng, và để lại một lượng nhỏ bên cạnh một thân cây.

Kết quả là những con linh trưởng cùng loài bị thu hút bởi khu vực đó, thay vì nơi có phân của những con khỉ nhiễm ký sinh. Điều này cho thấy chúng đã tiến hóa khứu giác để nhận biết dấu hiệu của dịch bệnh và tránh xa chúng.

Động vật tự cách ly khỏi cộng đồng thế nào?

Minh chứng rõ ràng nhất của việc "tự cách ly", hay "giãn cách xã hội" được thể hiện bởi những loài côn trùng sống theo bầy đàn như kiến hoặc ong.

"Trong một số trường hợp khi chúng phát hiện thấy bản thân nhiễm bệnh, các cá thể này tự rời khỏi tổ, và chết một mình bên ngoài", Dana Hawley cho biết.

Động vật cũng biết giãn cách xã hội và đây là cách mà chúng thực hiện - 3

Kiến và ong là hai thí dụ điển hình của hành vi tự cách ly để bảo vệ bầy đàn.

Lý giải cho hành động này, nhà nghiên cứu cho biết đối với những côn trùng sống theo bầy đàn, các cá thể có quan hệ họ hàng với nhau nhiều hơn gấp nhiều so với quy mô gia đình của con người.

Do đó, chúng có thể vì lợi ích của tập thể, để hy sinh bản thân, nhằm bảo vệ cho một gia đình lớn hơn của mình.

Để hiểu rõ hơn, các nhà khoa học đã đưa nấm bệnh vào một vài cá thể trong đàn kiến, sau đó đưa chúng về tổ, rồi quan sát các hành vi của chúng.

Sau một thời gian ngắn, họ chứng kiến sự thay đổi trong hành vi của chúng, như hạn chế di chuyển trong tổ, và dành nhiều thời gian hơn bên ngoài, tránh xa các cá thể khác.

"Đó là bằng chứng khá mạnh mẽ cho thấy những con vật đó đang phản ứng với mầm bệnh, và tự cách ly bản thân", nhà nghiên cứu Andrea Townsend khẳng định.

Động vật cũng biết giãn cách xã hội và đây là cách mà chúng thực hiện - 4

Từ việc nghiên cứu hành vi và mức độ ảnh hưởng của việc "giãn cách xã hội" trên động vật, các nhà nghiên cứu rút ra rằng hành động này thực sự có tác dụng tích cực trong việc duy trì giống nòi.

Trong đó, có thể thấy mặc dù việc loại bỏ cộng đồng là một hành động rất khó khăn, và thậm chí khiến cá thể gặp khó khăn trong việc kiếm mồi, quản lý thức ăn, sinh sản, thậm chí là "bỏ mạng",... nhưng rốt cuộc thì lợi ích tập thể vẫn luôn được đặt lên hàng đầu.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Động vật cũng biết 'giãn cách xã hội' và đây là cách mà chúng thực hiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO