Thể dục thể thao sai cách sau dịch có thể dẫn đến chấn thương

ANH ĐÀO| 06/10/2021 18:38

Các bác sĩ cho biết việc giãn cách kéo dài đã làm đình trệ mọi hoạt động thể dục thể thao (TDTT), kể cả việc rèn luyện thể lực của từng cá nhân trong cộng đồng cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

fdafd.jpeg
Luyện tập thể lực sau mùa giãn cách có thể tiềm ẩn nguy cơ chấn thương - Ảnh: BVCC

Tiềm ẩn nguy cơ chấn thương

Bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc và bác sĩ Nguyễn Thanh Tú, khoa y học thể thao – viện chấn thương chỉnh Hình – Bệnh viện Quân Y 175, cho biết thể dục thể thao đúng phương pháp, sẽ có tác dụng trên cả 3 phương diện: hỗ trợ hệ thống miễn dịch chống lại các bệnh truyền nhiễm, giảm nguy cơ mắc COVID-19 cũng như các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, tăng hiệu quả sau chích vắc xin COVID-19 (ở mức độ phòng ngừa thứ cấp).

Trước đây, do liên tục tập luyện TDTT, cơ thể đã thích nghi với hoạt động đó. Nhưng khi ngừng một thời gian dài, cơ thể sẽ chuyển sang trạng thái nghỉ. Do vậy, muốn quay lại, cần một khoảng thời gian đệm, đủ để cơ thể thích nghi, nếu phá vỡ quy luật đó, sẽ dễ dẫn đến các chấn thương hoặc quá tải của một số cơ quan, đặc biệt gây đau nhức cơ, xương, khớp và nhất là tăng nguy cơ chấn thương.

Sau khi luyện tập TDTT sau thời gian dài, tùy thuộc vào từng môn thể thao, mà có từng biện pháp cụ thể, chẳng hạn, với môn chạy bộ: thời gian đầu, nên chạy với quãng đường ngắn, sau khi chạy một đoạn, nên dành vài phút đi bộ, sau đó chạy lại.

Khi cảm thấy chương trình tập luyện thoải mái, phù hợp với cơ thể của mình, thì tăng dần cường độ và cự ly theo từng ngày.

Linh hoạt theo cơ thể

Để tránh nguy cơ chấn thương và nhàm chán, nên thay đổi các động tác hoặc các hoạt động trong quá trình tập luyện, dàn trải luân phiên lên từng bộ phận khác nhau của cơ thể.

Nếu hoạt động hoặc thói quen tập luyện TDTT có khác biệt trong môi trường mới, quy tắc vẫn là bắt đầu từ từ, tập giảm cả về thời gian và cường độ trong những ngày đầu, sau đó tăng dần lên.

Lưu ý khi quay lại tập TDTT phải khởi động, thả lỏng hợp lý trước và sau các hoạt động thể thao; đặt mục tiêu nhỏ hơn để đạt được mục tiêu lớn hơn, lắng nghe cơ thể. Nếu một hoạt động hoặc chuyển động không cảm thấy thoải mái, hoặc xuất hiện các mệt mỏi, căng cơ, đau nhức… hãy thăm khám hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ y học thể thao ngay lập tức.

Đối với bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh tham gia hoạt động TDTT nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa y học thể thao trước khi tham gia luyện tập. Bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên dựa trên những tổn thương trước đó (phổi, gan, thận…), cũng như thời gian bị bệnh và sự phục hồi sức khỏe của bạn.

243296371_635643884486819_3116769337860010024_n.png

Giảm nguy cơ lây nhiễm khi tập TDTT?

Những hành vi làm giảm nguy cơ lây nhiễm khi tham gia TDTT bao gồm: giữ khoảng cách trên 2m; không nên đeo khẩu trang cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, bất cứ ai đang bị khó thở, người nào bất tỉnh, mất khả năng hoặc không thể tự tháo khẩu trang nếu không có sự trợ giúp.

Vệ sinh tay và vệ sinh đường hô hấp, tuân thủ nguyên tắc 5K, không được khạc nhổ và khuyến khích che kín mũi, miệng bằng khăn giấy khi ho và hắt hơi. Vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác.

Người tham gia thể thao tránh hát hò, hô hào hay la hét, không khuyến khích dùng chung các đồ vật, tự mang theo trang bị riêng như vợt, mũ bảo hiểm, chai nước…

Các bác sĩ khuyến cáo, để giảm nguy cơ nhiễm và làm lây lan COVID-19 do các hoạt động TDTT trong cộng đồng thời gian đầu sau giãn cách, người dân không nên tham gia các môn thể thao tiếp xúc gần với người không sống cùng với mình.

Nếu chọn chơi các môn thể thao tiếp xúc gần, hãy giảm nguy cơ bằng cách: thực hiện tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin, đeo khẩu trang, chơi ngoài trời, giữ khoảng cách tối thiểu 2m so với người khác và hạn chế những hoạt động tụ tập đông người, trong nhà.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thể dục thể thao sai cách sau dịch có thể dẫn đến chấn thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO