Thất nghiệp vì đại dịch, người dân xóm chạy thận nhịn cơm dành tiền mua thuốc

Hoài Thơm| 02/03/2022 07:30

Ảnh hưởng của dịch COVID-19, người dân xóm chạy thận Lê Thanh Nghị (Hà Nội) lâm cảnh thất nghiệp, họ phải chắt bóp chi tiêu, ăn mỳ thay cơm để dành tiền mua thuốc.

Mở cổng dãy nhà trọ, ông Hoàng Văn Tuấn (SN 1974, quê Nam Định) dắt chiếc xe máy đang treo lủng liểng túi thuốc vừa đi mua về rồi cất xe gọn gàng một góc. Túi thuốc của ông hôm nay hết 460 nghìn đồng, bằng 15 đơn hàng đi ship cho những vị khách quen.

Ông Tuấn là cư dân của "xóm chạy thận Lê Thanh Nghị", con ngõ nằm cách Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hơn một cây số. Người đàn ông 48 tuổi chạy thận đã hơn 20 năm nay, cứ 3 ngày ông phải đến Khoa chạy thận nhân tạo – Bệnh viện Bạch Mai để lọc máu một lần, chu kỳ cứ lặp đi lặp lại liên tục như vậy.

Người ta vẫn thường gọi đây là “căn bệnh của người giàu” vì chi phí thuốc men, viện phí của bệnh nhân chạy thận rất tốn kém, thời gian điều trị dài, chưa kể họ đều là những người tỉnh lẻ đến thuê nhà ở Thủ đô.

Thất nghiệp vì đại dịch, người dân xóm chạy thận nhịn cơm dành tiền mua thuốc - 1

Cánh tay ông Tuấn nổi những cục u lớn do kim truyền nhiều năm nay.

Ngày trước, ông Tuấn làm nghề chạy xe ôm trước cổng Bệnh viện Tai-Mũi-Họng, mỗi ngày thu nhập của ông được 300-400 nghìn đồng. Từ năm ngoái đến nay, khi số ca nhiễm ở Hà Nội liên tiếp tăng, ông phải tạm dừng công việc của mình, phần vì lo lắng cho sức khỏe khi bản thân có nhiều bệnh nền, phần vì lượng khách cũng sụt giảm hơn hẳn.

Hiện tại vài vị khách quen nhờ ship hàng trong nội thành ông cũng tranh thủ đi kiếm chút tiền về còn mua thuốc. Tuy nhiên số tiền từ việc ship hàng hằng ngày cũng chỉ đủ để ông uống thuốc 1 tuần.

Ngần ấy thời gian chống chọi với căn bệnh này là ngần ấy thời gian ông Tuấn sống một mình trong căn phòng trọ nhỏ hẹp trên đất Hà Nội. Như mọi năm không dịch, ông về quê 1-2 lần vào dịp lễ Tết, còn năm nay Tết ông cũng chẳng về.

Khi được hỏi về gia đình, người đàn ông ngập ngừng: “Cứ sống thế này một mình suốt thôi chứ gia đình cũng chẳng lên thăm được. Chỉ khi nào tôi không tự vận động được thì gia đình mới lên đỡ vài hôm rồi cũng phải về vì còn công việc nữa”.

Túi gạo ông Tuấn được tặng hồi Tết đến nay cũng chỉ còn lưng bát. Đến quá giờ trưa, ông vội đi úp bát mỳ để còn uống thuốc. Vừa cắt gói mỳ không có chút thịt, chút rau nào, ông cười và nói: “Ăn có thể nhịn chứ thuốc thì không bỏ bữa nào”.

Không chỉ ông Tuấn mà những bệnh nhân khác trong xóm chạy thận này cũng đều phải nghỉ việc vì COVID-19. Trước khi dịch xảy đến, họ làm đủ thứ việc từ nhặt đồng nát, bán nước cổng bệnh viện, rửa bát thuê, người trẻ hơn thì đi làm giúp việc theo giờ.

Cách phòng trọ của ông Tuấn vài bước chân là căn phòng trọ rộng chừng 6m2 của bà Phan Thị Tảo (63 tuổi, quê Hưng Yên). Ngoài phải chạy thận, bà Tảo còn có bệnh thoái hóa xương khớp. Từ lúc số ca nhiễm ở Hà Nội tăng nhanh, bà không đi bán nước được nữa. Những túi cốc nhựa dùng một lần cùng chiếc làn nước của bà đành ở yên một góc.

Chỉ sang phòng trọ bên cạnh đang đóng cửa im lìm, bà Tảo nói: “Nhà cô này còn trẻ thì ngày trước đi quét dọn, lau nhà cho người ta mà giờ dịch có ai dám thuê đâu. Chẳng ai người ta dám cho người lạ đến nên ở nhà mất mấy tháng trời, vừa rồi lại còn bị COVID. Giờ mới khỏi thì đi rửa bát thuê ở quán ăn đấy”.

Trưa nay, bà Tảo nấu bát canh rau và rang lạc để ăn, hôm nào khá hơn thì mua chút thịt để kho. Nấu bữa trưa thì bà ăn được cả ngày. Từ tỉnh lẻ về đây, bà Tảo xác định sống cả đời trong phòng trọ này, phần vì gần bệnh viện, phần vì sức khỏe yếu. Làn nước chè bán trong sân viện của bà bây giờ cũng không còn cách kiếm ăn. Giờ bà chỉ trông cậy vào gia đình nuôi sống rồi chờ đến ca chạy thận.

Thất nghiệp vì đại dịch, người dân xóm chạy thận nhịn cơm dành tiền mua thuốc - 2

Dãy nhà trọ nghèo của những bệnh nhân chạy thận, nơi họ sẽ gắn bó suốt đời.

Đang trò chuyện, bà Tảo như nhớ ra điều gì đó liền bảo khách:

"- Cô có sợ COVID không, bà phòng bên này F0 chuẩn bị về rồi đấy. Nay bà ý ra viện lọc máu thì người ta báo dương tính rồi.

- Thế bà có sợ không?

- Tầm này thì tôi còn sợ gì nữa, cứ chung sống thôi, được đến đâu thì đến".

Trước khi người hàng xóm F0 trở về, những người trong xóm trọ đã rủ nhau mua cồn để trước cửa phòng của F0 để khử trùng. Vài ngày trước ở xóm trọ này cũng có người bị dương tính, thế là những người hàng xóm nghèo lại góp từng đồng giúp người bệnh mua thực phẩm và thuốc men.

Từ phía cổng đi vào, một bà lão chừng ngoài 60 tuổi, mũ nón, khẩu trang bịt kín lủi thủi về phòng. Căn phòng trọ tối tăm hé cánh cửa, bà lão vội đóng lại và ở yên trong phòng. Với những người bệnh ở xóm chạy thận, họ đã coi căn bệnh này như án chung thân. “Cứ đi chạy lọc như thế này thôi, khi nào chết thì chôn”, bà Tảo vừa nói vừa nhìn vào vết u ở tay của mình.

Trong dãy nhà trọ này, mọi người dù già, dù trẻ hầu như đều sống một mình. Duy chỉ có căn phòng trọ rộng chừng 8m2 của vợ chồng ông Hùng, bà Sáu là có 2 người. Tính đến nay, bà Sáu đã đi theo chăm ông 12 năm, ông Hùng đã bị teo hết hai quả thận, cộng thêm di chứng sau mổ tim nên hầu như không thể tự chăm sóc bản thân được. Mọi việc từ thay quần áo, vệ sinh ông đều nhờ đến bà Sáu đỡ đần.

Ngày trước bà đi nhặt ve chai ở quanh xóm, có hôm nhặt cả trong Bệnh viện Bạch Mai, công việc này quen thuộc tới mức bà biết được thùng rác nào thường nhiều vỏ nhựa, thùng rác nào sẽ nhiều lon nhôm. Nhưng nếu hôm nào không may bị bảo vệ thu được thì bà ra về tay không cả ngày hôm đó. Bây giờ dịch bệnh căng thẳng bà cũng đành nghỉ ở nhà, nhỡ đi về mang bệnh lây cho ông thì khổ, xong lại chẳng ai chăm ai.

Mỗi tháng con cái biếu ông bà 3 triệu, ông Hùng được trợ cấp thương binh 1,5 triệu đồng. Thuê nhà, điện nước hết 1,5 triệu, tiền ăn cả hai ông bà hết 3 triệu, thay quả lọc mỗi tháng cho ông hết 930 nghìn đồng, chạy siêu lọc tháng 2 lần 720 nghìn đồng; truyền thuốc chống phù nề tích nước 800 nghìn đồng mỗi chai (1 tháng 4 chai), thuốc huyết áp, thuốc trợ tim, trợ não... Từng khoản chi tiêu bà Sáu nắm rõ hàng chục năm nay. Bây giờ không ra ngoài nhặt ve chai được thì bà càng phải chi tiêu chắt bóp hơn để dành đủ tiền cho ông đi viện và mua thuốc.

Thất nghiệp vì đại dịch, người dân xóm chạy thận nhịn cơm dành tiền mua thuốc - 3

Căn nhà trọ chưa đến 10m2 của ông Hùng và bà Sáu sinh sống 12 năm qua.

Người phụ nữ gần 70 tuổi chọn cách ăn ít hơn, nhường những miếng ngon lại cho chồng, chấp nhận mình tắm lạnh hơn để nhường nước ấm cho chồng tắm. Ròng rã suốt một tháng trời bà vẫn chưa đủ tiền mua cái “kim truyền không đau” cho ông. Đến bữa ăn, đôi vợ chồng già cứ gắp qua gắp lại thức ăn cho nhau và luôn miệng nói “Tôi no rồi”.

Bà Sáu chia sẻ: “Giờ thu nhập chẳng có thì lại càng phải tiết kiệm. Con cái còn cuộc sống riêng của chúng nó. Tôi nhiều khi nhịn, ăn đói hơn để phần cho ông còn đi viện. Giờ cứ thứ 3, 5, 7 là xách túi ra viện thôi”.

Những bệnh nhân ở xóm chạy thận này mỗi người đến từ một nơi khác nhau, họ sinh ra và lớn lên trong các hoàn cảnh khác nhau nhưng lại phải gánh chung một số phận, phải chạy thận hằng tuần để tiếp tục sự sống.

Đại dịch COVID-19 xuất hiện khiến cho công việc của họ càng trở nên khó khăn, những người bệnh mỗi ngày chi đến hàng trăm nghìn tiền thuốc nhưng lại chỉ kiếm được vài chục nghìn từ bán nước và nhặt ve chai. Nỗi lo bệnh tật, nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn thường trực.

Những ngày số ca COVID-19 ở Hà Nội liên tục lập đỉnh, bệnh nhân xóm chạy thận chỉ loanh quanh trong căn trọ, không dám ra đường mưu sinh bởi lo trong người mang nhiều bệnh nền nguy hiểm, nếu trở thành F0 sẽ không thể chống đỡ được bệnh tật.

Hoài Thơm

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thất nghiệp vì đại dịch, người dân xóm chạy thận nhịn cơm dành tiền mua thuốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO