Tháp chọc trời ‘ế’ nặng, đại gia bất động sản đau đầu giữa đại dịch

Cẩm Linh| 22/08/2021 08:00

Việc đua nhau xây các tòa nhà văn phòng đã dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung. Nhiều công ty chuyên về bất động sản văn phòng đang phải vật lộn với vấn đề ảm đạm trong kinh doanh.

Theo tập đoàn Savills, tỷ lệ bỏ trống văn phòng hạng cao cấp ở Thâm Quyến đạt 26,4% trong quý II tức tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ này ở Bắc Kinh, Thượng Hải cũng cao hơn so với cách đây 2 năm.

Nguyên nhân tình trạng này là tốc độ chi tiền xây dựng các tòa nhà văn phòng trong vài năm qua. Số tiền chi vào phát triển bất động sản văn phòng tăng lên mức hơn 600 tỷ nhân dân tệ hồi năm 2015, trong khi hồi năm 2010 con số này là 180 tỷ nhân dân tệ. Dòng tiền đổ vào bất động sản văn phòng vẫn duy trì mức cao đến năm 2020, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Tháp chọc trời ‘ế’ nặng, đại gia bất động sản đau đầu giữa đại dịch
Các tòa tháp chọc trời mọc lên nhiều song các công ty không mặn mà vì xu hướng làm việc tại nhà và giảm quy mô trong bối cảnh dịch Covid-19 (Ảnh: Các tòa tháp văn phòng ở Thâm Quyến/ Yusuke Hinata)

Tại một số thành phố ở Trung Quốc, tỷ lệ văn phòng bị bỏ trống giảm so với quý 1. Tuy vậy, các đô thị Trung Quốc sẽ chứng kiến tình trạng cung văn phòng vượt cầu trong quý 3/2021 và thời gian sau đó.

Các dự án tòa nhà văn phòng ở Trung Quốc được xây dựng nhiều xuất phát từ kỳ vọng về tăng nhu cầu thuê văn phòng khi chính phủ thúc đẩy chuyển sang các ngành công nghệ cao.

Tại khu tài chính Futian, Thâm Quyến, một toà nhà 65 tầng đã bị bỏ trống 70% diện tích văn phòng. Cho dù hoạt động cho thuê đã tăng, giá thuê hàng tháng vẫn ở mức 200 nhân dân tệ/m2 (7 triệu đồng/m2) tức chỉ bằng 60% so với mức trước đại dịch Covid19.

Khi xảy ra đại dịch Covid-19, nhân viên làm việc từ xa trở nên phổ biến, điều này khiến các công ty chuyển địa điểm tới văn phòng có giá rẻ hơn hoặc giảm quy mô. Do đó, tỷ lệ văn phòng bị  bỏ trống vẫn ở mức cao tại các thành phố ở Trung Quốc. Một nhà môi giới bất động sản Thâm Quyến lý giải là do ngày càng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chú ý nhiều đến chi phí bỏ ra.

Mới đây,  cơ quan chức năng Trung Quốc đưa ra động thái cấm xây mới các "siêu toà nhà chọc trời" vì lo ngại tình trạng dư thừa nguồn cung và nợ trong lĩnh vực bất động sản.

Khi phân khúc cho thu bất động sản văn phòng sụt giảm kéo dài, các công ty cũng phải vật lộn tìm cách để tồn tại. Hồi tháng 6, công ty phát triển bất động sản văn phòng và thương mại SOHO Trung Quốc quyết định bán cổ phần cho Blackstone - công ty quản lý tài sản với trị giá 23,6 tỷ đô la Hong Kong. Năm 2020, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp, công ty này sụt giảm lợi nhuận.

Không bán cổ phần thì có công ty cũng dịch chuyển trọng tâm hoạt động. Ví dụ Greenland Holding Group chuyển hướng sang phân khúc bất động sản nhà ở. Bất động sản văn phòng và thương mại chỉ chiếm 24% giá trị hợp đồng mua bán trong năm 2020, giảm 10% so với năm 2019, còn phân khúc mua, bán nhà ở tăng 76%.

Chính quyền các địa phương ở Trung Quốc cũng hành động trước tình trạng dư thừa nguồn cung văn phòng. Thành phố Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) cho phép chuyển đổi các tòa nhà văn phòng và trung tâm mua sắm thành nhà ở nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn nhất định ví dụ như có trường học.

Cẩm Linh(Theo Nikkei)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tháp chọc trời ‘ế’ nặng, đại gia bất động sản đau đầu giữa đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO