Thành phố thông minh phải lấy con người làm trung tâm

HAI LAM (tổng hợp)| 01/11/2021 06:46

Mục tiêu cuối cùng của thành phố thông minh vẫn là chất lượng cuộc sống của con người, phải đặt con người là nhân tố trung tâm.

people-in-smartcity.png
Thành phố thông minh phải lấy con người làm trung tâm

Hiện nay, khi xây dựng thành phố thông minh, nhiều quốc gia đang phát triển đang tập trung lấy công nghệ làm trung tâm - tuy công nghệ có thể mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng, nhưng có thể bỏ qua nhiều vấn đề nhu cầu khác của con người như quyền riêng tư, bảo mật thông tin, các nhóm nhu cầu tổng thể khác của các nhóm người đa dạng.

Con người là trung tâm 

Nhiều năm nghiên cứu các mô hình đô thị thông minh trên thế giới, ông Jaewon Peter Chun, chủ tịch WSCF và CEO XnTree, cho biết các quốc gia, kể cả một số quốc gia lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc… khi phát triển một thành phố mới luôn gặp các vấn đề như khan hiếm quỹ đất, tài chính và thậm chí là thiếu hụt nguồn nhân lực.

“Khi đối mặt với nhiều hạn chế, việc tập trung trả lời các yếu tố liên quan đến con người như “Ai sẽ sống trong thành phố này? Họ sẽ sống trong thời gian bao lâu?” là những câu hỏi cần được đặt ra và câu trả lời chính là điểm cốt lõi để xây dựng thành phố/đô thị, chứ không phải việc chúng ta sử dụng công nghệ gì”, ông Peter chia sẻ quan điểm.

Theo ông Peter, nhiều quốc gia là tập trung xây dựng các thành phố dựa trên đặc trưng riêng nhằm giải quyết những thách thức xã hội và nhu cầu cơ bản như: Copenhagen xây dựng thành phố thân thiện với môi trường, Malaga ứng dụng năng lượng thông minh, Singapore phát triển công nghệ thực tế ảo…

Còn theo ông Trịnh Minh Giang, giám đốc điều hành VTI Cloud, cho rằng tất cả Smart City - đô thị thông minh - đều nhằm tập trung phát triển 3 trọng tâm chính: Thứ nhất là chất lượng cuộc sống của tất cả mọi người trong khu vực, bao gồm cả những người “dễ bị tổn thương” như người già, trẻ em và người yếu thể.

Thứ hai là đảm bảo và gia tăng năng lực cạnh tranh kinh tế của đô thị. Khi đô thị có nền kinh tế phát triển sẽ thu hút được nguồn lao động chất lượng cao cũng như có thể tự phát triển được nguồn lực nội tại.

Thứ ba là đảm bảo phát triển bền vững. “Smart City (Đô thị thông minh) cần một nền tảng và hạ tầng công nghệ thông tin mạnh mẽ để có thể can thiệp và thúc đẩy các lĩnh vực về môi trường, giáo dục, an ninh, giao thông, kinh tế… để nâng cao chất lượng đời sống cho từng người dân trong đô thị”, ông Giang chia sẻ.

smarcity.jpeg
Mục tiêu cuối cùng của Smart City vẫn là chất lượng cuộc sống của con người

Bà Trịnh Tú Anh, viện trưởng Viện đô thị thông minh và quản lý, cho rằng: “Thành phố thông minh không phải là thành phố chỉ sử dụng công nghệ mà là nơi ứng dụng các công nghệ để giải quyết các vấn đề đô thị một cách hiệu quả dựa trên các nguồn lực mà chúng ta đang có. Mục tiêu cuối cùng của Smart City vẫn là chất lượng cuộc sống của con người, phải đặt con người là nhân tố trung tâm”.

Phát triển Smart City hậu đại dịch

Đại dịch COVID-19 đã khiến đời sống xã hội thay đổi rất nhiều. Do đó, con người sống trong đô thị thông minh hậu đại dịch chắc chắn có ít nhiều xáo trộn. Ông Jaewon Peter Chun đưa ra ví dụ ở Mỹ, người dân không đến văn phòng nữa và tham gia vào các cuộc họp trực tuyến nhiều hơn. Vì vậy họ đã quen với mô hình mới này, họ thích làm việc ở nhà hơn và cũng nhờ vậy mà tiết kiệm được các chi phí thuê văn phòng. Dự kiến mô hình này có thể trở thành một xu hướng mới trong tương lai. Vì thế, thành phố thông minh phải có những kế hoạch để đáp ứng được lối sống mới.

Nói đến việc phát triển thành phố thông minh hậu đại dịch, bà Trịnh Tú Anh chỉ ra 3 vấn đề mà những nhà làm quy hoạch và thiết kế cần quan tâm. Thứ nhất, chỉ khoảng 20% người dân chấp nhận và thay đổi theo xu hướng “work-from-home” (làm việc tại nhà). Họ là những nhà nghiên cứu học thuật hoặc làm các công việc đã được xây dựng chuyển đổi số trước đó.

Tuy nhiên đối với nhóm “dễ bị tổn thương”, những cơ sở hạ tầng và các nguồn lực hiện tại chưa sẵn sàng để hỗ trợ cho họ trong việc thay đổi theo xu hướng mới. Chính vì thế, công việc của người phát triển công nghệ và làm quy hoạch phải hợp tác cùng nhau để phục vụ cho sự thay đổi của mọi đối tượng.

Thứ hai, thiết kế và quy hoạch nhà ở phù hợp với lối sống mới. Trước đây, những sinh hoạt đều được diễn ra ngoài cộng đồng, nhưng sau dịch mọi thứ đều được “mang về nhà”. Chính vì thế mà ngôi nhà cần được thiết kế để đảm bảo được không gian chung nhưng vẫn đảm bảo tính riêng tư để cuộc sống của người dân có thể diễn ra linh hoạt hơn.

Thứ ba, về việc các dự án và quy hoạch đều chưa quan tâm đến khả năng tự phục hồi sau dịch. Điển hình là những bệnh viện dã chiến, do không theo mô hình tháo lắp linh hoạt nên chúng ta chưa biết cách xử lý các dự án này hậu đại dịch. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thiếu những khu vực linh hoạt để đối phó với những sự cố bất ngờ như đại dịch COVID-19.


Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thành phố thông minh phải lấy con người làm trung tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO