Thang máy 'không bấm nút' được ưa chuộng sau dịch

28/05/2020 17:16

Do bảng nút bấm thang máy có nguy cơ tích luỹ virus gây bệnh, nhiều toà nhà nâng cấp lên bảng điều khiển không tiếp xúc.

Giai đoạn dịch bệnh, mọi người bắt đầu quen thuộc với khái nhiệm “không tiếp xúc” nhiều hơn. Ví dụ giao hàng không tiếp xúc, thanh toán không tiếp xúc,... nhằm giữ khoảng cách để không lây lan dịch bệnh.

Để hạn chế lây nhiễm, trong các hình ảnh lan truyền trên Internet, có nhiều người tìm mọi cách để bấm nút thang máy mà không phải dùng tay tiếp xúc với bảng nút bấm. Một số người dùng chìa khoá, dùng thẻ ra vào công ty, có người dùng cùi chỏ để bấm nút thang - một nơi được cho là nguồn có nguy cơ chứa virus do có nhiều người cùng bấm vào.

Ông Tạ Huy Vũ, Tổng giám đốc Schindler Việt Nam, cho biết sau giai đoạn cách ly, nhiều khách hàng yêu cầu nâng cấp các bảng nút thang máy lên dạng cảm ứng, không tiếp xúc.

“Toàn quốc có khoảng 40 khách hàng đang trang bị bảng điều khiển thang máy dạng này”, ông Vũ nói với VietNamNet. Trong đó tại TP.HCM có khoảng 30 toà nhà sử dụng.

Thang máy 'không bấm nút' được ưa chuộng sau dịch

Mô hình một bảng điều khiển cảm ứng, dùng thẻ mở thang máy. Ảnh: Hải Đăng

Với một tấm thẻ nhựa, quản lý toà nhà có thể dùng nó để làm thẻ giữ xe, tích hợp thêm thẻ mở thang máy, thẻ nhân viên,... Tấm thẻ này đều có thể được cài đặt để người sở hữu chỉ lên được một tầng nhất định, một khu vực nhất định, do đó không cần phải bấm nút trên bảng điều khiển trong thang.

Một số toà nhà lớn đang dùng hệ điều khiển mới này gồm Saigon Centre, Landmark 81, Metropolitan, Mapple Tree, Crescent Mall, Pearl Plaza…

Một dự án ở Thái Hà (Hà Nội) kết nối hệ thống điều khiển với điện thoại di động. Người sử dụng một khi đến gần thang máy trong phạm vi 10 mét (khoảng kết nối Bluetooth) thì có thể dùng smartphone bấm số tầng cần lên, không cần chạm vào thang.

Một dự án chung cư khác tại Hà Nội còn có hệ thống gọi video. Chẳng hạn một chủ hộ có khách ghé thăm, có thể gọi video xuống dưới, nhìn rõ mặt để xác nhận người quen, sau đó “ra lệnh” để thang máy xuống đón lên đúng tầng của chủ hộ đó.

Ông Vũ cho biết hiện nay có thể triển khai phương thức mở thang máy bằng QR Code. Chẳng hạn, ứng dụng cài đặt trên smartphone cung cấp cho người dùng một mã QR Code, người đó dùng nó để quét tại thang máy, lên đúng tầng đã định. Tuỳ theo quyền hạn được cấp, một người có thể lên các tầng nào.

Ngoài ra, nhân viên một toà nhà văn phòng có thể gửi mã QR Code dùng một lần cho khách ghé thăm để tự mở thang máy, lên đúng tầng cần đến. Với giải pháp này, nhân viên không cần phải xuống đưa khách lên. Đồng thời việc cấp QR Code cũng quản lý được số lượng người lên xuống, ra vào các tầng toà nhà.

Trước đây, để tiết kiệm thời gian và tăng tính bảo mật tại các toà nhà, một số hãng đưa giải pháp nhận diện gương mặt tại các cổng lên thang máy, để chỉ cho những người đã đăng ký được vào toà nhà.

Tuy nhiên, đại diện Schindler cho biết do lo ngại quyền riêng tư, các hãng thang máy và khách hàng đang nghiêng về phương án dùng QR Code để mở thang, hơn là dùng nhận diện gương mặt.

Tất cả giải pháp điều khiển thang nói trên đều có thể tích hợp vào hệ thống nhà thông minh. Với hạ tầng công nghệ kết hợp dữ liệu lớn như hiện nay, thang máy có thể quản lý lưu lượng lưu thông, phân bổ thang máy hợp lý để tối ưu thời gian chờ thang.

Do kết hợp nền tảng đám mây và phân tích dữ liệu, bản thân các hệ thống thang máy hiện đại hiện nay có thể tự phát hiện lỗi và các hỏng hóc, đưa ra các cảnh báo cho nhà sản xuất lẫn đơn vị quản lý toà nhà. Với kho dữ liệu được lưu trữ, người quản trị cũng nắm được nhu cầu thang của từng tầng khác nhau, thời điểm khác nhau,... để tối ưu sử dụng thang.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thang máy 'không bấm nút' được ưa chuộng sau dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO