Theo một cán bộ có kinh nghiệm bảo tồn rùa biển gần 30 năm tại Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết, việc nuôi rùa biển con trước đây đã từng được thí điểm. Theo đó, khi rùa biển con nở sẽ được nuôi trong môi trường sinh trưởng gần như tự nhiên và sẽ thả về đại dương khi gần 1 năm tuổi.
"Lúc này, rùa biển con chỉ bằng nắm tay. Việc thả rùa biển con về đại dương thời điểm này sẽ khiến rùa biển con giống như bị bệnh Down, khó tìm kiếm thức ăn theo bản năng. Bên cạnh đó, rùa biển khi nuôi như vậy sẽ bị mất phương hướng cho việc sinh trưởng bình thường trong tự nhiên. Chính điều này mà phải thả rùa biển con về đại dương sau khi trứng nở, nguyên nhân lý giải cho việc tỷ lệ sống rất thấp của cá thể này", cán bộ cho biết.

Do thiên địch nhiều (đại bàng, cò, cá...) nên việc thả rùa biển con về đại dương được chia thành nhiều đợt vào thời điểm phù hợp. Mỗi thời điểm chỉ thả một cơ số cá thể về đại dương và trải rộng trên nhiều khu vực của khu bảo tồn, nhằm đảm bảo rùa biển con có cơ hội sống sót cao nhất khi được thả về đại dương.
Được biết, trong chương trình phối hợp giữa Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources - IUCN) và Vườn quốc gia Côn Đảo, hàng năm, các nhóm tình nguyện viên sẽ cùng cán bộ thực hiện việc dời tổ rùa biển khi đẻ lên nơi ấp trứng an toàn. Sau khi trứng nở, các cá thể rùa biển con sẽ được thả về đại dương nhằm giúp thích nghi tốt môi trường trong quá trình sinh trưởng.
Chia sẻ về hoạt động, tình nguyện viên Tấn Danh (đợt 1-2025 tại Hòn Bảy Cạnh) cho biết rất làm cảm kích khi được những người anh, người chị, cô chú tận tâm tiếp nhận, chỉ dẫn một cách tận tình, chi tiết từng công việc.
"Dù ban đầu còn bỡ ngỡ, nhưng nay tôi đã nhanh chóng thích nghi và cảm thấy mình thực sự là một phần của đội nhóm. Đến nay, tôi đã tự tin thực hiện tốt các công việc như phân biệt và phát hiện tổ trứng rùa, hỗ trợ rùa mẹ đẻ trứng, thu gom trứng, đào và lấp tổ ấp", tình nguyện viên Tấn Danh chia sẻ thêm.
Cũng theo Tấn Danh, một ngày tình nguyện ở đây bắt đầu bằng việc thả rùa con về biển, vệ sinh bãi biển và hồ ấp trứng, có hôm nhóm phải đi ca nô đến các bãi nhỏ để thu gom trứng. Công việc chính diễn ra vào ban đêm, bắt đầu từ khoảng 21 giờ đến tận 5 – 6 giờ sáng hôm sau, tùy theo thủy triều và số lượng rùa mẹ lên bờ đẻ trứng.
Cùng đợt với Tấn Danh, tình nguyện viên Tuấn Anh ở Hòn Tài khá phấn khởi khi được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn tận tình về loài rùa biển, cũng như cơ chế lên đẻ, tập tính, cách bấm lỗ đánh dấu...
Cùng với đó, việc tuyên truyền cho du khách về bảo tồn rùa biển cũng là công việc thường xuyên, để cùng góp phần phát triển cá thể rùa biển trong tương lai.






