Truyền dịch tại nhà, người phụ nữ 31 tuổi suýt chết

15/06/2020 12:56

Sau khi truyền chai dịch khoảng 10 phút, chị H. đột nhiên thấy rét run, buồn nôn, được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu.

BV đa khoa khu vực Bắc Quang, Hà Giang vừa cấp cứu một trường hợp bị sốc phản vệ do truyền dịch tại nhà.

Bệnh nhân là Lê Thị H., 31 tuổi, trú tại xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang. Chị H. cho biết, khi đi làm về chị thấy người mệt mỏi nên tự ra hiệu thuốc mua chai dịch rồi nhờ người truyền tại nhà.

Sau khi cắm kim truyền được khoảng 10 phút, bệnh nhân thấy trong người khó chịu, mệt mỏi, buồn nôn, rét run, hoa mắt. Gia đình vội vàng rút kim truyền, đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Truyền dịch tại nhà, người phụ nữ 31 tuổi suýt chết

Người dân tuyệt đối không được tự ý truyền dịch tại nhà

Khi vào viện, bệnh nhân đã rối loạn ý thức, hoảng loạn, nhịp tim nhanh. Các bác sĩ khoa Cấp cứu nhanh chóng chẩn đoán, chỉ định bệnh nhân điều trị theo phác đồ sốc phản vệ. May mắn được can thiệp kịp thời, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định trở lại.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, dịch truyền có khoảng 20 loại, có loại bổ sung chất dinh dưỡng như đạm, chất béo, vitamin, đường, có loại bổ sung nước và chất điện giải dùng cho các trường hợp mất nước, mất máu và cuối cùng là dịch albumin với dung dịch đặc biệt như huyết tương tươi, dung dịch chứa albumin, dextran… cho các trường hợp cần bù nhanh albumin hoặc dịch tuần hoàn cơ thể.

Về cơ bản, mục đích truyền dịch là nuôi dưỡng, bù đắp các phần dịch thiếu hụt trong cơ thể, dù tốt nhưng không được lạm dụng và bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ, thực hiện truyền dịch tại các cơ sở y tế có đủ phương tiện cấp cứu.

Nếu người dân tự ý truyền, tai biến nặng nhất có thể gặp phải là sốc phản vệ, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời hoặc bị nhiễm trùng máu, quá tải dịch gây phù phổi, suy hô hấp, suy tim.

Chỉ định truyền dịch chỉ áp dụng với bệnh nhân sốt cao, nôn trớ nhiều, mệt mỏi không thể bù nước, đạm, dinh dưỡng qua đường ăn uống. Khi truyền dịch, nhân viên y tế sẽ theo sát bệnh nhân để điều chỉnh tốc độ nếu cần và sớm phát hiện các biến chứng nếu có.

Với người khoẻ mạnh, PGS Dũng khuyên người dân nên bổ sung dịch qua đường ăn uống, cho hiệu quả tương đương.

PGS Dũng dẫn chứng, truyền 1 chai muối mất cả tiếng cũng chỉ tương đương ăn 1 bát canh, 1 chai glucose 5% chỉ tương đương 1 thìa cafe đường.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Truyền dịch tại nhà, người phụ nữ 31 tuổi suýt chết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO