Sự kiện quốc tế nổi bật tuần 2-8/8: Belarus đóng cửa biên giới; Căng thẳng Israel-Lebanon leo thang; Biển Đông 'nóng' trở lại

Đạt Vy| 08/08/2021 09:19

Baoquocte.vn. Belarus đóng cửa biên giới phía Nam và Tây; Israel và Lebanon bắn pháo 'đỏ trời'; tình hình Afghanistan... là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua:

Binh sĩ Lithuania trải hàng rào thép gai ở biên giới với Belarus. (Nguồn: Reuters)
Binh sĩ Lithuania trải hàng rào thép gai ở biên giới với Belarus. (Nguồn: Reuters)

Belarus bất ngờ đóng cửa biên giới

Ngày 5/8, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã chỉ thị giới chức an ninh đóng cửa và đảm bảo an ninh biên giới nước này.

Hãng thông tấn nhà nước Belta dẫn lời Tổng thống Lukashenko phát biểu tại cuộc họp về tình hình biên giới nêu rõ: "Kể từ hôm nay, không ai có thể bước vào lãnh thổ của Belarus từ phía bên kia, dù là phía Nam hay phía Tây".

Ông Lukashenko cho biết, các cơ quan chức năng của nước này sẽ bắt đầu thực hiện các bước đi nhằm trục xuất những người di cư bất hợp pháp thông qua các trạm kiểm soát chính thức. Theo ông Lukashenko, những sự kiện mới nhất ở biên giới phía Tây của Belarus với Lithuania và Ba Lan là đáng báo động.

Israel bắn pháo xe tăng để trả đũa Lebanon ngày 6/8. (Nguồn: AFP)
Israel bắn pháo xe tăng để trả đũa Lebanon ngày 6/8. (Nguồn: AFP)

Căng thẳng Israel-Lebanon leo thang

Trong các ngày 4/8 và 6/8, hàng chục quả tên lửa đã được phóng từ Lebanon nhằm vào lãnh thổ Israel gây ra hàng loạt vụ nổ. Phong trào Hồi giáo dòng Shiite Hezbollah tuyên bố thực hiện các cuộc tấn công.

Hezbollah, được Iran hậu thuẫn, từ lâu đã thể hiện vai trò đầy quyền lực tại Lebanon, nơi bị phủ bóng bởi một cuộc khủng hoảng kinh tế và mới chỉ có một chính phủ tạm quyền trong gần một năm qua.

Israel cũng đã trả đũa lại bằng hàng loạt các vụ bắn pháo vào miền Nam Lebanon.

Quốc gia này đã lên án mạnh mẽ việc bắn rocket từ lãnh thổ Lebanon vào Israel và cho rằng chính phủ Lebanon phải chịu trách nhiệm về vụ việc này. Israel cảnh báo các cuộc tấn công của Hezbollah có thể dẫn đến thảm họa và sự hủy diệt lớn ở Lebanon.

Israel cũng tuyên bố không cho phép các cuộc tấn công gây tổn hại cho công dân của mình và sẽ đáp trả nhằm vào các cơ sở hạ tầng của Hezbollah trải khắp Lebanon.

Ngày 6/8, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz đã đề nghị người đồng cấp phía Mỹ Lloyd Austin gây sức ép buộc chính phủ Lebanon ngừng bắn tên lửa vào lãnh thổ Israel.

Ông Dawa Khan Menapal trong một buổi họp báo. (Nguồn: Wionews)
Ông Dawa Khan Menapal trong một buổi họp báo. (Nguồn: Wionews)

Phát ngôn viên chính phủ Afghanistan bị Taliban ám sát

Ông Dawa Khana Menapal, người đứng đầu trung tâm thông tin và truyền thông chính phủ Afghanistan, đã bị ám sát chiều 6/8 ở thủ đô Kabul. Vụ ám sát ông Menapal là sự kiện mới nhất trong một loạt các vụ ám sát nhắm vào các quan chức chính phủ, nhằm làm suy yếu quyền lực của Tổng thống Ashraf Ghani, theo Reuters.

Một quan chức trong Bộ Nội vụ liên bang Afghanistan cho biết những kẻ khủng bố đã ám sát ông Menapal trong một buổi cầu nguyện.

Ông Ross Wilson, Đại sứ Mỹ tại Afghanistan, đăng trên Twitter rằng ông rất đau buồn trước cái chết của ông Menapal. Ông Wilson mô tả ông Menapal là người bạn thường xuyên cung cấp thông tin trung thực cho người dân Afghanistan.

Hôm 4/8, Quyền bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan cũng bị tấn công trong vụ đánh bom xe ở Vùng Xanh (khu an ninh cao dành cho các quan chức cấp cao) ở thủ đô Kabul. Vụ việc khiến ít nhất 7 người thiệt mạng, bao gồm 3 kẻ tấn công và 20 người bị thương.

Nhiều nhà hoạt động xã hội, nhà báo, quan chức, thẩm phán, những người đấu tranh để duy trì một chính quyền Hồi giáo tự do, đã bị các tay súng Taliban ám sát.

Đại sứ Myanmar tại LHQ Kyaw Moe Tun. (Nguồn: AP)
Đại sứ Myanmar tại LHQ Kyaw Moe Tun. (Nguồn: AP)

Hai người bị bắt vì âm mưu ám sát đại sứ Myanmar tại Liên hợp quốc

Ngày 6/8, văn phòng công tố viên liên bang phụ trách khu vực phía nam New York cho biết hai người Myanmar đã bị bắt vì âm mưu gây thương tích hoặc ám sát đại sứ Myanmar tại Liên hợp quốc.

Phyo Hein Htut (28 tuổi), và Ye Hein Zaw (20 tuổi) đã bị buộc tội âm mưu và thực hiện tấn công bạo lực nhắm vào quan chức nước ngoài. Tội danh âm mưu giết người có mức án tối đa là 5 năm tù, theo Reuters.

Chính phủ hiện tại ở Myanmar đã sa thải ông Kyaw Moe Tun vào hồi tháng 2 sau khi chính quyền dân sự bị lật đổ. Tuy nhiên, LHQ vẫn coi ông Kyaw Moe Tun là đặc phái viên của Myanmar tại tổ chức này.

Hai nghi phạm hợp tác với một kẻ buôn vũ khí ở Thái Lan. Nghi phạm Phyo Hein Htut nói với FBI rằng tay buôn vũ khí đã liên hệ thông qua internet và trả tiền để thuê người tấn công đại sứ và buộc ông từ chức. Kẻ chủ mưu yêu cầu trừ khử đại sứ nếu ông không đồng ý.

Ye Hein Zaw là người thay mặt kẻ buôn vũ khí chuyển tiền cho Phyo Hein Htut. Hắn thừa nhận đã chuyển 4.000 USD thông qua hai giao dịch. Khi xong việc, Phyo Hein Htut sẽ nhận được thêm 1.000 USD.

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần 2-8/8: Belarus đóng cửa biên giới; Căng thẳng Israel-Lebanon leo thang; Biển Đông 'nóng' trở lại

Vương quốc Anh trở thành đối tác đối thoại của ASEAN

Ngày 5/8, Vương quốc Anh đã chính thức trở thành Đối tác Đối thoại thứ 11 của ASEAN. Đây là lần đầu tiên sau 25 năm ASEAN nhất trí trao quy chế này.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh Dominic Raab đã tham dự một buổi lễ trực tuyến cùng các ngoại trưởng ASEAN chính thức chào mừng Vương quốc Anh trở thành Đối tác Đối thoại của ASEAN.

“Tôi vui mừng vì ngày hôm nay, Vương quốc Anh đã chính thức trở thành Đối tác Đối thoại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Anh và ASEAN sẽ tạo ra rất nhiều việc làm ‘xanh’, củng cố hợp tác an ninh trên thế giới, thúc đẩy quan hệ đối tác khoa học, công nghệ, đồng thời bảo vệ các trụ cột chính của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982”, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói.

Với việc trở thành Đối tác Đối thoại, Vương quốc Anh chính thức hóa mối quan hệ với ASEAN, bao gồm việc tham dự cuộc họp bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế hàng năm, cùng với các hoạt động khác ở cấp bộ trưởng. Ngoài ra, chính phủ Anh cũng hy vọng sẽ cùng ASEAN thúc đẩy hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh khu vực.

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần 2-8/8: Belarus đóng cửa biên giới; Căng thẳng Israel-Lebanon leo thang; Biển Đông 'nóng' trở lại
Đám cháy rừng Dixie đã 'xé toạc' thị trấn miền núi Greenville, bang California, Mỹ vào tối 4/8 (theo giờ địa phương), khiến phần lớn thị trấn trở thành đống tro tàn. (Nguồn: AP)

Cháy rừng gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên thế giới

Nhiều quốc gia đang phải đối mặt với nạn cháy rừng hoành hành trong những ngày gần đây, gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Nguyên nhân được đưa ra là do tác động của quá trình biến đổi khí hậu, gây ra những đợt nắng nóng khắc nghiệt kéo dài.

Tại châu Âu, Hy Lạp đang phải vật lộn với 81 vụ cháy rừng trong bối cảnh nước này đối mặt với đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong hơn 30 năm. Tại Bulgaria, ít nhất hai nhân viên lâm nghiệp đã thiệt mạng và một người khác bị thương trong khi đang nỗ lực ngăn chặn các đám cháy rừng.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang trải qua đợt cháy rừng tồi tệ nhất trong vòng một thập kỷ qua, xóa sổ những khu rừng nguyên sơ và đất nông nghiệp trù phú trên khắp các bờ biển Địa Trung Hải và Aegean của nước này.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết những đợt nắng nóng khắc nghiệt ở Thổ Nhĩ Kỳ và Cyprus đã khiến nhiệt độ bề mặt đất khu vực này lần thứ hai vượt ngưỡng 50 độ C trong vòng khoảng 1 tháng qua.

Trong khi đó, tại Mỹ, đám cháy rừng lớn nhất năm 2021 của nước này đã bùng phát vào ngày 13/7 tại bang California đã thiêu hủy 432.813 ha đất rừng và chỉ 35% đám cháy được lực lượng cứu hỏa khống chế. Đám cháy rừng Dixie cũng đã 'xé toạc' thị trấn miền núi Greenville, bang California, Mỹ vào tối 4/8 (theo giờ địa phương), khiến phần lớn thị trấn trở thành đống tro tàn.

Khinh hạm Bayern của Đức (Nguồn: Defense News).
Khinh hạm Bayern của Đức. (Nguồn: Defense News)

Biển Đông bỗng 'nóng' trở lại

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Kramp-Karrenbauer cho biết, một tàu chiến của Đức đã khởi hành cho một sứ mệnh kéo dài 6 tháng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và dự kiến đi qua Biển Đông vào giữa tháng 12, trở thành tàu chiến Đức đầu tiên đi qua Biển Đông kể từ năm 2002.

Tàu chiến Bayern dự kiến không đi qua eo biển Đài Loan, nhưng Berlin nêu rõ hoạt động của tàu chiến trên nhằm nhấn mạnh Đức không chấp nhận các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ xác nhận đã cử 4 chiến hạm đến Biển Đông trong một nhiệm vụ kéo dài 2 tháng bao gồm tham gia các cuộc tập trận. Những chiến hạm của Ấn Độ sẽ tham dự nhiều cuộc tập trận trong 2 tháng triển khai, bao gồm tập trận Malabar 2021 với Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo: “Những sáng kiến hàng hải tăng cường phối hợp, hợp tác giữa Hải quân Ấn Độ và các nước khác dựa trên lợi ích hàng hải chung cũng như cam kết về tự do hàng hải.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Sự kiện quốc tế nổi bật tuần 2-8/8: Belarus đóng cửa biên giới; Căng thẳng Israel-Lebanon leo thang; Biển Đông 'nóng' trở lại
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO