Tắm sau khi đi học về, nữ sinh 18 tuổi bị đột quỵ

Ngọc Hân| 09/04/2021 12:38

Việt BáoVào nhà tắm thay bộ quần áo học sinh bước ra, nữ sinh bỗng dưng năm bất tỉnh, lên cơn co giật rồi rơi vào hôn mê.

Đó là trường hợp của bệnh nhân B.K. (18 tuổi, quê Long An). Người nhà bệnh nhân cho biết trước đó, bé K. hoàn toàn khỏe mạnh.

Trưa ngày 31/3, vừa đi học về, K. đi tắm ngay. Khi mặc quần áo bước ra khỏi phòng tắm, K. bỗng nhiên bất tỉnh, lên cơn co giật mạnh, rơi vào hôn mê. Thấy con gái không có phản ứng gì, gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á cấp cứu.

Bác sĩ Trương Thái Dương, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, cho biết kết quả chụp CT não cho thấy tình trạng xuất huyết não đồi thị bên phải, xuất huyết não thất lượng nhiều kèm dãn não thất cấp. Các bác sĩ kết luận em K. bị đột quỵ do xuất huyết não đồi thị, xuất huyết não thất, giãn não thất cấp có chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp.

Bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu trong tình trạng hôn mê, liệt 1/2 người bên trái, phản xạ ánh sáng yếu, phải thở máy qua nội khí quản. Các bác sĩ đã cứu bệnh nhân bằng cách đặt EVD (Dẫn lưu não thất ra ngoài).

Sau khi chụp lại phim xác định nguyên nhân xuất huyết, loại trừ các nguyên nhân dị dạng mạch máu não, các bác sĩ đã kết hợp sử dụng thuốc tiêu sợi huyết qua đường EVD vào não thất.

Sau 24 giờ phẫu thuật, khối máu trong não thất bệnh nhân tan nhiều và lưu thông dịch não tuỷ trở lại ổn định. Hiện bệnh nhân đã vận động tứ chi, tỉnh táo, nói tốt, sức cơ bên trái cải thiện.

Hiện bệnh nhân K. đang được tiếp tục điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Nhiều người trẻ còn chủ quan với đột quỵ não

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ não, khoảng năm triệu người trong số đó tàn phế vĩnh viễn và năm triệu người tử vong.

Theo Tổ chức Đột quỵ Mỹ năm 2019, số lượng bệnh nhân đột quỵ ở những người trẻ đã tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây, và khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ mỗi năm có độ tuổi từ 18 đến 50.

Tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp bốn lần nữ giới.

Ghi nhận tại Trung tâm Đột quỵ não – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, năm 2020 đã ghi nhận nhiều trường hợp trong độ tuổi thanh thiếu niên bị đột quỵ não, trong đó có trường hợp nhỏ tuổi nhất là 12 tuổi.

Còn tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua đã tiếp nhận 60 người có độ tuổi từ 18 – 44, bị đột quỵ não. PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, chia sẻ điều đáng tiếc cho những ca đột quỵ ở người trẻ là đến viện muộn. Kết quả là họ mất đi cơ hội vàng để phục hồi và để lại những hệ lụy đáng tiếc.

“Lý do của việc đến viện muộn là do người trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ tuổi. Khi đến viện muộn, họ đã làm mất đi cơ hội vàng để phục hồi và để lại hệ lụy đáng tiếc về sức khỏe, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”, Phó giáo sư Tôn nói.

Theo Phó giáo sư Tôn, có rất nhiều nguyên nhân ở người trẻ, trong đó phải kể đến bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng…

Theo số liệu của Hội Tim mạch Việt Nam thì cứ 4 người từ 25 - 49 tuổi thì có một người tăng huyết áp và đây là nguyên nhân chính gây nên đột quỵ ở người trẻ. Ngoài ra, bệnh nhân đột quỵ trẻ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu gia tăng.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ

+ Khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ với các dấu hiệu sau:

+ Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người).

+ Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói.

+ Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt; Đột ngột đau đầu dữ dội.

+ Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…

PGS. Tôn khuyến cáo: “Với với người trẻ, để giảm nguy cơ đột quỵ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Chẳng hạn điều trị tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phí… nên thay đổi thói quen, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng bất thường mạch máu, tăng đông nên được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để được sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ”.

Điều đặc biệt, khi thấy người đột quỵ não cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để tận dụng thời gian vàng trong điều trị cho bệnh nhân.  "Nếu can thiệp trễ khi đã hôn mê quá sâu, não bị chèn ép quá nhiều thì dù có thể giữ được mạng sống nhưng khả năng hồi phục rất thấp", bác sĩ Dương nói.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tắm sau khi đi học về, nữ sinh 18 tuổi bị đột quỵ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO