Những chuyện chưa kề về bệnh nhân 'ôm' rắn hổ chúa đi cấp cứu

12/09/2020 05:00

Trúng nọc kịch độc của loài rắn hổ chúa, người bệnh rơi vào cảnh “thập tử nhất sinh”. Bài học xương máu từng bất lực nhìn 6 ca bệnh tử vong, các bác sĩ đã giúp bệnh nhân từ cõi chết trở về.

Bị cắn mới biết loài rắn độc

Sau 3 tuần bị rắn hổ chúa tấn công, rơi vào nguy kịch anh Phan Văn Tâm đã hoàn toàn bình phục. Trên giường bệnh, anh tâm sự cuối năm trước anh bị tai nạn giao thông gãy chân, đứt gân, dập não. Sau điều trị không còn làm được việc nặng, người quen thấy thương nên tặng cho vài chiếc bẫy rắn.

"Hôm đó, tôi chở 2 đứa con đi thăm bẫy, tôi đứng trên đường với giữ đứa nhỏ sai thằng con trai lớn (9 tuổi) xuống thăm bẫy. Nó chạy lên nói 'cha ơi, có con rắn to lắm'", anh Tâm nhớ lại. 

Thấy vậy, anh vội tới nơi đặt bẫy thì phát hiện con rắn dính bẫy đang cố tìm đường thoát thân nên lao vào bắt. “Tôi dùng 2 tay chụp đầu con rắn nhưng nó to quá nên tay trái tôi bị tuột. Vừa lúc đó con rắn quay đầu cắn vào đùi phải của tôi. Khi vây bắt tôi chưa xác định được nó là rắn gì. Lúc bị cắn, con rắn ghim răng nanh vào đùi tôi, kéo ra thấy vướng tôi mới biết đó là rắn độc”, anh Tâm nói. 

Kỳ tích cứu sống bệnh nhân ôm rắn hổ chúa đi cấp cứu - 1
Sau khi bị cắn, anh Tâm "ôm" cả con rắn vào bệnh viện cấp cứu

Lúc đó, anh chỉ biết cố giữ chặt lấy đầu con rắn rồi chạy xuống đường cầu cứu và may mắn được anh tài xế tốt bụng chở vào bệnh viện. Trên đường đi, anh còn nhớ mình đã nói "Anh chạy nhanh lên chậm chút nữa tôi sẽ chết trên xe của anh đấy"..

Anh Tâm cho biết muốn giữ con rắn lại để bán lấy tiền cho con nhập học. Vào đến bệnh viện Tây Ninh, anh rất mệt, khó thở, xin bác sĩ được cuộn băng keo anh quấn đầu con rắn lại bỏ vào bao. Sau đó, anh mượn điện thoại gọi về nhà kêu cả gia đình xuống bệnh viện ngay lập tức vì nghĩ rằng mình sắp chết. Mọi chuyện sau đó như thế nào, anh không còn nhớ gì nữa. 

Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, rắn hổ chúa là loài có nọc độc nhất trong số các loài sống trên cạn. Trúng nọc độc của rắn hổ chúa là bệnh lý nhiễm độc thần kinh rất nặng. Sau 16 năm thành lập Đơn vị Hồi sức Chống độc tại khoa Bệnh Nhiệt Đới, các bác sĩ mới chỉ tiếp nhận 8 trường hợp trúng nọc độc rắn hổ chúa trong tổng số khoảng 15.000 bệnh nhân bị rắn độc cắn.

Kỳ tích cứu sống bệnh nhân ôm rắn hổ chúa đi cấp cứu - 2

Các bác sĩ kịp thời nhận định, điều trị sớm những biến chứng nguy hiểm do nọc độc rắn hổ chúa gây ra

Rắn hổ chúa thường sống ở vùng rừng núi nên khi bị rắn cắn bệnh nhân rất khó tiếp cận sớm với các giải pháp điều trị. Trong khi tình trạng nhiễm độc rắn hổ chúa diễn tiến rất nhanh, thời gian tử vong có thể chỉ tính bằng giờ. Trong 8 ca bị rắn hổ chúa cắn chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy, trường hợp anh Phan Tâm là ca thứ 2 may mắn được cứu sống. 6 bệnh nhân đã tử vong là do đến bệnh viện khi nhiễm độc quá nặng. Nhiều ca bệnh dù đã sử dụng huyết thanh nhưng sau đó vẫn suy đa cơ quan, viêm cơ tim, tử vong trong quá trình điều trị.

Người bệnh liên tiếp rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh”

TS.BS Lê Quốc Hùng cho biết, từ bài học xương máu phải bất lực nhìn 6 người bệnh đã tử vong vì nọc độc rắn hổ chúa. Lần này khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã chủ động “đi trước một bước” trong việc điều trị, không đợi đến khi bệnh diễn tiến mới xử lý.

“Ngày đầu tiên được chuyển đến, bệnh nhân đã bị nhiễm độc nặng được thở máy, dùng huyết thanh kháng nọc. Sau 6 giờ sử dụng huyết thanh, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, 12 tiếp theo, bệnh nhân cai được máy thở. Tuy nhiên, chúng tôi nhận định người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ của các biến chứng nặng nề khác nên tiến hành theo dõi nhịp tim. Đúng như dự đoán, bệnh nhân đã xuất hiện các dấu hiệu viêm cơ tim” – TS.BS Quốc Hùng cho biết.

BS Trần Ngọc Dũng, khoa Rối loạn nhịp cho biết nọc độc của rắn khi tấn công vào tim, sẽ lập tức gây tổn thương cơ tim cấp. Dù được chích huyết thanh kháng nọc đặc hiệu nhưng người bệnh vẫn rơi vào rối loạn nhịp rất phức tạp, có cơn rối loạn chậm, có cơn rối loạn nhanh, việc điều trị thông thường sẽ không mang lại kết quả. Sau hội chẩn xác định bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong rất nhanh nên các bác sĩ quyết định thực hiện đặt máy tạo nhịp cấp cứu ngay trên giường bệnh không kịp chuyển đến phòng chuyên dụng.

Kỳ tích cứu sống bệnh nhân ôm rắn hổ chúa đi cấp cứu - 3

Nỗ lực của các bác sĩ đã giúp người bệnh từ cõi chết trở về

Sau đặt máy tạo nhịp, bệnh nhân ổn định trở lại nhưng trong 2 giờ tiếp theo, người bệnh lại rơi vào nguy kịch với biểu hiện lừ đừ, vật vã. Bệnh viện đã hội chẩn liên chuyên khoa và quyết định chuyển bệnh nhân đến khoa Hồi sức Cấp cứu lọc máu liên tục, thay huyết tương và sẵn sàng đặt ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể). Tối 20/8, bệnh nhân tiếp tục rơi vào nguy kịch, các chỉ số sinh hiệu suy sụp rất nhanh. Ngoài máy tạo nhịp, người bệnh phải thở máy trở lại, kết hợp với lọc máu, điều trị nội khoa tích cực.

Cứu được người bệnh là một kỳ tích

BS Nguyễn Lý Minh Duy, khoa Hồi sức Cấp cứu cho biết: "Bước sang ngày thứ 3 kể từ thời điểm nhập viện, diễn tiến bệnh ngày càng nặng nề hơn, bệnh nhân rơi vào suy đa tạng, nửa cơ thể bên phải tím đen, chúng tôi nghĩ khó có thể cứu được bệnh nhân. Nhưng còn nước còn tát, các giải pháp điều trị tích cực tiếp tục được duy trì".

Bệnh nhân được cho dùng kháng sinh, vùng rắn cắn bị nhiễm trùng hoại tử được cắt lọc, phẫu thuật viên cố gắng dành từng phần thịt còn sống cho người bệnh. Các bác sĩ gần như đã thức trắng đêm để lọc máu, thay huyết tương… theo dõi liên tục các chỉ số sinh hiệu của người bệnh.

Nỗ lực của bác sĩ và sức sống mãnh liệt của bệnh nhân đã từng bước chiến thắng được thần chết. Từ ngày thứ 4, sức khỏe của anh Phan Tâm từng bước được cải thiện. Bệnh nhân dần cai được máy thở, nọc độc trong cơ thể đã được loại bỏ hoàn toàn. Vị trí hoại tử phải cắt lọc mọc mô rất tốt.

BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình cho biết vùng bị rắn cắn nhiễm trùng hoại tử của bệnh nhân chiếm khoảng 5% toàn cơ thể tập trung ở đùi phải, hông phải, vùng cùng cụt, tầng sinh môn và vùng bìu. Sau nhiều lần cắt lọc, bệnh nhân đã được ghép da che phủ, vết thương đang bình phục rất tốt, tình trạng sức khỏe đủ điều kiện xuất viện.

Kỳ tích cứu sống bệnh nhân ôm rắn hổ chúa đi cấp cứu - 4

Cứu sống anh Phan Tâm là sự nỗ lực của rất nhiều bác sĩ thuộc các chuyên khoa tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Liên quan đến ca bệnh bị rắn hổ chúa cắn được cứu trước đó, TS.BS Lê Quốc Hùng cho biết bệnh nhân là một thực khách ở Sài Gòn đi nhậu thịt rừng. Khi xuống xem nhà bếp làm thịt rắn hổ chúa thì bị rắn tấn công. Bệnh nhân chuyển đến cấp cứu sau 25 phút trúng độc, được dùng huyết thanh đặc hiệu kháng nọc độc rắn hổ chúa ngay lập tức. Bệnh nhân có rơi vào rối loạn nhịp tim, không đe dọa sinh mạng nhưng cũng phải nằm viện điều trị liên tục suốt 3 tuần.

Theo BS Hùng nếu so sánh 2 ca bệnh được cứu sống có thể thấy, bệnh nhân Phan Tâm bị con rắn rất lớn tấn công nên lượng nọc độc phóng thích vào cơ thể rất khủng khiếp, bệnh nhân nhập viện trễ trong tình trạng rất nguy kịch. Việc điều trị liên tiếp đối mặt với hàng loạt khó khăn thử thách.

"Có thể nói cứu được mạng sống cho bệnh nhân trúng nọc kịch độc của rắn hổ chúa như bệnh nhân Phan Tâm là một kỳ tích”, Bs Hùng nói. 

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những chuyện chưa kề về bệnh nhân 'ôm' rắn hổ chúa đi cấp cứu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO