Nghĩ ba mẹ thương em hơn, bé gái 11 tuổi buồn, uống thuốc ngủ tự tử

Ngọc Hân| 29/09/2020 16:50

Việt BáoNghĩ ba mẹ thương em gái hơn mình, bé Quỳnh Trang dùng tiền tiêu vặt đi mua 20 viên thuốc ngủ uống. May mắn, em được ba mẹ phát hiện đưa đi cấp cứu kịp.

Nghĩ ba mẹ thương em hơn

Bé Quỳnh Trang năm nay 11 tuổi, quê Tiền Giang. Em là chị cả trong gia đình có hai người con. Ngày 29/9, tỉnh dậy sau nhiều ngày hôn mê vì uống một lúc 20 viên thuốc ngủ để tự tử, cô bé cười bẽn lẽn khi trả lời những câu hỏi của bác sĩ.

Trang kể, từ khi có em gái, thấy ba mẹ thương em, ít la mắng em và cho em chơi điện thoại nhiều hơn mình, cô bé buồn, ghen tỵ với em. “Từ ngày có em, con không được tổ chức sinh nhật như em. Con rửa chén không sạch, ba mẹ cũng la.

Lúc đi học, con bị mấy đứa bạn chê xấu, đen. Các bạn còn nói xấu, không muốn chơi với con”, Quỳnh Trang thủ thỉ với bác sĩ.

Tất cả những điều trên cộng lại làm bé Trang buồn, chán nản. Trong lúc nghĩ quẩn, cô bé lấy tiền tiêu vặt ba mẹ cho ra nhà thuốc mua 20 viên thuốc ngủ, giá 70 ngàn đồng về uống.

“Ban đầu, cô bán thuốc không chịu bán đâu. Con phải năn nỉ mãi cô ấy mới bán cho con”, cô bé sinh năm 2009 nhớ lại. May mắn, bé Trang được ba mẹ phát hiện, đưa đi cấp cứu.

Sau hơn một tuần điều trị, bé Trang đã tỉnh, cười tươi, thân thiện với mọi người.

Ba mẹ hãy ở bên con nhiều hơn

BS.CK2 Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, bé Trang được chuyển từ bệnh viện tuyến tỉnh đến trong tình trạng hôn mê, chức năng gan thận bắt đầu ngấm độc chất liều cao từ thuốc ngủ. Do người nhà bệnh nhi không biết con uống thuốc ngủ loại nào nên các bác sĩ phải xét nghiệm định tính máu và nước tiểu mới biết được, thuốc ngủ bé Trang uống có hoạt chất từ Phenobarbital.

Bé Trang được các bác sĩ cứu chữa bằng cách điều trị giải độc và xét nghiệm định tính nồng độ thuốc. Sau hơn một tuần trị liệu tăng thải độc, kiềm hóa nước tiểu, bé đã tỉnh hẳn. Hiện, bé đã được cai thở máy, cười cươi và cởi mở với mọi người.

Bác sĩ Trang nhận định, khi người bệnh uống các loại thuốc chứa hoạt chất ức chế thần kinh quá liều, cơ thể rơi vào biến chứng của trạng thái ngủ như ức chế tim, thần kinh trung ương, xoắn đỉnh. Biến chứng này thường xảy ra khoảng 30 phút, bệnh nhân sau đó sẽ đi vào giấc ngủ.

Nếu phát hiện muộn, những trường hợp tự tử dù được cứu sống, các cơ quan như tim, gan, thận... vẫn bị ảnh hưởng. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân còn bị chấn thương tâm lý. Sự quan tâm của gia đình, người thân, bạn bè chính là cách tốt nhất giúp các bệnh nhi vượt qua điều này.

Bác sĩ Thy phân tích, tâm lý các em nhỏ ở độ tuổi mới lớn thường không ổn định. Các em hay có tâm lý bất mãn gia đình, phân bì tình cảm anh em, từ đó, có áp lực và ức chế với cuộc sống và mọi người xung quanh. Khi không chịu nổi, các em thường nghĩ quẩn và tìm đến cái chết.

Vì vậy, để con trẻ có cuộc sống vui tươi cha mẹ hãy ân cần quan tâm, thể hiện tình cảm và ở bên con, lắng nghe con nhiều hơn. Đặc biệt, với các con trong nhà, cha mẹ hãy đối xử công bằng, yêu thương như nhau, đừng nên có những lời nói, hành động làm con thấy hụt hững, cảm nhận mình không được yêu thương. Khi thấy con có những hiểu hiện bất thường, cha mẹ hãy chủ động nói chuyện, làm bạn với con để con tâm sự mọi chuyện và cùng tìm hướng giải quyết.

(Tên bệnh nhi đã thay đổi)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nghĩ ba mẹ thương em hơn, bé gái 11 tuổi buồn, uống thuốc ngủ tự tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO