Đột quỵ ở trẻ em rất hiếm, khó chẩn đoán, dễ nhầm thành bệnh khác

Ngọc Hân (T/H)| 06/01/2021 11:23

Việt BáoTheo các bác sĩ, đột quỵ ở trẻ em hiện đang là một thách thức không nhỏ trong việc chẩn đoán, nhận biết.

Theo các bác sĩ, đột quỵ ở trẻ tương đối hiếm, chỉ chiếm 2,5/100.000 trường hợp. Các dấu hiệu ban đầu khi trẻ em bị đột quỵ thường khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường như: co giật, mất ý thức ngắn, hành động vụng về... Nguyên nhân đột quỵ ở trẻ không liên quan đến lối sống mà chủ yếu là do bệnh lý tim bẩm sinh, bất thường mạch máu não...

Tối ngày 5/1, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thông tin, nơi đây vừa điều trị thành công cho bệnh nhi T.N, 3 tuổi, quê Vĩnh Long bị đột quỵ xuất huyết não.

Chị N.T.T (mẹ bé N.) cho biết, trước đó, bé N. đang chơi cùng bạn thì bị ngã xuống sàn, co giật rồi dần dần liệt nửa người, ai kêu cũng không biết. Vợ chồng chị nhanh chóng đưa con đến bệnh viện tỉnh cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ bé bị viêm màng não nên chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Khi nghe các bác sĩ kết luận con trai bị đột quỵ xuất huyết não, chị T. không tin là sự thật.

Hiện sức khỏe bé N. đã ổn định. Ảnh: BVCC.

TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ cho biết, phình mạch máu não là sự giãn khu trú dạng túi hoặc dạng hình thoi của động mạch. Biến chứng đáng sợ nhất của phình động mạch não là vỡ phình gây xuất huyết màng não, xuất huyết não, nặng nề hơn cả là bệnh nhân có thể tử vong do các biến chứng sau xuất huyết.

Phần lớn phình động mạch não không có liên quan đến các bệnh lý bẩm sinh mà xuất hiện trong quá trình phát triển, do đó rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nguyên nhân gây ra phình động mạch đến nay vẫn còn là một ẩn số, người ta nhận thấy phình động mạch não xuất hiện ở những nơi thành mạch máu chịu tác động của dòng máu lớn nhất, ví dụ như chỗ chia đôi của mạch máu.

Bác sĩ Cường cho biết một, số bệnh nhân có túi phình mạch máu não có thể có triệu chứng nhức đầu kéo dài, mờ mắt, sụp mi mắt một bên. Tuy nhiên, nhiều người không có biểu hiện gì cả, đột nhiên túi phình vỡ gây xuất huyết não.

Khi vỡ phình động mạch não thì có 10% bệnh nhân tử vong trước khi vào viện; 10% tử vong trong những ngày đầu; 46% tử vong trong 30 ngày đầu mặc dù được điều trị tích cực. Còn những bệnh nhân sống sót thì để lại di chứng thần kinh từ nhẹ đến nặng.

Theo Hiệp hội Đột quỵ Mỹ, đột quỵ ở trẻ em ngoài phân loại theo xuất huyết, nhồi máu như đột quỵ người lớn, còn phân loại theo tuổi. Đột quỵ xảy ra từ 28 tuần thai đến 28 ngày sau sinh gọi là đột quỵ chu sinh, từ 28 ngày sau sinh đến 18 tuổi gọi là đột quỵ trẻ em.

Đột quỵ chu sinh có các yếu tố nguy cơ từ con (bệnh tim bẩm sinh, rối loạn đông máu, nhiễm trùng, chấn thương hoặc ngạt khi sinh) và nguy cơ từ mẹ (con so, tiền căn vô sinh, nhiễm trùng ối, thiểu ối, vỡ ối sớm, hút khi sinh, mổ cấp cứu, tiền sản giật, rối loạn đông máu).

Từng nhiều năm nghiên cứu về đột quỵ, PGS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM kiêm trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, hiện nay, đột quỵ ở trẻ em đang là một thách thức không nhỏ trong việc chẩn đoán, nhận biết. Điều này kéo theo việc bỏ sót ca bệnh, thậm chí nhiều ca khi phát hiện đã quá trễ giờ vàng để có thể làm cái gì đó cho các em.

Điều nhiều người lo lắng nhất hiện nay là làm sao nhận biết được một đứa trẻ bị đột quỵ, đưa đến đúng bệnh viện chuyên môn, ở trong phạm vi thời gian điều trị cho phép.

Các bác sĩ khuyến cáo các phụ huynh khi thấy dấu hiệu bất thường của con, nên đưa ngay đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời.



Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đột quỵ ở trẻ em rất hiếm, khó chẩn đoán, dễ nhầm thành bệnh khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO