Căn bệnh khiến nghệ sĩ Chí Tài qua đời nguy hiểm như thế nào?

Ngọc Hân (T/H)| 09/12/2020 20:46

Việt BáoChiều 9/12, danh hài Chí Tài, 62 tuổi qua đời vì căn bệnh đột quỵ làm nhiều người tiếc thương. Theo các bác sĩ, căn bệnh khiến nghệ sĩ qua đời vô cùng nguy hiểm, nếu không được cấp cứu trong giờ vàng (trong vòng 7 giờ khi phát bệnh) sẽ để lại nhiều hệ lụy.

Theo thông tin, sáng 9/12, nghệ sĩ Chí Tài, 62 tuổi bị đột quỵ ở nhà riêng ở quận Phú Nhuận, TP.HCM. Nghệ sĩ được đưa vào bệnh viện nhưng không qua khỏi. Ông đã mất chiều cùng ngày.

Theo các bác sĩ, đột quỵ là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột, có tỉ lệ tử vong cao nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Mỗi năm ở Việt Nam có hơn 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và chỉ có 10% sống sót là có bình phục hoàn toàn. Đáng lo ngại, đột quỵ đang có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa, gia tăng mạnh từ 40 – 45 tuổi hay thậm chí xuất hiện cả ở tuổi 20.

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng, xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc có một mạch máu trong não bị vỡ. Khi đó, lượng oxy và dinh dưỡng nuôi các tế bào não bị giảm đáng kể. Trong vòng vài phút, các tế bào não bắt đầu chết dần và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Các loại đột quỵ chính:

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Gây ra bởi tắc nghẽn động mạch, chiếm khoảng 85% trường hợp đột quỵ. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng tránh hiệu quả nếu thực hiện tốt các biện pháp dự phòng.

Đột quỵ do huyết khối: Tắc nghẽn do hình thành các cục máu đông hoặc do mảng bám tích tụ trong động mạch ở cổ hoặc não.

Đột quỵ do tắc mạch: Các cục máu đông hình thành ở đâu đó trong cơ thể, thường gặp nhất là tim. Sau đó, di chuyển đến não gây tắc nghẽn.

Đột quỵ do xuất huyết: Loại đột quỵ này gây ra bởi vết nứt trên bề mặt não hoặc động mạch não gây xuất huyết mà nguyên nhân có thể là do phình mạch, hệ thống mạch máu não bị dị dạng. Đột quỵ do xuất huyết chiếm khoảng 15% số ca đột quỵ.

Thiếu máu não thoáng qua (TIA): thường gọi là đột quỵ nhỏ bởi là những giai đoạn ngắn có triệu chứng của đột quỵ, kéo dài khoảng vài phút.

Bất luận ở độ tuổi nào, bạn cũng nên lưu ý 5 triệu chứng dưới đây:

Liệt một bên người

Theo Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ, mỗi bên bán cầu não đều ảnh hưởng tới bên đối diện của cơ thể, như vậy có nghĩa nếu bạn bị chảy máu ở não phải thì phần bên trái cơ thể có khả năng xuất hiện triệu chứng tê liệt (và ngược lại). Đó là lý do vì sao trước khi đột quỵ, một người thường cảm thấy mệt mỏi bất thường, tê liệt một bên người, chủ yếu xuất hiện ở tay và chân.

Xệ nửa mặt

Trước khi đột quỵ, nạn nhân có thể bị méo mặt. Theo chuyên gia Yvonne Bohn, bác sĩ tại Trung tâm y tế Cystex: Bên não bị chảy máu sẽ gây nên các triệu chứng trên cơ thể ở phần đối diện. Do đó, nếu mặt đột nhiên bị chảy xệ hoặc không kiểm soát được cơ mặt khi biểu hiện cảm xúc, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Mất thị lực một bên

Cũng tương tự như liệt nửa người, mất thị lực một bên mắt cũng chính là dấu hiệu đột quỵ bạn không nên bỏ qua. Tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng như các dấu hiệu yếu cơ mặt, yếu tay và các vấn đề về ngôn ngữ. Chỉ có người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu này thì nên yêu cầu được cấp cứu ngay.

Nói ngọng

Người sắp bị đột quỵ có thể khó nói hoặc nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được. Để kiểm tra, bạn có thể lặp đi lặp lại một cụm từ. Cảm nhận xem mình có nói líu, dùng từ sai hoặc không thể nói hay không. Nếu có, hãy nhờ sự trợ giúp của người gần bạn nhất.

Đứng không vững

Trước khi bị đột quỵ, một người thường có cảm giác hoa mắt chóng mặt, hơn nữa còn có thể đối mặt với tình trạng tê liệt hoặc suy yếu một bên chân nên việc có dáng đứng xấu là hoàn toàn có thể.

Cách kiểm tra một người có thật sự bị đột quỵ hay không

Nếu chưa chắc chắn một người có bị đột quỵ hay không, bạn có thể dựa vào 3 yếu tố sau để kiểm tra cho mình và người khác, cụ thể:

Nụ cười

Hãy yêu cầu người đó mỉm cười, nếu bị đột quỵ thì nụ cười của họ không thể đối xứng, một góc miệng sẽ không di chuyển.

Kiểm tra tay

Yêu cầu người đó nhấc hai tay lên và giữ chúng trong 5 giây ở góc 90 độ. Trong trường hợp đột quỵ, 1 tay sẽ bị rơi xuống.

Phát biểu

Yêu cầu người đó phát âm một cụm từ đơn giản hoặc nói tên. Cả hai trường hợp nói chậm và không có câu trả lời đều là dấu hiệu của đột quỵ.

Nếu phát hiện một người đột quỵ, bạn cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu vì bệnh nhân cần được cứu chữa kịp thời trong "thời gian vàng". Khoảng thời gian vàng cứu người đột quỵ là 6 giờ kể từ khi phát bệnh, 3 giờ đầu có thể coi là thời gian kim cương.


Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Căn bệnh khiến nghệ sĩ Chí Tài qua đời nguy hiểm như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO