Ám ảnh chiều cao và sự đầu tư để thoát lùn của người Hàn Quốc

15/09/2020 06:31

Tại Hàn Quốc, sự ám ảnh về chiều cao khiến không ít phụ huynh chi nhiều tiền tiêm hormone tăng trưởng cho con, bất chấp những đau đớn.

Năm 2009, bài phát biểu của sinh viên Lee Do-kyong (Seoul) trên sóng truyền hình Hàn Quốc tạo nên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ. Nam sinh cho rằng: “Chiều cao đồng nghĩa với sức mạnh. Người nào cao hơn sẽ có lợi thế hơn. Những người thấp bé chỉ là kẻ thất bại”.

Theo New York Times, sau đó, Lee nhận chỉ trích với tội phỉ báng và bị nhiều người đâm đơn kiện. Câu chuyện đã xảy ra cách đây hơn một thập kỷ. Đến nay, vấn đề chiều cao vẫn trở thành mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh Hàn Quốc.

Tự ti, mặc cảm vì thấp lùn

New York Times dẫn lời của ông Kim Sang Yoo, một bác sĩ nổi tiếng tại Hàn Quốc: “Lee chỉ đang nói ra suy nghĩ của tất cả người dân. Sự thật là ở quốc gia này, nếu có vóc dáng cao lớn, bạn sẽ thay đổi số phận của mình”.

Con cái của bà Chang Young-hee, 54 tuổi, cao 1,48 m luôn cảm thấy thiệt thòi vì thấp còi. Hai con gái đều tốt nghiệp đại học danh tiếng, công việc tốt. Nhưng đến tuổi kết hôn, những người mai mối coi chiều cao là khuyết điểm của họ. Trong khi đó, nhiều người bạn đồng môn khác không xuất sắc bằng nhưng trở nên nổi tiếng nhờ vẻ ngoài ưa nhìn và chiều cao lý tưởng.

“Nó như một cú tát mạnh. Tôi rút ra rằng nếu bạn bị tụt lại phía sau vì kết quả học tập, bạn có thể cải thiện được nó trong tương lai. Nhưng bỏ lỡ thời kỳ phát triển chiều cao, bạn sẽ ân hận cả đời”, bà Chang nói.

Sự ám ảnh chiều cao khiến các phụ huynh không ngại chi khoản tiền lớn để giúp con đạt tầm vóc lý tưởng.

Câu thần chú của những phụ huynh muốn con cao lớn hơn luôn là: ''Khuôn mặt có thể chỉnh sửa bằng thẩm mỹ bất cứ khi nào, nhưng hành động quá muộn, bạn không thể có được chiều cao lý tưởng”. Niềm tin này đã tạo ra hàng trăm ''phòng khám tăng trưởng '' - nơi thu hút các thanh thiếu niên và phụ huynh mong muốn cải thiện vóc dáng.

HLV Choi Hyong-jin đang giúp Kang Hyon-sung (5 tuổi) và chị gái, Kang Hyon-hee (7 tuổi), thử máy chạy bộ đặc biệt. Đây là động tác trong một bài tập tại phòng khám tăng trưởng Seojung (Seoul). Ảnh: NY Times.

Hamsoa là phòng khám tăng trưởng quen thuộc với các cha mẹ Hàn Quốc, có 50 chi nhánh trên cả nước. Tại Hamsoa, các bác sĩ cung cấp 2 phương pháp điều trị ứng dụng công nghệ cổ truyền và hiện đại. Chương trình có thể dự đoán một đứa trẻ đạt ngưỡng chiều cao bao nhiêu trong tương lai sau vài giờ chụp X-quang, xét nghiệm máu và phân tích gene từ mẫu tóc.

Seo Hye-kyong đã chi 900.000 won, tương đương 770 USD/tháng, nhằm trị liệu cho hai con khi chúng mới 4 tuổi. Các bước trị liệu bao gồm: Châm cứu, dùng tinh dầu và thuốc bổ 2 lần/ngày (chứa nhung hươu, nhân sâm cùng các loại dược liệu khác).

"Bố luôn kỳ vọng cháu cao thêm. Quãng thời gian này là cơ hội duy nhất để cháu thực hiện điều đó”, bé Esther (9 tuổi) nói khi đang chờ được thử máu. Anh trai của bé, Paul (11 tuổi) không giấu nổi niềm vui khi nói về chiều cao 1,83 m lý tưởng.

Mẹ của hai cậu bé chuẩn bị đăng ký một chương trình điều trị với chi phí lên tới 2.500 USD để tiêm hormone tăng trưởng cho các con. Ngoài ra, cha mẹ Hàn Quốc có thể chọn cách điều trị bằng thuốc thảo dược với chi phí lên tới 21.000 USD. Theo Hamsoa Clinic quảng cáo, tiêm hormone vẫn là cách hiệu quả nhất. Chi phí này bao gồm các buổi massage, châm cứu và các huyết thanh hormone.

"Khoảng thời gian phát triển chiều cao chỉ nằm ở một độ tuổi nhất định, vì thế phụ huynh Hàn Quốc sẵn sàng chi trả các khoản phí khổng lồ để đạt kết quả như ý muốn", BS Shin Dong-Gil của Hamsoa Clinic nói.

BS Shin cũng cho biết thực tế, cha mẹ Hàn Quốc chọn chi số tiền lớn giúp con tăng thêm 10 cm thay vì cho một tỷ won thừa kế.

"Cha mẹ rất quyết liệt trong vấn đề này. Họ luôn lo lắng nếu con có dấu hiệu thấp còi. Bởi nó có thể khiến con không tìm được người vợ/chồng tốt khi lớn lên, thậm chí bị phân biệt đối xử trong xã hội. Với họ, chiều cao gắn liền với một tương lai đầy hy vọng", bác sĩ nói thêm.

Coi chiều cao là thước đo của địa vị xã hội

Ám ảnh đó khiến hình ảnh sau đây trở thành điều quen thuộc trong nhiều gia đình tại Hàn Quốc.

20h, Yonsuh Goh (12 tuổi) vẫn đang miệt mài chạy bộ trên máy với chiếc đai tăng chiều cao quấn quanh bụng. Đầu dây còn lại của đai treo lơ lửng trên xà nhà. Vật dụng này gắn bó với cô bé trong thời gian dài và trở thành công cụ hỗ trợ kéo dài cột sống, giúp Yonsuh giữ thẳng lưng.

“Nếu cháu đủ cao, cháu có thể tự hào về bản thân. Chỉ cần cháu thấp bé hơn sẽ bị bạn bè gọi bằng tên mà không có kính ngữ”, Yonsuh vừa đọc sách, vừa đi bộ và thở hổn hển khi trả lời phỏng vấn của ABC News.

Mẹ của Yonsuh, Kwon Young-Joo, chở cô bé đến phòng khám tăng trưởng ở phía nam Seoul 3 lần/tuần. Mỗi buổi trị liệu kéo dài 2 giờ đồng hồ. Kwon kiên nhẫn ngồi nhìn con thực hiện các động tác bổ trợ chiều cao, siết các cơ chân bằng dây đai.

Kim Ok-hee và con gái, bé Kang Hyon-hee (7 tuổi), xem các kết quả về việc hỗ trợ tăng trưởng chiều cao tại phòng khám Seojung. Ảnh: NY Times.

“Trong xã hội Hàn Quốc, tất cả phụ thuộc vào vẻ ngoài. Với tư cách là cha mẹ, tôi sẽ làm mọi thứ để con gái mình đạt chiều cao lý tưởng. Con sẽ lớn lên mà không phải chịu điều bất bình nào vì lùn”, chị Kwon chia sẻ.

Cũng giống như chị Kwon, Seo Hye-kyong, mẹ của bé Moon Bo-in (5 tuổi) cũng cho rằng: “Trong xã hội của chúng tôi, vẻ bề ngoài đóng vai trò quan trọng. Tôi sợ rằng con gái mình thấp hơn các bạn cùng lứa. Tôi không muốn con bị cười nhạo và mất tự tin vì chiều cao của mình”.

Chính vì thế, mỗi tuần Moon Bo-in đều phải trải qua cảm giác run rẩy khi bác sĩ đâm những chiếc kim châm cứu vào khóe miệng, cổ tay và da đầu. Khi đó, bà Seo Hye-kyong thường trấn an cô con gái mắt đầy ngấn nước: “Không sao đâu con yêu. Điều này sẽ giúp con trở lên xinh đẹp hơn và sẽ là nàng lọ lem trong tương lai”.

Seo, Kwon hay bất kỳ bà mẹ Hàn Quốc nào đều tin rằng chiều cao là tấm vé quyết định thành bại của cuộc đời con sau này, thậm chí ảnh hưởng tới việc chọn người kết hôn.

Theo báo cáo của Korea Times, vào những năm 1960, thanh thiếu niên Hàn Quốc có chiều cao khiêm tốn so với Nhật Bản. Nhưng từ năm 1990 trở đi, người dân xứ sở kim chi trở thành một trong những cư dân cao nhất châu Á.

Dữ liệu của Chính phủ Hàn Quốc cho biết trong vòng 30 năm, chiều cao trung bình của nam sinh trung học tại nước này là 1,73 m, tăng 8,89 cm. Sau một thế kỷ, phụ nữ Hàn tăng lên 20 cm so với trước đây.

Chiều cao đối với các gia đình Hàn Quốc trở thành thước đo địa vị và quyết định cách người đó được đối xử. Việc cực đoan vóc dáng khiến trẻ em Hàn Quốc phải chịu thêm nhiều áp lực bên cạnh gánh nặng về học tập.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ám ảnh chiều cao và sự đầu tư để thoát lùn của người Hàn Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO