Số ca mắc mới tăng cao, TPHCM chú trọng “đánh chặn từ xa”

Huyên Nguyễn| 26/11/2021 08:52

TPHCM  - Trong bối cảnh số ca mắc mới tiếp tục tăng, TPHCM đẩy mạnh chiến thuật "đánh chặn từ xa” trong điều trị COVID-19, với mục tiêu giảm tỉ lệ nhập viện và tử vong.

Chăm sóc F0 ngay từ đầu

Hơn một tuần nay số ca mắc của TPHCM tiếp tục tăng, trong đó, cao nhất ngày 24.11 có 1.666 ca. Số ca mắc tăng cũng kéo theo số ca trở nặng và tử vong tăng. Từ duy trì dưới 30 ca tử vong/ngày, 4 ngày trở lại đây, số ca tử vong tăng liên tục, lần lượt từ 50, 55, 59 lên 62 ca ngày 24.11.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), tính đến 11h ngày 25.11, số ca nhập viện tầng 2, 3 trong ngày là 1.582 người. Tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 14.342 người. Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 6.255 người. Số ca đang cách ly, điều trị tại nhà là 60.092 người. Như vậy, hiện đang có tổng cộng là 80.689 bệnh nhân đang được điều trị, cách ly. Số ca nặng, tử vong có khuynh hướng gia tăng, đặc biệt tập trung ở nhóm có bệnh lý nền, tuổi trên 50.

Số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 2.545 người. Số trẻ em dưới 16 tuổi nhiễm đang điều trị là 578 người. Số phụ nữ mang thai đang điều trị là 134 người. Số trường hợp xuất viện trong ngày là 1.148 người, số ca xuất viện cộng dồn là 273.228 người. Số ca tử vong trong ngày là 59 người trong đó có 12 trường hợp chuyển viện từ các tỉnh thành khác. 85% ca tử vong nằm trong nhóm trên 50 tuổi, 95% liên quan đến bệnh lý nền.

 
Biểu đồ tình hình dịch bệnh tại TPHCM từ ngày 19.11 đến 25.11. Theo: HDCD

Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm cho biết TPHCM đang quyết tâm tập trung với các biện pháp nhằm “đánh chặn từ xa”. Theo ông Tâm, chăm sóc F0 ngay từ ban đầu là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết để có thể giảm tỉ lệ nhập viện và giảm tỉ lệ tử vong. Ngành Y tế TPHCM đã có những hành động cụ thể như quản lý chặt chẽ F0 mới phát hiện, chính quyền và y tế địa phương phải quản lý được tất cả F0 trên địa bàn, tiếp cận người bệnh trong vòng 24 giờ để đánh giá tình hình. Qua đó, có hướng dẫn phù hợp và cấp phát thuốc kịp thời.

Thứ hai, tùy theo tình trạng của bệnh nhân, các đơn vị liên quan sẽ đánh giá mức độ, điều kiện chăm sóc, đưa ra phương án theo dõi F0 tại nhà hay bệnh viện.

Thứ ba, khi quản lý F0 tại nhà, đảm bảo kết nối thông tin xuyên suốt, các đường dây nóng của tổ phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động ở các địa phương phương phải hoạt động. Đồng thời, F0 cũng như gia đình phải nắm thông tin liên hệ của y tế địa phương để có sự can thiệp kịp thời.

Phương án “đánh chặn từ xa” cũng được Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu nêu ra trước đó khi tăng cường hỗ trợ nhân lực, vật lực, hướng dẫn ngành Y tế các tỉnh lân cận trong tiêm vaccine, điều trị COVID-19 nhằm hạn chế số ca chuyển nặng phải chuyển từ các tỉnh về TPHCM.

Tăng cường túi thuốc C

Trả lời câu hỏi về việc các bệnh viện dã chiến hiện nay vừa tiếp nhận, thu dung các bệnh lý thông thường, vừa tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 có dẫn đến quá tải hay không, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, các bệnh viện hiện nay đã nhanh chóng trở lại công năng ban đầu và có thể khám, chữa bệnh các bệnh lý thông thường.

Trường hợp bệnh nhân với bệnh lý thông thường nhưng đến bệnh viện dã chiến vẫn sẽ được tiếp nhận. Sau đó, người bệnh sẽ được chuyển đến bệnh viện có chức năng chữa trị phù hợp gần nhất để hỗ trợ tốt nhất cho người dân. Do đó, các bệnh viện sẽ không bị quá tải.

Hiện nay, theo mô hình mới, thành phố đã có 3 bệnh viện dã chiến là Bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16 đã chuyển đổi mô hình hoạt động 3 tầng. Theo đó, ở các bệnh viện này tập trung bố trí số giường bệnh cũng như giường hồi sức theo 3 tầng để hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh từ nhẹ, trung bình đến nặng.

Liên quan đến túi thuốc C, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế về tình hình sử dụng thuốc Molnupiravir và xin cấp thêm 100.000 liều dự phòng trong trường hợp F0 tăng cao. Hôm nay (25.11), Sở Y tế tiếp nhận văn bản của Bộ Y tế về việc cấp 120.000 viên Favipiravir 500mg (thuốc kháng virus cùng loại với Molnupiravir) để hỗ trợ các trường hợp F0, cấp cho trạm y tế, đưa vào phác đồ điều trị khi đã sử dụng hết số thuốc Molnupiravir.

Loại  t
Thực phẩm chức năng Kovir vừa được đưa vào hỗ trợ điều trị bệnh nhân  COVID-19. Ảnhh: Nguyễn  Ly

Bà Mai cũng thông tin, với quan niệm sử dụng Đông - Tây y kết hợp, Hội Đông Y TPHCM đã giới thiệu và tài trợ viên thực phẩm chức năng Kovir để tăng cường sức khỏe cho người đang nhiễm COVID-19.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Số ca mắc mới tăng cao, TPHCM chú trọng “đánh chặn từ xa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO