Sẽ còn bao đứa trẻ muốn tự tử?

12/12/2020 15:29

Nhiều cha mẹ tự nhận “thấp cổ bé họng”. Chỉ cần nhà trường dọa sẽ xử lý con của họ là họ xoắn xít cả lên. Sợ hãi. Rúm ró.

Tôi không muốn đề cập tới những vụ gia đình xông vào lớp đánh giáo viên vì giáo viên phạt con của họ. Tôi cũng chẳng thể đồng tình nổi với những cha mẹ bạo ngược trong các bình luận: phải con tôi, vị giáo viên đó biết tay. Thật chẳng thể nào “tiêu hóa nổi” những phụ huynh như thế. Chúng ta không thể dùng bạo lực để giải quyết bạo lực. Giống như đòi bình đẳng giới cho phụ nữ bằng việc kêu gọi dạy cho đàn ông một bài học vậy. Đến bao giờ chúng ta mới chịu bàn về giáo dục một cách có giáo dục? Đến bao giờ chúng ta mới chịu đối thoại về giáo dục như những người có giáo dục?

Tôi từng chứng kiến nhiều cha mẹ tự nhận rằng mình “thấp cổ bé họng” trước uy quyền của nhà trường. Chỉ cần nhà trường dọa sẽ xử lý con của họ là họ xoắn xít cả lên. Sợ hãi. Rúm ró. Và dù con mình không sai, họ cũng sẽ nhận hết lỗi về mình. Chỉ để con mình được học tiếp. Kiểu tránh voi chẳng xấu mặt nào. Thậm chí, con mình thì dễ xử lý - nhà trường mới khó xử lý. Nên thôi, dễ làm khó bỏ. Vậy là về trách phạt con thêm.

Lại có nhiều bậc cha mẹ tin tưởng tuyệt đối vào nhà trường, thầy cô giáo. Đúng kiểu giáo dục xưa cũ: trẻ con thì biết gì! Con về than phiền một quy định bất hợp lý của trường thì mắng át con luôn. Rằng “chả nhẽ thầy cô lại nghĩ thua con, chấp hành đi!”. Họ luôn nghĩ lỗi là ở con mình. Rốt cuộc, cũng là bởi họ lo con cái họ phản ứng tiêu cực với thầy cô thì thiệt thân.

Trẻ luôn cô đơn khi không thể chia sẻ cùng ai, kể cả cha mẹ - Ảnh minh họa
Trẻ luôn cô đơn khi không thể chia sẻ cùng ai, kể cả cha mẹ - Ảnh minh họa

Cách nào cũng sai. Phản ứng tiêu cực với nhà trường, sử dụng bạo lực với giáo viên để đáp trả giáo viên. Hay ngược lại, họ sợ phiền phức, thiệt thân mà “quay lưng” với con mình. Sai vì cha mẹ và thầy cô - nhà trường đang chia thành hai chiến tuyến. Mối quan hệ này đang có mùi thắng - thua. Và dù nhà trường thắng hay phụ huynh thắng, kẻ thua cuộc luôn là con trẻ.

Trở lại câu chuyện cô bé nữ sinh ở An Giang tự tử để chứng minh mình trong sạch. Trước đó, ngày 16/11, Trường THPT Vĩnh Xương có mời cha, mẹ em Y. đến trường để trao đổi về việc vi phạm của em trong lớp học như: mặc áo mỏng, chạy xe phân khối lớn và dùng điện thoại ghi âm cô giáo trong giờ học.

Tại buổi làm việc này, gia đình thừa nhận em Y. có vi phạm và bản thân em cũng đã xin lỗi giáo viên chủ nhiệm. Nhà trường yêu cầu em Y. viết bản tự kiểm, hứa sửa chữa, khắc phục và vào trường học tập nội quy. Tuy nhiên, em Y. không nhận lỗi và khẳng định mình không sai gì cả.

Và từ cái kết không ai mong muốn của câu chuyện, chúng ta có thể thấy là cả nhà trường lẫn phụ huynh đều không ai quan tâm đến ý kiến của nữ sinh này. Nhà trường thì nhất nhất kiên quyết em Y. có lỗi, em Y. cần chịu hình phạt. Gia đình thì nhận lỗi, xin lỗi. Mặc cho em Y. đã không nhận lỗi và liên tục khẳng định mình không sai.

Rõ ràng, cả nhà trường lẫn gia đình đều chưa từng chịu lắng nghe Y. Cô bé ấy cô đơn đến cùng cực khi ý kiến của mình rơi vào thinh không. Cô cảm thấy oan ức.

Bao nhiêu đứa trẻ trong trường hợp nghĩ mình oan ức muốn lấy cái chết để chứng minh? Tôi thú nhận, hồi bé, bằng tuổi Y., tôi cũng từng nghĩ như Y. mỗi khi thấy mình oan ức mà không chứng minh được và cũng không người lớn nào bên cạnh.

Giáo dục là gì nếu không bắt đầu từ lắng nghe? Giáo dục con trẻ phải bắt đầu từ sự lắng nghe trước khi muốn truyền đạt kiến thức cho trẻ. Không lắng nghe trẻ thì làm sao nói để trẻ chịu nghe? Thời buổi này sao nhiều thầy cô vẫn giáo dục một chiều như vậy? Sao nhiều cha mẹ vẫn phó mặc con cho nhà trường, nhà trường bảo sai thì nhận lỗi mà không cần biết đến tâm tư của con mình?

Cuối cùng, câu chuyện của Y., nếu chúng ta chỉ nói với nhau về hành vi phản giáo dục của nhà trường hay chỉ nói với nhau rằng giáo dục Việt Nam hỏng hóc này nọ thì lại một lần nữa, chính chúng ta, cũng lại ném lũ trẻ của chúng ta vào một xó.

Lại một lần nữa, chúng ta chẳng buồn quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của lũ trẻ. Chúng ta chỉ chăm chăm tham chiến chứng tỏ mình đúng. Và nếu thế, cần bao nhiêu đứa trẻ tự tử nữa để người lớn chúng ta chịu lắng nghe chúng?

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sẽ còn bao đứa trẻ muốn tự tử?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO