Sau Cánh diều, tiếp tục bộ SGK lớp 1 khác bị phản ánh 'có sạn'

Minh An| 26/11/2020 07:58

Việt BáoThời gian qua, dư luận lại tiếp tục phản ánh nhiều ngữ liệu trong sách Tiếng Việt lớp 1 (tập 2)- bộ Kết nối tri thức với cuộc sống rất cẩu thả, tùy tiện, gây khó cho giáo viên khi dạy học sinh.

Cụ thể, một số người cho biết sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (tập 2)- bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có quá nhiều “sạn”, không ít những ngữ liệu phản cảm, thậm chí phản giáo dục chưa thực sự phù hợp với học sinh lớp 1.

Điển hình như trang 147, cũng bài tập giải ô chữ nội dung dài gần kín cả trang với hơn 100 chữ, ngang với một bài tập đọc. Nhiều phụ huynh mệt nhoài theo con học cũng vì lý do này.

Tương tự, bài tập 2 (giải ô chữ) ở trang 167 cũng có những câu bí hiểm hơn, ví dụ: “Ai ai cũng có- Chẳng nặng là bao? Bạn ơi đi đâu- Nhớ mang theo nhé. (Là gì?)”. Tôi không biết cái mà “ai ai cũng có, chẳng nặng là bao, đi đâu cũng mang theo” này là cái gì, gợi người ta suy diễn ra cái gì.

Câu đố này, không hề có hình ảnh, chi tiết để trẻ em nhận dạng và liên tưởng đến vật dụng hay ngoài vật dụng nên mang theo mình thường xuyên. Ngữ liệu này thể hiện sự cẩu thả, tùy tiện gây khó cho giáo viên khi thực hiện bài học trên lớp.

Mục giải câu đố,  trang 79, tập 1 có ghi: Con gì tên rõ là “cha”- Có chứa chữ số nhìn qua ngỡ rùa- Con gì quen vẻ già nua- Bốn chân ngắn ngủn, thỏ thua chả ngờ...

Bài tập trong sách Tiếng Việt 1 - Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống khiến nhiều người băn khoăn

Để hiểu được câu đố, theo logic này, trẻ em phải có sự liên tưởng của người ngoài hành tinh: con gì tên  rõ là “cha”. Ngay từ câu 1, đã thấy vô nghĩa và phản giáo dục : “con (vật) gì” có tên gọi “cha” (bố)?. Kho tàng văn học dân gian còn vô vàn câu đố hay và giàu tính giáo dục, tại sao các nhà biên soạn sách bắt trẻ 6-7 tuổi buộc phải hiểu “con gì tên rõ là “cha”. Đem con vật để bắt trẻ buộc liên tưởng đến người cha thì sau này trẻ có quyền suy diễn, liên tưởng đến những con vật xấu xí khác, rồi nói đó là cha, mẹ mình, vì –sách nói vậy.

Hai câu sau “Con gì quen vẻ già nua- Bốn chân ngắn ngủn, thỏ thua chả ngờ”. Thì ra hai câu cuối thuyết minh giải nghĩa tiếp cho hai câu đầu. Bổ sung từ “già nua”, bật mí từ “ngắn ngủn”, kèm thêm từ “thỏ”. Khiên cưỡng và tắc tỵ. Có gợi mở kiểu gì trẻ cũng không hiểu được. Trừ khi giáo viên nói toạc ra, cha ở đây không phải là người thân sinh, bố đẻ của các em, không phải là ba (má), mà là con ba ba, con rùa.

Nhiều người cho rằng, những câu đố này thể hiện sự tối nghĩa, nghèo nàn về hình tượng, cẩu thả trong biên soạn và vô trách nhiệm với trẻ em. Bộ GD&ĐT cần xem xét, đánh giá lại và yêu cầu sửa cả 5 bộ sách giáo khoa.

Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết: "Tại Điều 9, Thông tư 33/2020/TT-BGDĐT Quy định về thẩm định chỉnh sửa nội dung SGK ghi rõ, SGK không phải là tài liệu bất biến.

Cũng tại Điều 9 quy định, NXB và các lực lượng liên quan đến SGK có trách nhiệm, cũng như quyền hạn điều chỉnh, bổ sung nội dung SGK hợp lý và ngày càng tốt hơn.

Chẳng hạn một số chỉ số liên quan đến tăng trưởng kinh tế, dân số, chỉ số môi trường hoặc điều chỉnh địa giới hành chính, nếu tình hình thực tế thay đổi, SGK phải cập nhật bổ sung thường xuyên.

"Việc làm này rất bình thường khi biên soạn và sử dụng SGK hàng năm, được quy định bằng các văn bản quy phạm pháp luật.

Trong quá trình biên soạn và thẩm định, nếu hai đơn vị này chưa phát hiện ra nhưng qua thực tế sử dụng, ở góc độ chuyên môn nào đó, còn có những ý kiến về những điều chưa hợp lý, đó cũng là điều bình thường".

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sau Cánh diều, tiếp tục bộ SGK lớp 1 khác bị phản ánh 'có sạn'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO