Sát thủ thầm lặng của thế kỷ không phải ung thư mà là bệnh này

Thảo An| 11/06/2020 14:43

Việt BáoTheo Thạc sĩ Khổng Tiến Bình - Trưởng khoa Nội, Can thiệp tim mạch - Hô hấp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hiện nay bệnh lý tăng huyết áp thực sự báo động. Bệnh nhân bị tăng huyết áp hầu như không có triệu chứng, khi vào viện thì bệnh đã biến chứng nặng.

"Sát thủ" âm thầm 
Tăng huyết áp với hậu quả tổn thương cơ quan đích như suy tim, suy mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột tử, tai biến mạch não, suy thận, xuất huyết phù gai thị dẫn đến giảm thị lực, mù mắt, tắc mạch ngoại biên... để lại di chứng nặng nề cho bản thân, gia đình và xã hội.
Đặc biệt với những người không điều trị thì nguy cơ tàn phế, tử vong chiếm đến 1/3 trường hợp trong vòng 10 năm mắc bệnh.
Biến chứng của tăng huyết áp vào các cơ quan đích của cơ thể - Ảnh minh họa 
Thống kê được công bố gần đây của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, 1/3 người lớn bị tăng huyết áp trong vòng 5 năm qua. Đáng lưu ý là sự trẻ hóa của các bệnh nhân THA, nhiều trường hợp tuổi đời chỉ xấp xỉ 35- 40 tuổi. Nguyên nhân được xác định là do lối sống không lành mạnh, lạm dụng rượu bia, đô thị hóa, tác động tâm lý xã hội, bệnh lý phối hợp như đái tháo đường, suy thận...
Trên thực tế, bác sĩ Bình cho biết, nhiều người bị tăng huyết áp không được chẩn đoán kịp thời. Một số người bệnh tuy đã được chẩn đoán tăng huyết áp nhưng không điều trị kịp thời, điều trị không liên tục hoặc có điều trị nhưng vẫn không đạt được trị số huyết áp.
Đây là căn bệnh phổ biến ở những người thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đái tháo đường, có bệnh về thận. Nếu không điều trị kịp thời, tăng huyết áp gây nên những biến chứng nguy hiểm như: Bệnh động mạch vành; Suy tim; Bệnh mạch máu não; Bệnh thận mạn tính; Bệnh mạch máu ngoại biên; Tổn thương đáy mắt.
Hai biến chứng đáng sợ 
Trong các biến chứng của tăng huyết áp, hai biến chứng thực sự đáng sợ đó là biến chứng lên tim mạch, biến chứng tai biến mạch máu não.
Biến chứng tim mạch: theo bác sĩ Bình, khi người bệnh bị tăng huyết áp lâu ngày sẽ làm hư lớp nội mạc của mạch vành, làm các phân tử Cholesterol có trọng lượng phân tử thấp (Cholesterol-LDL) dễ dàng đi từ lòng mạch máu vào động mạch vành, sau đó làm hình thành mảng xơ vữa động mạch và làm hẹp mạch vành.
Khi bị hẹp động mạch vành nhiều, người bệnh sẽ cảm thấy đau ngực, tức ngực khi gắng sức, vận động nhiều, leo cầu thang, cơn đau giảm khi bệnh nhân ngừng gắng sức.
benh nhan dot quy
Đột quỵ là biến chứng nguy hiểm nhất của Tăng huyết áp 
Nếu các mảng xơ vữa động mạch bị nứt, vỡ thì trong lòng động mạch vành hình thành cục huyết khối, làm tắc động mạch vành, làm bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.
Nhồi máu cơ tim là biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Người bệnh có thể tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu. Triệu chứng có thể nhận thấy là người bệnh đau dữ dội trước ngực, khó thở, đổ mồ hôi, đau có thể lan lên cổ, tay trái và sau lưng.
Với những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim do cao huyết áp sẽ có một vùng cơ tim bị chết, không thể co bóp được, dẫn đến suy tim. Tăng huyết áp lâu ngày làm cơ tim phì đại, nếu không được điều trị cao huyết áp cũng sẽ dẫn đến suy tim.
Biến chứng đột quỵ: Riêng ở Việt Nam mỗi năm khoảng 200 nghìn người tử vong vì đột quỵ và trong số đó hầu như bệnh nhân đều có tiền sử tăng huyết áp nhưng người bệnh không biết mình mang bệnh.
Bác sĩ Bình cho biết ở người tăng huyết áp mà huyết áp không hạ vào ban đêm hoặc hạ quá mức hoặc tăng vọt bất cứ lúc nào (hay gặp nhất vào buổi sáng) đều là yếu tố bất lợi vì rất dễ bị đột quỵ não.
Người bị tăng huyết áp đột quỵ có thể tử vong nếu cấp cứu không kịp thời hoặc bị hôn mê với đời sống thực vật, nếu qua khỏi sẽ để lại di chứng nặng nề về tâm thần kinh như liệt nửa người, đi đứng, nói năng khó khăn, giảm trí nhớ, lú lẫn....
Ở người tăng huyết áp mà huyết áp không hạ vào ban đêm hoặc hạ quá mức hoặc tăng vọt bất cứ lúc nào (hay gặp nhất vào buổi sáng) đều là yếu tố bất lợi vì rất dễ bị đột quỵ não.

Để phòng tăng huyết áp, bác sĩ Bình nhấn mạnh, cần thay đổi thói quen ăn uống như giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày), hạn chế các thức ăn chứa nhiều muối như cà muối, dưa muối, mỳ ăn liền, xúc xích, thịt hun khói...
Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng trong khẩu phần ăn hằng ngày;Hạn chế thức ăn có nhiều chất béo bão hòa (bơ, mỡ động vật...), lòng đỏ trứng, thịt có màu đỏ; không ăn phủ tạng động vật, tăng cường ăn cá.
Hạn chế bia rượu, thuốc lá. Tăng cường vận động thể dục để tránh căn bệnh âm thầm nguy hiểm này.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sát thủ thầm lặng của thế kỷ không phải ung thư mà là bệnh này
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO