Sản xuất ra vắc xin Covid-19 mới chỉ là bước đầu, vẫn còn rất nhiều thách thức phía trước

18/08/2020 12:12

Kể cả khi có một loại vắc xin Covid-19 được cả thế giới thừa nhận về sự hiệu quả thì có lẽ cũng phải vài năm nữa  chúng ta mới được tiêm để phòng ngừa virus SARS-CoV-2 một cách đầy đủ nhất.

Có khoảng hơn 175 loại vắc xin Covid-19 đang được nghiên cứu và phát triển trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho biết ngay cả với những loại vắc xin hứa hẹn nhất thì cũng chưa ai dám khẳng định chúng có thể ngăn chặn vĩnh viễn con người khỏi bị nhiễm Covid-19 giúp đại dịch dần bị loại trừ hoặc ít nhất là hạn chế bùng phát dịch bệnh.

Theo The Conversation - một cơ quan phi lợi nhuận chuyên xuất bản các bài báo được viết bởi học giả và nhà nghiên cứu, khoảng 31 trong số hơn 175 loại vắc xin đang được nghiên cứu trên thế giới đã được thử nghiệm lâm sàng trên người. Tại Nga, cơ quan chức năng đã cấp phép cho vắc xin SputnikV. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều chuyên gia quốc tế đã thúc giục Nga tiến hành nhiều thử nghiệm hơn nữa để đảm bảo sự an toàn của vắc xin trước khi sử dụng. Và ngay cả trong trường hợp SputnikV hay các loại vắc xin khác được chứng minh là hiệu quả thì việc phát triển được thứ giúp con người phòng ngừa virus SARS-CoV-2 này mới chỉ là thành công bước đâu. Thách thức lớn nhất trong việc tiêm chủng cho mọi người vẫn còn ở phía trước.

Thách thức 1: Sản xuất vắc xin

Thách thức đầu tiên sau khi một loại vắc xin được phát triển là sản xuất đủ số lượng lớn để bắt đầu các chương trình tiêm chủng. Theo Conversation, ước tính năng lực sản xuất vắc xin trên toàn cầu hiện nay đạt khoảng 6,4 tỷ liều mỗi năm.

Với Covid-19, con người sẽ phải tiêm từ 2 - 3 mũi. Người ta ước tính rằng để đạt được đủ mức độ miễn dịch trong dân số toàn cầu với vắc xin 2 mũi thì chúng ta sẽ phải có từ 12 - 15 tỷ liều. Nghĩa là nếu muốn dân số toàn cầu được tiêm vắc xin Covid-19 thì các nhà sản xuất trên thế giới sẽ phải tập trung toàn lực để sản xuất nó trong 2 năm.

Đồng thời, việc chuyển sang chỉ sản xuất vắc xin Covid-19 sẽ đồng nghĩa với việc các vắc xin khác như sởi, quai bị, rubella... phải dừng lại, dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng. Vì vậy, việc ưu tiên sản xuất vắc xin Covid-19 có thể sẽ khiến nhiều người thiệt mạng. Đây là điều chắc chắn không ai mong muốn nên sẽ mất ít nhất hơn 2 năm để toàn thế giới có thể sản xuất đủ vắc xin Covid-19 cho tất cả mọi người.

Do những hạn chế này, chính phủ các nước trước đây thường có xu hướng ký các thỏa thuận mua trước với nhà sản xuất để bảo đảm quyền tiếp cận trước. Các thỏa thuận thương mại này thường được ký kết bí mật và ở các mức khác nhau được tính vào việc họ là khách hàng đầu tiên hay thứ bao nhiêu cũng như khả năng thanh toán của họ.

Nó dẫn đến việc các quốc gia có đủ khả năng mua trước kho vắc xin sẽ được quyền tiếp cận trước, khiến các nước nghèo hơn bị bỏ lại phía sau hoặc buộc phải chờ đợi nhiều năm. Điều này đã xảy ra ít nhất 2 lần trước đây.

Năm 2007, Indonesia phát hiện ra mình không thể mua vắc xin cúm H5N1 (cúm gia cầm) mặc dù quốc gia này là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới vào thời điểm đó. Điều này là do một số quốc gia giàu có đã có thỏa thuận mua vắc xin trước Indonesia. Sau đó, Indonesia đã tạm thời giữ lại việc chia sẻ các mẫu virus với WHO để trả đũa. Đến năm 2009, các quốc gia giàu có lại một lần nữa mua gần như toàn bộ kho vắc xin cúm H1N1, lấn át các nước kém phát triển hơn.

Vào tháng 7/2020, 165 quốc gia trên thế giới đã tham gia sáng kiến 'Covax' do WHO, liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) và Liên minh vì đổi mới về chuẩn bị dịch (CEPI). Sáng kiến này đặt mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vắc xin Covid-19 vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại vắc xin Covid-19 vẫn sẽ là bài toán về nguồn cung toàn cầu. Và có thể những quốc gia sở hữu thỏa thuận đặc biệt sẽ được tiếp cận vắc xin trước.

Thử thách 2: Phân phối vắc xin

Thách thức quan trọng thứ 2 cho vắc xin Covid-19 là vấn đề phân phối. Hầu hết các loại vắc xin cần phải được lưu trữ trong kho lạnh. Đây là vấn đề với nhiều địa điểm trên thế giới - nơi mất điện đã trở thành chuyện thường ngày. WHO ước tính có khoảng 50% số vắc xin trên thế giới bị lãng phí hàng năm, thường là do việc kiểm soát nhiệt độ không đầy đủ.

Đại dịch Covid-19 đã khiến sự sụt giảm rõ rệt của ngành hàng không thế giới. Đó cũng là lý do khiến việc luân chuyển hàng hóa bị chậm lại. Điều này có nghĩa nếu muốn có sớm vắc xin thì cơ quan chức năng nhiều nước sẽ phải làm việc với các hãng hàng không.

Ngoài ra, việc đưa vắc xin đến các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa sẽ đòi hỏi các dịch vụ hậu cần phức tạp. Đây là điều nhiều nước còn thiếu. Vì vậy, nếu không có sự đầu tư đáng kể vào chuỗi cung ứng quốc tế và quốc gia thì có lẽ phải mất nhiều năm nữa mới có vắc xin Covid-19 cho tất cả mọi người.

Theo tờ The Conversation, bất kỳ khi nào có vắc xin thì những nhân viên y tế tuyến đầu sẽ được tiêm đầu tiên, tiếp theo là những người mắc bệnh hiểm nghèo và người có nguy cơ lây nhiễm cao. Nếu bạn không nằm trong số những trường hợp kể trên và thực sự khỏe mạnh, hãy chuẩn bị tinh thần rằng vài năm nữa mới được tiêm vắc xin Covid-19.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất ra vắc xin Covid-19 mới chỉ là bước đầu, vẫn còn rất nhiều thách thức phía trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO