Quyết định lịch sử của Nga: Lý giải của 'người trong cuộc'

Phương Nhật| 22/02/2022 20:35

Quyết định của Nga công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng ở miền đông Ukraine đã hủy hoại kỳ vọng về giải pháp ngoại giao cho tình hình Ukraine. Giới chức Nga đã lý giải quyết định của mình như thế nào?

Dư luận về quyết định lịch sử của Tổng thống Nga V.Putin
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã thông qua quyết định lịch sử về việc công nhận độc lập đối với hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk ở Dobass. (Nguồn: AP)

Đi trước phương Tây "một bước"

Tối ngày 21/2 (theo giờ Moscow), Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã thông qua quyết định lịch sử về việc công nhận độc lập đối với hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk ở Dobass của Ukraine. Người dân vùng Donbass đã xuống đường ăn mừng, trong khi đó dư luận quốc tế đã chỉ trích quyết định của nhà lãnh đạo Nga.

Tuyên bố công nhận nêu trên được nhà lãnh đạo Nga đưa ra trong bài phát biểu thông điệp quan trọng gửi tới toàn thể người dân Nga. Thông báo về điều này, Tổng thống bày tỏ tin tưởng vào sự ủng hộ của người dân Nga và tất cả các lực lượng yêu nước.

Lễ ký Sắc lệnh công nhận hai vùng ly khai đã được tổ chức trọng thể tại Kremlin. Tại buổi lễ, ông Putin cũng ký với các nhà lãnh đạo của Donetsk và Luhansk các Hiệp ước về quan hệ hữu nghị, hợp tác. Nhà lãnh đạo Nga đề nghị Quốc hội Liên bang Nga ủng hộ quyết định này và sau đó sẽ phê chuẩn các Hiệp ước hữu nghị và tương trợ với cả Donetsk và Luhansk.

Trong bài phát biểu thông điệp dài hơn 50 phút gửi tới người dân Nga, ông Putin giải thích tầm quan trọng của nước láng giềng Ukraine đối với nước Nga. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng tình hình ở Donbass một lần nữa trở nên rất nghiêm trọng.

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng việc công nhận độc lập cho hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass kể trên là bước đi nhằm ngăn chặn cuộc chiến đổ máu có thể xảy ra. Ông Putin giải thích: “Tôi cho rằng cần phải đưa ra một quyết định đã quá hạn từ lâu, đó là công nhận ngay độc lập và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk”. Theo ông, Nga “đã làm mọi thứ để bảo toàn sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, kể cả khi nước này đấu tranh để thực hiện các Thỏa thuận Minsk, nhưng đều vô ích.

Người đứng đầu nhà nước Nga yêu cầu Ukraine ngay lập tức ngừng các hành động thù địch ở Donbass, nhấn mạnh rằng nếu không làm như vậy Kiev sẽ “hoàn toàn chịu trách nhiệm về khả năng tiếp tục đổ máu”, đồng thời cũng cảnh báo rằng Moscow sẽ trả đũa nếu không nhận được phản ứng có tính xây dựng của phương Tây đối với các đề xuất về đảm bảo an ninh.

“Nga có mọi quyền thực hiện các biện pháp trả đũa để đảm bảo an ninh của chính mình. Đó chính xác là những gì chúng tôi sẽ làm”, ông Putin tuyên bố đanh thép và nhấn mạnh Moscow có mọi lý do để tin rằng “việc Ukraine gia nhập NATO và việc triển khai các cơ sở của NATO ở đây chỉ là vấn đề thời gian”.

Trong trường hợp này, theo ông Putin, Ukraine sẽ trở thành bàn đạp cho một cuộc tấn công phủ đầu của phương Tây nhằm vào Nga.

Ông chủ Điện Kremlin chỉ trích chiến lược quân sự của Ukraine về cơ bản liên quan đến việc chuẩn bị cho các hành động quân sự chống lại Nga, và Moscow không thể làm ngơ trước lời đe dọa gần đây của Kiev về việc chế tạo vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Hai trạng thái đối lập của cảm xúc

Sau các quyết định kể trên, người dân vùng Donbass đã xuống đường ăn mừng, trong khi đó dư luận quốc tế đã ngay lập tức có phản ứng với việc Nga công nhận độc lập cho hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk.

Hầu hết các quốc gia ở châu Âu lên án Moscow, coi việc công nhận độc lập cho hai vùng lãnh thổ thuộc Ukraine không chỉ là bước đi vi phạm Thỏa thuận Minsk mà còn vi phạm luật pháp quốc tế.

Các nhà lãnh đạo Mỹ, Pháp và Đức coi việc công nhận hai nước cộng hòa tự xưng là “sự vi phạm ngang nhiên các thỏa thuận Minsk” và nhất trí không làm suy yếu các nỗ lực nhằm duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Ngoại trưởng Đức coi việc Nga công nhận Donetsk và Luhansk là vi phạm luật pháp quốc tế. Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Vương quốc Anh tuyên bố đưa ra biện pháp trừng phạt Moscow trong ngày 22/2. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki kêu gọi khẩn trương tổ chức hội nghị thượng đỉnh EU và áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Đáng chú ý, quyết định của nhà lãnh đạo Nga nhận được sự ủng hộ của Ban lãnh đạo Houthis ở Yemen. Cộng hòa Abkhazia và Nam Ossetia hoàn toàn ủng hộ quyết định của Nga công nhận các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass.

Trước ngày 21/2, cũng tại Hội trường Catherine của Điện Kremlin, đã diễn ra cuộc họp bất thường của Hội đồng An ninh Liên bang Nga về vấn đề công nhận độc lập cho hai vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk theo đề nghị của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện).

Tại phiên họp đặc biệt này, sau khi thảo luận về các vấn đề trong nước, Tổng thống Putin đã đề nghị các thành viên thường trực Hội đồng An ninh nêu ý kiến và quan điểm cá nhân của mình về vấn đề công nhận độc lập cho hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk trên cơ sở đề nghị của Duma Quốc gia Nga và thông điệp trước đó của hai nhà lãnh đạo hai nước cộng hòa tự xưng này.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh rằng tình hình Ukraine sẽ không được cải thiện, lối thoát duy nhất trong trường hợp này là công nhận Donetsk và Luhansk.

Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin nhắc lại việc Hạ viện Nga biểu quyết nhất trí đề nghị Tổng thống Vladimir Putin xem xét công nhận độc lập của Donetsk và Luhansk. Ông Volodin nhấn mạnh quyết định của cơ quan này không phải là tự phát, mà đã được nghiên cứu toàn diện, cân đối và dựa trên thực tế rằng tình hình ở Donetsk và Luhansk rất nghiêm trọng.

Ông Volodin cũng chỉ ra rằng tình hình không thay đổi trong 8 năm gần đây và cáo buộc “Kiev đang phá hoại tất cả các nghĩa vụ trước đó của mình” bất chấp sự tham gia của các nước khác trong quá trình đàm phán.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quyết định lịch sử của Nga: Lý giải của 'người trong cuộc'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO