Quốc gia châu Á đảo ngược xu thế thích sinh con gái hơn con trai

03/08/2022 07:55

Khác với quá khứ chỉ đẻ con trai, xu hướng sinh 2 con gái đang trở nên phổ biến trong các cặp vợ chồng ở Hàn Quốc.

Trong số những cặp vợ chồng trẻ ở Hàn Quốc đang có kế hoạch sinh con, số lượng cặp đôi thích sinh 2 con gái đang trở thành xu hướng phổ biến, theo sau là mong muốn sinh đủ nếp đủ tẻ, và cuối cùng là sinh 2 con trai mà không sinh con gái.

Cô Kim Yeon-ju (30 tuổi), một nhân viên văn phòng ở tỉnh Gyeonggi, đang nghỉ phép theo chế độ thai sản kể từ tháng Ba hoàn toàn đồng tình với nhận định trên.

Quốc gia châu Á đảo ngược xu thế thích sinh con gái hơn con trai
Người dân Hàn Quốc đang có xu hướng thích sinh con gái hơn con trai. (Ảnh: Yonhap)

“Rõ ràng xu hướng hiện tại con gái được yêu thích hơn con trai nhất là đối với các cặp vợ chồng trẻ đang có kế hoạch sinh con”, cô Kim nói với Korea Times rằng, cô cũng nằm trong số những người thích sinh con gái hơn con trai.

“Những bà mẹ trẻ như chúng tôi cho rằng khi trưởng thành, con trai trở nên xa cách như người lạ, chúng sẽ rời khỏi nhà ngay khi cưới vợ hoặc xây dựng gia đình mới, chỉ số ít con trai có sự chia sẻ tình cảm với bố mẹ”, cô Kim cho hay.

Mỗi đứa trẻ chào đời đều là niềm hạnh phúc. Nhưng trên thực tế, tư tưởng sinh con gái đang chiếm ưu thế lớn hơn so với sinh con trai trong xã hội Hàn Quốc ngày nay.

Theo điều tra gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Hankook Research khảo sát hơn 1.000 người trên cả nước, 55% cho rằng “sinh con gái là điều phải làm”, trong khi chỉ 31% xem “sinh con trai là chuyện phải làm”.

Trong cuộc khảo sát, ở tất cả nhóm tuổi, các cặp vợ chồng có xu hướng thích sinh con gái hơn con trai mà nhất là nhóm trên 60 tuổi. Trong nhóm tuổi này, 70% nói thích con gái, và tỷ lệ thích con trai là 43%.

Xu hiện các cặp chồng ở Hàn Quốc đang thích sinh con gái hơn con trai là điều trái ngược ở đất nước vốn có tư tưởng trọng nam khinh nữ trong nhiều thế kỷ qua. Trong quá khứ, những người mẹ sinh con gái được khuyến khích hoặc thậm chí bị ép phải sinh thêm con trai để nối dõi tông đường. Thậm chí, những thành viên nữ trong gia đình còn bị đối xử như công dân hạng hai, khi họ bị hạn chế các quyền và nghĩa vụ với cha mẹ như phân chia tài sản thừa kế, hay thờ tự.

Khi công nghệ lựa chọn giới tính thai nhi ra đời và được sử dụng rộng rãi trong thập niên 70 và 80, sự chêch lệch giới tính khi sinh ở Hàn Quốc được thể hiện rất rõ với tỷ lệ 116 bé trai/100 bé gái vào năm 1990. Trong khi đó, tỷ số giới tính khi sinh ở mức tự nhiên là 103 bé trai/107 bé gái. Tình trạng nạo phá thai khi thai nhi là bé gái cũng tràn lan.

Song theo nghiên cứu của World Bank từ năm 2007, Hàn Quốc đã đảo chiều sở thích giới tính, và trở thành “quốc gia châu Á đầu tiên đảo ngược xu thế tỷ số giới tính khi sinh”.

Cụ thể, tỷ số giới tính khi sinh ở Hàn Quốc lần đầu tiên đạt mức tự nhiên là 103 – 107 bé trai/100 bé gái vào năm 2007. Vào năm 2020, tỷ số này là 104,8 bé trai/100 bé gái.

Ngay cả trong lĩnh vực nhận con nuôi, xu hướng xin con gái cũng gia tăng ở Hàn Quốc. Theo Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, 65,4% trong tổng số 260 trẻ Hàn Quốc được nhận nuôi vào năm 2020 là bé gái.

“Hàn Quốc không chỉ là quốc gia đầu tiên, mà còn là quốc gia duy nhất trên thế giới chứng kiến xu hướng thích con trai giảm nhanh chóng”, ông Cho Young-tae, Giáo sư tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Quốc gia Seoul nói.

Theo ông Cho, xu hướng này một phần xuất phát từ việc chuyển giao nghĩa vụ với cha mẹ từ con trai sang con gái.

“Thông thường, xã hội có xu hướng thích con trai vì cho rằng con trai sẽ nối dõi tông đường. Nhưng tư tưởng này nhanh chóng biến mất ở Hàn Quốc và các thế hệ lớn tuổi đã thay đổi cách sống trước khi qua đời vì tương lai của gia đình”, ông Cho lý giải thêm, con trai hiện không còn đặc quyền cao hơn so với những thành viên khác trong nhà như trong quá khứ.

Nói cách khác, các cặp vợ chồng Hàn Quốc ngày càng nhận thức rõ lợi ích của việc sinh con gái và trông cậy vào con gái khi về già.

Theo ông Cho, qua trải nghiệm, các thế hệ cha mẹ nhận ra rằng con gái có xu hướng kết nối tình cảm với bố mẹ tốt hơn, và hỗ trợ nhiều hơn khi bố mẹ về già. Kết quả, cha mẹ tăng sự phụ thuộc vào con gái, những người có thể chăm sóc tốt hơn cho họ khi họ đau yếu và già cả nhất là trong bối cảnh tuổi thọ người dân Hàn Quốc không ngừng tăng lên.

Ngoài ra so với vai trò của nữ giới trong quá khứ, vị thế kinh tế xã hội của phụ nữ hiện nay đã được cải thiện, và đây cũng là một phần lý do tư tưởng thích con gái hơn con trai gia tăng.

“Phần lớn trong số phụ nữ chào đời trong giai đoạn chỉ thích sinh con trai từ thập niên 80 – 90 hiện là thế hệ sinh con và trở thành cha mẹ. Họ hiểu rằng sinh con trai không phải là điều cần phải làm”, ông Cho nói.

Dù con gái đang được yêu thích hơn con trai, song xu hướng này không có nghĩa phụ nữ đang được bình đẳng với nam giới, hay có vị trí xã hội cao hơn.

“Điều này phản ánh mong muốn của xã hội và vai trò chỉ định với phụ nữ để làm thêm việc nhà, và lao động cảm xúc nhiều hơn so với nam giới trong gia đình”, Giáo sư Lee Joo-hee ở Đại học Nữ Ewha cho hay.

Cũng theo Giáo sư Lee, con gái có sự tương tác và kết nối lớn hơn, bởi họ ít phải tham gia các hoạt động kinh tế so với nam giới khoảng 20 – 30%, nhưng lại chịu sức ép từ xã hội về mức độ lao động cảm xúc lớn hơn.

“So với quá khứ, suy nghĩ về bình đẳng giới ngày càng phổ biến hơn, và xu hướng thích con trai cũng ngày càng giảm. Song thích con gái hơn con trai không có nghĩa là chúng ta đã đạt tới bình đẳng giới. Thay vào đó, đây là một dạng khác của phân biệt giới tính, bởi con gái đang được yêu thích hơn con trai vì một số lý do tương tự như cách con trai từng được yêu thích hơn con gái trong quá khứ”, Giáo sư Lee kết luận.

Minh Thu (lược dịch)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quốc gia châu Á đảo ngược xu thế thích sinh con gái hơn con trai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO