* Tàu dò thủy lôi M940 Oostende của Bỉ sắp đi vào hoạt động
Tàu dò thủy lôi M940 Oostende của Bỉ vừa kết thúc thành công cuộc thủ nghiệm lần thứ 3. Với thành công này, Hải quân Bỉ đang tiến gần hơn đến việc triển khai phương tiện này nhằm tăng cường đáng kể khả năng chống lại mối đe dọa từ thủy lôi.
Theo Army Recognition, tàu đã khởi hành từ Concarneau vào ngày 2-12 và trở về cảng sau 2 ngày, đánh dấu tiến triển ổn định trong lịch trình thử nghiệm. Các cuộc thử nghiệm đã bắt đầu vào tháng 7 và được đánh giá là đóng vai trò rất quan trọng trong xác nhận khả năng của các cải tiến công nghệ được tích hợp vào tàu săn thủy lôi thế hệ tiếp theo này. Việc giao hàng cho Hải quân Bỉ dự kiến sẽ được thực hiện trong tháng 12 tại căn cứ hải quân ở Zeebrugge.
Tàu được thiết kế để có thể triển khai thiết bị nổi không người lái cùng phương tiện tự hành dưới nước A-18M. Ảnh: Hải quân Bỉ |
Được chính thức hạ thủy vào ngày 22-2-2023, M940 Oostende đại diện cho một bước tiến đáng kể trong tác chiến thủy lôi trên biển. Tàu được chú ý với thiết kế và công nghệ tiên tiến. Theo đó, mỗi tàu trong loạt này được trang bị để triển khai thiết bị nổi không người lái Inspector 125, có thể mang theo sonar T-18M hoặc phương tiện tự hành dưới nước A-18M để phát hiện thủy lôi. Robot được thiết kế đặc biệt cho nhiệm vụ dưới nước như SeaScan và K-Ster C cũng được trang bị để nhận dạng và vô hiệu hóa mối đe dọa dưới nước. Ngoài ra, tàu còn mang máy bay không người lái (UAV) Skeldar V-200 để phát hiện và chuyển tiếp liên lạc.
Chương trình phát triển tàu dò thủy lôi M940 Oostende là chương trình hợp tác giữa Bỉ và Hà Lan trị giá 1,8 tỷ Euro, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hợp tác quân sự châu Âu. Chương trình được triển khai nhằm thay thế các máy dò thủy lôi đã được đưa vào sử dụng từ những năm 1980, ban đầu được phát triển thông qua hợp tác giữa Pháp, Bỉ và Hà Lan.
Vào tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder đã tham gia lễ hạ thủy tàu M941 Tournai, tàu thứ ba trong chương trình. Tại đây, ông nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của những con tàu này đối với Bỉ và các quốc gia đồng minh. Sáng kiến này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác quốc phòng châu Âu và việc kết hợp các công nghệ tiên tiến vào các hoạt động an ninh hàng hải.
* Vì sao Hy Lạp chọn mua hệ thống tên lửa PULS của Israel?
Hy Lạp đang tiến hành phê duyệt chương trình mua lại 38 hệ thống tên lửa phóng loạt PULS do Elbit Systems của Israel sản xuất. Chương trình trị giá 500 triệu Euro này bao gồm các bệ phóng, tên lửa dẫn đường chính xác, cũng như các dịch vụ đào tạo và bảo dưỡng.
Bộ Quốc phòng Hy Lạp ban đầu đã cân nhắc việc hiện đại hóa kho vũ khí hiện có gồm 36 hệ thống MLRS M270 do Mỹ sản xuất. Kế hoạch nâng cấp 24 bệ phóng này với giá 1,81 tỷ Euro đã được phê duyệt vào năm 2023. Tuy nhiên, sau khi đánh giá lại, kế hoạch đã bị hủy bỏ và Hy Lạp đã chuyển sang ủng hộ mua các hệ thống PULS nhằm mở rộng phạm vi hoạt động và nâng cao khả năng tích hợp với ngành công nghiệp quốc phòng trong nước của nước này.
Hy Lạp và Israel đã mở rộng hợp tác quốc phòng thông qua nhiều thỏa thuận và hoạt động mua lại. Vào tháng 4-2021, 2 bên đã ký một thỏa thuận trị giá 1,65 tỷ USD để thành lập và vận hành một trung tâm huấn luyện bay cho Không quân Hy Lạp với 10 máy bay huấn luyện M-346, máy mô phỏng và hỗ trợ hậu cần. Hy Lạp cũng đã mua tên lửa chống tăng Spike từ Israel trong một thỏa thuận trị giá lên tới 400 triệu USD. 2 quốc gia đang đàm phán một thỏa thuận trị giá 2 tỷ Euro để phát triển một hệ thống phòng không và tên lửa tương tự như Iron Dome của Israel.
Bộ Quốc phòng Hy Lạp đã từ bỏ kế hoạch hiện đại hóa kho 36 hệ thống MLRS M270 để chuyển sang mua các hệ thống PULS. Ảnh: Elbit Systems |
Các nguồn tin cho rằng, khả năng vận hành của PULS khác biệt so với M270 MLRS có thể đã ảnh hưởng đến quyết định theo đuổi việc mua sắm của Hy Lạp. Theo đó, PULS hỗ trợ nhiều loại đạn hơn, bao gồm rocket 122mm, 160mm, 306mm và 370mm, mỗi loại có tầm bắn và loại đầu đạn khác nhau, cho phép sử dụng trong nhiều tình huống tác chiến khác nhau, trong khi M270 MLRS chủ yếu sử dụng rocket 227mm. Phiên bản nâng cấp của PULS có thể hỗ trợ nhiều loại tên lửa có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách từ 35 đến 300km. Mỗi bệ phóng được trang bị 2 khoang, có thể mang tổng cộng 36 tên lửa. Cấu hình tên lửa bao gồm 18 tên lửa Accular 122mm có tầm bắn lên đến 35km, 10 tên lửa Accular 160mm có tầm bắn 40km, 4 tên lửa EXTRA có tầm bắn 150km và 2 tên lửa Predator Hawk có tầm bắn 300km. Hệ thống này cũng có khả năng phóng đạn tuần kích SkyStriker, có tầm bắn trên 100km, có thể thu hồi nếu không sử dụng và triển khai cho các hoạt động trinh sát và tấn công.
PULS được thiết kế để triển khai và bắn nhanh, với thời gian thực hiện khoảng 1 phút và được lắp trên các nền tảng có bánh như xe tải IVECO, giúp tăng khả năng cơ động trên nhiều địa hình khác nhau. Ngược lại, M270 MLRS sử dụng khung gầm bánh xích. Ngoài ra, thiết kế mô-đun của PULS cho phép tích hợp với nhiều hệ thống chỉ huy và điều khiển khác nhau, giúp đơn giản hóa việc bảo trì và khả năng tương tác. Những đặc điểm này giải quyết các nhu cầu về hoạt động và ngân sách của Hy Lạp, hỗ trợ quyết định theo đuổi hệ thống PULS của nước này.
Hiện tại, một số quốc gia khác như Đan Mạch, Hà Lan, Tây Ban Nha cũng đang sử dụng PULS. Thái Lan cũng đang hợp tác với Elbit Systems để phát triển phiên bản nội địa của hệ thống này. Các quốc gia khác như Philippines và Na Uy đang xem xét việc mua sắm.
* Nga nâng cấp BTR-MDM nhằm tăng cường khả năng chống UAV
Kurganmashzavod, thành viên doanh nghiệp Tổ hợp chính xác cao thuộc Tập đoàn nhà nước Rostec của Nga, vừa thông báo đã hoàn thành chuyển giao lô xe bọc thép chở quân BTR-MDM Rakushka nâng cấp cuối cùng trong đơn đặt hàng quốc phòng nhà nước năm 2024 cho Lực lượng đổ bộ đường không Nga.
Các nâng cấp của BTR-MDM bao gồm lớp giáp bổ sung để tăng cường khả năng bảo vệ chống lại các mối đe dọa trên không cùng hệ thống "Nakidka" có khả năng hấp thụ tín hiệu radar và tín hiệu hồng ngoại nhằm giảm khả năng hiển thị trước hệ thống trinh sát và nhắm mục tiêu của đối phương. Kíp lái cũng được trang bị thiết bị nhìn ban đêm và hệ thống tác chiến điện tử chống UAV.
Là phiên bản nâng cấp của BTR-MD, BTR-MDM kết hợp các thành phần của mẫu BMD-4M và BMP-3M, bao gồm động cơ diesel UTD-29 công suất 500 mã lực, hộp số cải tiến và hệ thống treo được gia cố, với khả năng vượt qua địa hình gồ ghề với tốc độ lên đến 70km/giờ. Xe được trang bị một trạm vũ khí điều khiển từ xa, thường được trang bị súng máy 7,62mm hoặc 12,7mm.
BTR-MDM được đưa vào sử dụng năm 2016, thay thế phiên bản cũ BTR-D trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa Lực lượng đổ bộ đường không Nga. |
BTR-MDM đi vào hoạt động năm 2016 nhằm thay thế phiên bản BTR-D như một phần của chương trình hiện đại hóa cho Lực lượng đổ bộ đường không Nga. BTR-MDM nặng 13,2 tấn và được trang bị động cơ UTD-29, có tầm hoạt động 500km và tốc độ trên đường trường tối đa 70km/giờ. Xe có thể lội nước, với tốc độ dưới nước là 10km/giờ.
Xe có kíp lái gồm 2 người và có thể chở tối đa 13 binh lính hoặc nhiều loại hàng. Vũ khí bao gồm 2 súng máy 7,62mm, một khẩu điều khiển từ xa và khẩu còn lại điều khiển bằng tay. Lớp giáp của xe được thiết kế để chống lại hỏa lực vũ khí nhỏ và mảnh đạn pháo, đồng thời tích hợp hệ thống bảo vệ hạt nhân và hệ thống chữa cháy.
TRẦN HOÀI (tổng hợp)