Quan hệ Hàn Quốc-ASEAN: Sẽ không 'lệch đường ray' dưới thời Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol

Phương Hà| 18/03/2022 21:06

Mặc dù nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có nhiều thay đổi trong chính sách đối ngoại so với người tiền nhiệm, nhưng quan hệ Hàn Quốc-ASEAN vẫn sẽ giữ được nhịp độ phát triển.

Dự báo chính sách của chính quyền mới ở Hàn Quốc đối với ASEAN
Tổng thống đắc cử Hàn Quốc từng khẳng định hợp tác với ASEAN là rất quan trọng. (Nguồn: Shutterstock)

'Hợp tác với ASEAN rất quan trọng'

Cử tri Hàn Quốc đã bầu ứng cử viên Yoon Suk-yeol của Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) đối lập làm Tổng thống Hàn Quốc.

Kết quả bầu cử rất sát sao, với số phiếu chênh lệch chỉ 0,8% giữa phe bảo thủ và những người tiến bộ. Ở trong nước, ngay từ đầu, cuộc bầu cử này đã làm nổi bật tình trạng chia rẽ giữa các nhóm cử tri. Chính phủ mới sẽ bắt đầu nhiệm kỳ trong vòng chưa đầy hai tháng nữa, song Tổng thống đắc cử đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ rằng chính quyền của ông sẽ đi theo quỹ đạo ngược với chính quyền của tổng thống sắp mãn nhiệm Moon Jae-in.

Dưới sự dẫn dắt của ông Yoon, rất có thể chính sách đối ngoại của Hàn Quốc sẽ thay đổi. Chính quyền mới sẽ tập trung tăng cường quan hệ với Mỹ dựa trên hệ thống liên minh song phương và tái thiết lập quan hệ với Nhật Bản, trong bối cảnh hai nước láng giềng gần gũi này đều là đồng minh lớn của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á.

Sự ưu ái của chính quyền phe bảo thủ với Mỹ cũng sẽ khiến cách tiếp cận của Hàn Quốc với cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc ở châu Á thay đổi.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Moon Jae-in đã đưa ra Chính sách Hướng Nam mới (NSP), nhằm mở rộng dư địa cho Hàn Quốc trong bối cảnh đối đầu giữa các nước lớn, bằng cách “nâng tầm” mối quan hệ giữa Seoul với các nước thành viên ASEAN.

Dựa trên ba trụ cột là con người, thịnh vượng và hòa bình, NSP đã cung cấp khuôn khổ can dự toàn diện, thể hiện tầm quan trọng ngày càng tăng của ASEAN. Liệu định hướng chính sách có phần khác biệt của ông Yoon so với người tiền nhiệm có khiến Hàn Quốc thay đổi chính sách đối ngoại trong hợp tác với các khu vực Đông Nam Á?

Hãng tin MBN của Hàn Quốc dẫn lời ông Yoon trong một cuộc vận động tranh cử vào tháng 11/2021 khi được hỏi liệu có tiếp tục sáng kiến NSP hay không: “Hợp tác với ASEAN là rất quan trọng. Mặc dù không biết chính xác NSP hiện nay đã hoạt động hiệu quả như thế nào và liệu nó có thành công trong việc giành được sự tin tưởng của ASEAN đối với Hàn Quốc hay không, song tôi sẽ cố gắng hết sức để xây dựng một cộng đồng khu vực mà ở đó nguồn vốn và nhân lực có thể tự do di chuyển”.

Ông Yoon thừa nhận sự cần thiết phải tiếp tục hợp tác với ASEAN, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng gia tăng. Nhưng đồng thời, ông cũng tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của chương trình chính sách đối ngoại đặc biệt của người tiền nhiệm Moon Jae-in.

Tuy nhiên, không nên vội kết luận rằng chính sách đối ngoại của ông Yoon sẽ chuyển hướng khỏi sự hợp tác với ASEAN, từ bỏ chính sách NSP.

Kinh tế-trọng điểm hợp tác

Theo hãng thông tấn Yonhap, ông Yoon đã khẳng định sự quan tâm của mình đối với việc tăng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Hàn Quốc, phù hợp với cam kết của người tiền nhiệm là tăng gấp đôi nguồn vốn ODA cho 6 nước ASEAN, lên 180,4 tỷ Won (151 triệu USD) trong năm 2023, so với mức 80 tỷ Won vào năm 2019.

Hơn nữa, đà phát triển của mối quan hệ đối tác kinh tế Hàn Quốc-ASEAN sẽ khiến ông Yoon khó thay đổi hướng đi trong bối cảnh nhu cầu từ giới kinh doanh đang tăng cao.

Các công ty Hàn Quốc đã rót hàng tỷ USD vốn đầu tư vào các quốc gia thành viên ASEAN. Ví dụ tại Việt Nam, công ty điện tử Samsung đã đóng góp khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm 2018. Tiếp đó, LG và công ty dệt may Hyosung đang có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất thiết bị gia dụng và 6 tỷ USD vào lĩnh vực hóa chất và công nghiệp nặng tại Việt Nam.

SK, gã khổng lồ viễn thông Hàn Quốc đã khai trương các cơ sở tại Malaysia và hợp tác với Grab của Singapore, công ty kỳ lân gọi xe lớn nhất khu vực. Về dịch vụ tin nhắn di động, Naver đã thâm nhập thị trường Thái Lan và Indonesia.

Với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào năm 2020, một khuôn khổ kinh tế khu vực lớn sẽ thúc đẩy trao đổi kinh tế giữa Hàn Quốc và ASEAN.

Tóm lại, mặc dù sẽ có thay đổi trong một số chi tiết nhất định, Hàn Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác ASEAN. Sự khác biệt giữa Tổng thống đắc cử Yoon và người tiền nhiệm trong chính sách hợp tác với ASEAN sẽ nằm ở các ưu tiên. Mức độ và quy mô của các vấn đề ưu tiên này sẽ chỉ rõ ràng sau khi ông Yoon tuyên thệ nhậm chức vào tháng 5 tới.

Theo Jakarta Post, về tác động của sự thay đổi ban lãnh đạo Hàn Quốc đến mối quan hệ của Hàn Quốc với Indonesia, trước hết, phải lưu ý rằng hai nước chia sẻ những điểm tương đồng. Bất chấp những thành tựu kinh tế khác nhau, hiện cả hai nước đều được đánh giá là các cường quốc trung bình đang lên ở châu Á. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước bắt đầu từ năm 1973.

Tuy nhiên, mối quan hệ song phương chỉ được củng cố sau khi Indonesia và Hàn Quốc ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về Thịnh vượng và Hòa bình vào năm 2017. Hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên thành Đối tác chiến lược đặc biệt.

Dưới thời chính quyền Tổng thống đắc cử Yoon, xu hướng này sẽ tiếp tục, tờ báo nhận định. Quan hệ kinh tế có thể sẽ chiếm vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính quyền Hàn Quốc mới đối với Indonesia. Đầu tư của Hàn Quốc hiện đứng thứ bảy ở Indonesia, với 683 triệu USD vào năm 2020.

Năm 2021, Hyundai Motor và LG Energy Solution đã đầu tư 1,1 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất pin xe điện tại Thành phố Công nghiệp mới Karawang. Ngoài khoản đầu tư 1,55 tỷ USD vào nhà máy xe điện tại Khu liên hợp công nghiệp Deltamas ở Bekasi, Indonesia còn là nơi đặt nhà máy lắp ráp xe điện đầu tiên của Hàn Quốc và là trung tâm sản xuất xe điện của Đông Nam Á.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Hàn Quốc-ASEAN: Sẽ không 'lệch đường ray' dưới thời Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO