Quan điểm của ông Joe Biden về các vấn đề công nghệ

09/11/2020 17:35

Sửa đổi Điều 230 đối với các mạng xã hội, thực thi chống độc quyền với nhóm 'Big Tech', hay giải quyết vấn đề Trung Quốc là những cuộc chiến dang dở mà người ta sẽ chờ đợi xem ông Biden xử lý như thế nào.

Theo kết quả kiểm phiếu, ông Joe Biden đã thắng cử để trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46. Phát biểu sau khi thắng cử, ông Biden kêu gọi đất nước đoàn kết, với lời khẳng định: “Tôi sẽ là Tổng thống của mọi người dân Mỹ, bất kể đó có phải người bầu cho tôi hay không”.

Thực tế sẽ có nhiều vấn đề ông Biden phải giải quyết, hơn thế được kỳ vọng sẽ tạo được sự thay đổi trong nhiệm kỳ của mình. Trong lĩnh vực công nghệ, cũng có rất nhiều cuộc chiến dang dở mà người ta chờ đợi ông Biden xử lý như thế nào.

Quan điểm của ông Joe Biden về các vấn đề công nghệ
Trong lĩnh vực công nghệ, có rất nhiều cuộc chiến dang dở mà người ta sẽ chờ đợi ông Biden xử lý như thế nào.

Về cuộc chiến chống độc quyền

Vấn đề lớn nhất mà các công ty công nghệ phải đối mặt dưới thời ông Joe Biden chắc hẳn sẽ là luật chống độc quyền mới. Điều này có thể được dự báo khi tháng trước, Quốc hội Mỹ với Đảng Dân chủ chiếm đa số đưa ra bản báo cáo chi tiết dài 449 trang về sự lạm dụng quyền lực thị trường của Google, Apple, Amazon và Facebook.

Báo cáo này được tổng hợp bởi một hội đồng của Ủy ban Tư pháp Hạ viện, vạch ra lộ trình để ngăn chặn sự thống trị của các công ty công nghệ khổng lồ. Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời ông Donald Trump cũng đệ đơn kiện Google vào tháng trước, cáo buộc tội độc quyền bất hợp pháp trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến.

Dù vậy, trong khi nhiều nghị sỹ Mỹ thúc đẩy chia tách những công ty công nghệ lớn, ông Biden từng nói rằng còn quá sớm để nói về việc chia tách các công ty, thay vào đó nghiêng về hướng dùng luật định để kiềm chế quyền lực độc quyền.

Tất nhiên, rõ ràng là chính phủ Mỹ đang đặt các công nghệ lớn dưới sự giám sát chặt chẽ hơn. Cái nhìn đối với những công ty ở Thung lũng Silicon đã thay đổi đáng kể so với chỉ vài năm trước, khi Google và Facebook được xem là câu chuyện thành công điển hình của nước Mỹ.

Về trách nhiệm mạng mã hội

Quan điểm của ông Biden về Điều 230 Luật Khuôn khổ Truyền thông của Mỹ cũng là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Trong nhiều thập kỷ qua, Điều 230 đã bảo vệ Google, Facebook, Twitter và những gã khổng lồ công nghệ khác khỏi trách nhiệm pháp lý về nội dung mà người dùng đăng trên nền tảng của họ.

Ông Biden từng thẳng thừng chỉ trích Điều 230. Các thành viên đảng Dân chủ như ông Biden nói rằng, Facebook và các nền tảng khác đang bỏ qua quá dễ dàng khi những kẻ xấu sử dụng nền tảng của họ để phổ biến thông tin sai lệch và thù hận. Trả lời tờ New York Times, ông Biden khẳng định Điều 230 “nên được thu hồi ngay lập tức".

Nếu so sánh, Đảng Cộng hòa có quan điểm khác một chút về Điều 230, khi cáo buộc những mạng xã hội lớn ngăn chặn tư tưởng thủ cựu. Nhìn chung để sửa đổi Điều 230, ông Joe Biden nhiều khả năng sẽ khởi động lại quy trình của Quốc hội.

Về cuộc chiến thương mại

Các thành viên Đảng Dân chủ trong chính quyền Mỹ thường chỉ trích cuộc chiến thuế quan của ông Trump với Trung Quốc. Thuế quan đã ảnh hưởng đến việc nhập khẩu một loạt sản phẩm công nghệ, khi ông Trump thường sử dụng biện pháp này để gây áp lực với chính phủ Trung Quốc.

Mức thuế 15% đối với những sản phẩm như điện thoại, máy tính xách tay và máy tính bảng ở Mỹ hiện đã có hiệu lực từ năm ngoái.

Trên lộ trình tranh cử, cả ông Biden và bà Kamala Harris, ứng cử viên Phó Tổng thống, đều rất ít khi đề cập chi tiết về dự định đàm phán thương mại với Trung Quốc. Thế nhưng, ông Biden từng khẳng định các cuộc đàm phán của Donald Trump đang làm tổn thương người Mỹ, và rằng Mỹ cần quy tắc mới, quy trình mới để điều chỉnh mối quan hệ thương mại với nước ngoài.

Về quyền riêng tư cá nhân

Ông Biden không nói nhiều về quyền riêng tư dữ liệu cá nhân trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, trong những năm làm thượng nghị sỹ và là Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, ông đề xuất và ủng hộ một số đạo luật để giúp FBI và cơ quan thực thi pháp luật dễ dàng giám sát thông tin liên lạc.

Một trường hợp điển hình là đạo luật CALEA, cho phép cơ quan thực thi pháp luật giám sát thông tin liên lạc qua đường điện thoại và qua Internet, bao gồm cuộc gọi thoại trên nền IP.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quan điểm của ông Joe Biden về các vấn đề công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO