Quán ăn dọa hất tô canh vào khách, không đi nhanh ném vỡ kính xe: Chỉ phạt hành chính có quá nhẹ?

11/02/2022 08:07

Theo luật sư, việc chủ quán ăn 'chặt chém' khách du lịch sẽ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; có dấu hiệu của 'hành vi cưỡng đoạt tài sản' và có thể phải đối mặt với mức án 1 đến 10 năm tù.

Ngày 10/2, bà Nguyễn Thị Hồng Hải, Phó chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) cho biết đã chỉ đạo cơ quan chức năng sớm hoàn tất hồ sơ để xử lý vi phạm hành chính và chấn chỉnh hành vi thiếu văn hóa của chủ nhà hàng ở xã Ninh Ích.

Quán ăn dọa hất tô canh vào khách, không đi nhanh ném vỡ kính xe: Chỉ phạt hành chính có quá nhẹ?
Ảnh chụp từ video phản ánh vụ việc chủ quán doạt hất tô canh vào người khách, được khách hàng H.G đăng lên mạng xã hội hôm 8/2.

Sau khi lập đoàn kiểm tra, UBND thị xã Ninh Hòa xác định vụ việc đúng như khách phản ánh. Cơ quan này đã chỉ đạo UBND xã Ninh Ích, các đơn vị liên quan lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi không niêm yết giá dịch vụ, đồng thời chấn chỉnh hành vi thiếu văn hóa phục vụ của nhà hàng.

Trong văn bản gửi đến Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa chiều 9/2, UBND thị xã Ninh Hòa cho hay, vụ việc phát sinh tại một nhà hàng ven quốc lộ 1A, ở dưới chân đèo Rọ Tượng, thuộc địa phận thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa. Nhà hàng này do bà Nguyễn Thị Thu Hương làm chủ, được cấp giấy phép kinh doanh ngày 11/9/2020.

Trước đó, theo chia sẻ của anh H.G, gia đình anh đi ô tô từ Thừa Thiên - Huế vào Nha Trang ngày 6/2 (mùng 6 Tết) và vào nhà hàng C.G để ăn uống. Thấy quán không niêm yết giá món ăn nên gia đình cẩn thận hỏi. Nhân viên nhà hàng tư vấn ăn cơm, giá 50.000 đồng/đĩa, gia đình anh G. gọi 4 đĩa cơm.

Quán dọn cơm lên kèm theo một bát canh cá ngừ. Khi khách ăn xong, quán tính 4 đĩa cơm 200.000 đồng, 3 lon nước 60.000 đồng và bát canh 150.000 đồng.

"Chúng tôi không gọi canh cá, lúc dọn lên cứ nghĩ đây là món nằm trong phần cơm đã gọi. Thực tế gia đình cũng không ăn canh cá vì không hợp khẩu vị và đã ý kiến với chủ quán ngay lúc đó", anh G. phản ánh.

Cũng theo anh G., thay vì nghe anh giải thích, một phụ nữ cầm tô canh đòi hất vào du khách và buông lời thách thức: "Muốn đi thì trả tiền. Không trả tiền đừng hòng đi".

Anh G. cho biết do lo sợ nên trả tiền. "Lúc tôi dừng ô tô trước quán để trấn an các con vì chúng sợ, khóc nhiều thì một người đàn ông cầm cục đá dọa không rời đi ngay sẽ ném vỡ ô tô”, anh G. kể.

Trao đổi với PV Infonet về vụ việc này, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VPLS Tinh Thông Luật) cho biết: “Theo quy định của Luật Giá năm 2012, chỉ một số hàng hóa, dịch vụ nằm trong danh mục Nhà nước ấn định giá, quy định mức giá tối thiểu, tối đa thì tổ chức cá nhân kinh doanh mặt hàng đó phải chấp hành đúng giá hàng hóa, dịch vụ được Nhà nước công bố.

Những hàng hóa, dịch vụ ngoài danh mục, giá do tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh chủ động quyết định. Dù được chủ động xác định giá nhưng các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa có nghĩa vụbắt buộc phải niêm yết giá, bán hàng đúng giá quy định. Mọi hành vi công bố không rõ ràng về niêm yết giá hoặc thu phí dịch vụ cao hơn giá niêm yết đều được xác định là hành vi vi phạm pháp luật hành chính.

Căn cứ khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ), hành vi "Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng" bị phạt  tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Tuy nhiên ngoài việc xử phạt hành chính, cá nhân thực hiện hành vi ép buộc khách hàng phải trả số tiền cao, hoặc ép buộc phải trả tiền có thể xác định có dấu hiệu của hành vi cưỡng đoạt tài sản, được quy định tại Điều170 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Nếu qua quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định có bằng chứng, lời khai, sự thừa nhận của các bên về sự việc khi các thực khách phản đối mức giá cao bất thường, không niêm yết giá, đòi thêm tiền...; khi khách không đồng ý trả tiền, đã có cá nhân hăm dọa hoặc đe họa dùng vũ lực, hoặc có những thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần khiến cho thực khách vì lo sợ cho tính mạng, sức khỏe, tinh thần, buộc phải trả tiền thì hoàn toàn có cơ sở xác định hành vi cưỡng đoạt tài sản".

"Việc "chặt chém" khách du lịch sẽ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nên các cá nhân thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản có thể phải đối mặt với mức án đến 10 năm tù. Do đó, trong mọi trường hợp, người bán nên báo giá, thỏa thuận trước với du khách để tránh "rước họa vào thân" khi gặp phải những du khách không hiểu”, luật sư Diệp Năng Bình nêu quan điểm.

Sông Yên

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quán ăn dọa hất tô canh vào khách, không đi nhanh ném vỡ kính xe: Chỉ phạt hành chính có quá nhẹ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO