Qua những ám ảnh, hoa trái tình người đã trổ sinh

Nguyễn Ngọc*| 01/02/2022 14:00

‘Thật kỳ lạ, đại dịch đã biến một giảng viên thành tài xế siêu hạng, một giám đốc thành nhân viên vận chuyển thuần thục. Những khả năng thích nghi, những năng lực tiềm ẩn mà thường ngày chúng ta vẫn hồ nghi về bản thân bỗng chốc được khai phá mạnh mẽ’.

Gần 2 năm đối diện với sự khó khăn giãn cách, đối mặt với cả sự sống và cái chết từ COVID-19, tôi thấy và thấm nhiều điều. Điều tôi thấy thương và nhớ nhất chính là tình người, chính là cách mọi người giúp đỡ nhau, tương trợ nhau, sẻ chia cùng nhau.

Đợt dịch lần thứ 4 diễn ra ác liệt hơn tất cả những gì các chuyên gia trên thế giới dự đoán. Việt Nam thấm đòn, TP.HCM thấm đòn. Người nghèo là nhóm bị thương tổn nặng nhất. Nhìn dòng người chen nhau nhận cơm từ thiện, chen nhau vượt hàng trăm cây số trên những chiếc xe máy, xe đạp và thậm chí đi bộ để về quê, tôi chảy nước mắt xót xa.

z3152666817193_5757e1c94c1f07f80b6a807d90feb21d.jpg
Thường ngày họ là giám đốc, giảng viên, viên chức...Khi dịch đến họ trở thành những tình nguyện viên trên tuyến đầu.

Không phải người nổi tiếng, cũng chẳng phải giàu có dư giả để có thể rộng vòng tay san sẻ. Cảm giác nghèn nghẹn cứ dâng lên vì muốn giúp bà con mà lực kém tài hèn, lần lựa, e ngại. Nhưng, rồi khi thấy bà con khổ quá, không biết bám víu vào đâu, tôi đã can đảm thử.

Đầu tiên tôi mở một “sạp quần áo yêu thương” của mình, để lại giá rẻ. Số tiền mọi người mua áo váy của mình, tôi chuyển thành gạo gửi bà con nghèo. Không ngờ tôi được bạn bè ủng hộ tới tấp. Tôi có bài học đầu tiên về sự can đảm, khả năng thích nghi giữa đời sống đầy thách thức như thế. Như người ta hay nói, thay vì ngồi than thở và ngẫm nghĩ, hãy bắt tay vào làm.

z3152667083007_87df3fa5fc4efd23fd49a53e34adf9ba.jpg
Tình nguyện viên chở bình oxy đến một hộ dân có bệnh nhân COVID-19.

Khi số lượng F0 vượt ngưỡng, bệnh viện dã chiến mở liên tục, nghe tin bạn bè mình báo về các y bác sĩ đang nhờ cậy người dân. Y tế thiếu thốn, thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ và thiếu cả nước uống. Trăn trở, loay hoay, tôi lại mạnh dạn kêu gọi người thân quen, bạn bè chung sức chung lòng. Và tôi lại được trời thương, cho tôi phúc phận làm cánh tay nối dài, đưa nước tới các bệnh viện dã chiến, trung tâm y tế tiếp sức cho y bác sĩ.

Số tiền ngày một tăng, số người dành sự tin tưởng cho tôi ngày một lớn, có người tôi còn chưa được gặp, được trò chuyện vậy mà họ tin tưởng tôi đến thế kia. Tôi còn nhận được sự ủng hộ của những em bé ở New Zealand xa xôi, gửi tiền tiết kiệm về Việt Nam cho tôi mua nước uống, khẩu trang cho y bác sĩ. Mọi người đã sống chân thành và dạy tôi phải sống chân thành và sẻ chia hơn.

z3152668313526_aaaaaf015c7f643d0551d3af7bb54b2c.jpg
Nhóm thiện nguyện vận chuyển hàng hóa đến điểm tiếp nhận trong mùa dịch COVID-19.

Qua bạn bè, tôi biết một nhóm thiện nguyện lớn, chuyên khám chữa bệnh từ xa cho các F0. Tôi mở lời xin tham gia. Lúc đầu nhóm hơn 100 người, cùng làm việc, cùng chia sẻ, cùng góp sức để giúp bà con F0. Nhóm phát thuốc, phát máy SPO2, phát oxy miễn phí cho bà con khắp nơi. Nhóm cũng đem lại chỗ dựa cho bà con nhiễm bệnh, có một chỗ tựa để nương nhờ lúc khó khăn. Nhiệm vụ của tôi là điều phối vận chuyển, trực tiếp làm việc với các tài xế trong nhóm. Các anh là giám đốc, là giảng viên của các viện nghiên cứu, các trường đại học. Dịch đến, tất cả gác hết ngại ngùng, sợ hãi để khoác lên mình đồ bảo hộ, ôm con xe của mình lao ra đường. Hành trang mang theo ngoài trái tim là những thuốc, bình oxy, máy thở…cho các F0 đang nguy hiểm.

Ở vị trí điều phối, tôi nghe thấy những sợ hãi và khẩn khoản của người dân và nhìn thấy những nhọc nhằn quên mình của các anh chị tình nguyện viên trong nhóm.

Có anh đi cả ngày về, say nắng, trúng mưa, đêm tưởng như gục ngã vậy mà 6 giờ sáng hôm sau nhận điện thoại của tôi lại mạnh mẽ mặc bộ đồ bảo hộ tiếp tục những đơn hàng. Có anh giám đốc đang ngồi họp cùng nhân viên, nghe tôi gọi báo có F0 gần đấy đang nguy kịch cần máy SPO2, vội vàng xin lỗi nhân viên, dừng cuộc họp để lên đường. Có anh sau khi đi hơn 20 đơn từ sáng tới sẩm tối, đói bụng vừa về nhà đang xào vội ít rau ăn cơm thì lại nghe đơn gấp, lại tắt bếp và rồ ga chạy tiếp cho kịp.

z3152668162372_68ba47f7aa9131f1f144650d72e0c1af(1).jpg
Hỗ trợ máy thở cho một hộ dân tại Quận Bình Thạnh.

Đường phố TP. HCM những ngày đỉnh dịch như một pháo đài khổng lồ, dây giăng, hàng rào khắp lối. Có khi không vào được, các anh bỏ cả xe, chạy bộ hơn cây số để kịp đưa thuốc,sữa, quần áo, lương thực…

Ở thời điểm ai cũng sợ bước ra khỏi nhà, thì họ lại lao ra đường không chút đắn đo. Nếu không phải vì tình người trong hoạn nạn thì là gì? Tôi thầm cảm phục gia đình các anh, ba mẹ, vợ con các anh đã để các anh lao ra giữa những tháng ngày nguy hiểm dù trời nắng cháy da hay mưa đầm đìa. Tôi lại thấy mình được lớn lên trong khi được chung tay giúp bà con lúc nguy nan.

Thật kỳ lạ, đại dịch đã biến một giảng viên thành tài xế siêu hạng, một giám đốc thành nhân viên vận chuyển thuần thục. Những khả năng thích nghi, những năng lực tiềm ẩn mà thường ngày chúng ta vẫn hồ nghi về bản thân bỗng chốc được khai phá mạnh mẽ. Những cá nhân xa lạ được nối bền chặt với nhau nhờ sợi dây liên đới tình thương mà tất cả đều là chứng nhân thời cuộc hoặc dự phần vào biến cố.

Qua những tháng ngày nặng nề, ngày Tết ngồi nhìn lại những trải nghiệm, thấy quý giá những giây phút sum vầy. Từ những ám ảnh, hoa trái tình người đã trổ sinh.

* ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Giảng viên trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) một trong các tình nguyện viên tham gia hỗ trợ, điều phối nhóm thiện nguyện trong mùa dịch tại TP. HCM.

Bài liên quan
  • Độc đáo hạt kơ nia trên cao nguyên
    Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, đồng bào Jrai ở huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai lại vào rừng nhặt hạt kơ nia bán cho thương lái, kiếm thêm thu nhập.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Qua những ám ảnh, hoa trái tình người đã trổ sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO