Quả bóng vàng Benzema, cuộc chia ly Ronaldo và chuyện chiếc vali của Messi

29/12/2022 07:20

Năm 2022 dần khép lại với đong đầy cảm xúc đối với bóng đá thế giới. Từ Quả bóng vàng cho Benzema, hiện tượng Haaland, cuộc chia ly Cristiano Ronaldo và câu chuyện về chiếc vali của Messi.

Bóng đá thế giới năm 2022, vô tình và hữu ý, được chia làm hai nửa. Nửa đầu dành cho cấp CLB. Nửa sau mọi sự chú ý đổ dồn vào cấp đội tuyển quốc gia, khi ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, vòng chung kết World Cup 2022 diễn ra trên đất Qatar.

Gọi là vô tình và hữu ý bởi việc xếp đặt lịch thi đấu trong năm 2022 hoàn toàn do thời tiết. Để tránh sự khắc nghiệt của khí hậu nóng bức tại Qatar, ban tổ chức quyết định dời thời điểm tổ chức World Cup 2022 sang tháng 11.

Điều chỉnh này gây ra sự xáo trộn lớn cho các giải đấu cấp CLB, đặc biệt là những giải đấu hàng đầu châu Âu. Theo thông lệ, giải bóng đá lớn nhất hành tinh luôn được tổ chức vào mùa hè, từ khoảng tháng 6 đến tháng 7, đúng vào giai đoạn nghỉ giữa hai mùa giải của các giải đấu lớn tại châu Âu.

Việc World Cup diễn ra vào mùa Đông khiến các giải đấu như Champions League, Ngoại hạng Anh, La Liga hay Bundesliga phải kết thúc sớm mùa giải 2021/22 cũng như khai mạc sớm mùa giải 2022/23 để dành ra 2 tháng nghỉ cho giải vô địch bóng đá thế giới.

Vì vậy, vô tình và hữu ý, từ đầu năm cho đến tháng 10, các trận đấu cấp CLB diễn ra cấp tập trên mọi đấu trường. Cuối tháng Năm đã diễn ra trận chung kết Champions League. Đầu tháng 8, đồng loạt các giải vô địch quốc gia (VĐQG) hàng đầu châu Âu đã khởi tranh thay vì cuối tháng như thông lệ. Đến đầu tháng 11, các giải VĐQG tạm nghỉ để các đội tuyển quốc gia (ĐTQG) tập trung cho World Cup, giải đấu diễn ra đầy sôi động và cảm xúc trong 2 tháng qua.

Quả bóng vàng Benzema, cuộc chia ly Ronaldo và chuyện chiếc vali của Messi - 1

Với cấp CLB, Champions League là đấu trường danh giá nhất. Tại Champions League, Real Madrid là đội bóng thành công nhất. Tính đến hiện tại, đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha đã 14 lần đăng quang, gấp đôi đội xếp thứ hai AC Milan (7 lần).

Tính trong kỷ nguyên hiện đại, từ khi phiên bản mang tên Champions League ra đời, đồng nghĩa loại bỏ thành tích 5 lần vô địch C1 liên tiếp ở 5 lần tổ chức đầu tiên, Real Madrid vẫn là đội thành công nhất, với 8 chiếc cúp tai voi. Đội giàu thành tích thứ hai là Barcelona. Đại kình địch của đội chủ sân Santiago Bernabeu, với may mắn sở hữu Lionel Messi suốt hơn một thập niên, cũng chỉ có 4 lần đăng quang, vẫn bằng phân nửa Real Madrid.

Quả bóng vàng Benzema, cuộc chia ly Ronaldo và chuyện chiếc vali của Messi - 3

Không chỉ vậy, nếu việc bảo vệ thành công chức vô địch Champions League vẫn là lời nguyền ám ảnh phần còn lại của châu Âu suốt 30 năm kể từ khi thể thức này ra đời, đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha lại làm nên chiến tích kỳ vĩ vô tiền khoáng hậu là đăng quang 3 mùa giải liên tiếp.

Thành công của Real Madrid càng khó để lý giải hơn khi đội bóng này không phải lúc nào cũng giàu mạnh và quy tụ nhiều ngôi sao nhất châu Âu, đặc biệt từ khi dòng đầu tư petrodollar chảy cuồn cuồn vào bóng đá, hình thành nên những trọc phú như Chelsea, Man City hay PSG. Real Madrid cũng không duy trì được cấu trúc đội hình ổn định suốt thời gian dài như Liverpool hay Bayern Munich. Và Real Madrid càng không có được thế hệ cây nhà lá vườn kiệt xuất và thấm đẫm triết lý như Barca.

Bởi vậy, giữa Champions League và Real Madrid xuất hiện sợi dây liên kết vô hình. Đề cập đến giải đấu danh giá nhất châu Âu đồng nghĩa đề cập đến đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha. Hay ví von một cách trừu tượng, Real Madrid là hiện thân cho bản lĩnh đế vương ở Champions League.

Quả bóng vàng Benzema, cuộc chia ly Ronaldo và chuyện chiếc vali của Messi - 5

Bản lĩnh ấy được thể hiện rõ nét và sống động nhất tại vòng đấu loại trực tiếp Champions League 2021/22. Suốt hành trình đến chức vô địch, đội bóng áo trắng lần lượt vượt qua những đối thủ nặng ký nhất.

Tại vòng 1/8, Real Madrid đánh bại trọc phú PSG với bộ ba Lionel Messi, Kylian Mbappe và Neymar. Đến vòng tứ kết, đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha vượt qua đương kim vô địch (ĐKVĐ) Chelsea. Ở bán kết, thầy trò Carlo Ancelotti lại khiến giấc mơ vô địch châu Âu của Man City và thầy trò Pep Guardiola thêm một lần khắc khoải. Và trong trận chung kết, ông vua của đấu trường Champions League tiếp tục quật ngã Liverpool hùng mạnh của HLV Juergen Klopp.

Điều đáng nói, những chiến thắng của Real Madrid đều diễn ra với kịch bản rượt đuổi tỷ số nghẹt thở. Dù bị PSG dẫn 2-0 cho đến tận phút 60 trận lượt về, để cho Chelsea ngược dòng gỡ hòa 4-4 trong thế đã dẫn 3-1 sau lượt đi, hay bị Man City dẫn trước đến phút thi đấu chính thức cuối cùng, bằng cách nào đó, đội bóng Hoàng gia vẫn vượt qua cường địch trong đường tơ kẽ tóc, hay ví von hình ảnh là phiêu lưu như người đi trên dây.

Trong hành trình đăng quang giàu cảm xúc của Real Madrid, Karim Benzema in đậm dấu ấn với 15 bàn thắng và vô vàn khoảnh khắc bùng nổ. Từ chỗ là kép phụ của Cristiano Ronaldo và bị đánh giá thấp về tài năng, Benzema rũ bùn đứng dậy sáng lòa để trở thành hiện thân của bản lĩnh Real Madrid tại Champions League.

Quả bóng vàng Benzema, cuộc chia ly Ronaldo và chuyện chiếc vali của Messi - 7

Khi nhắc đến những "số 9" hàng đầu thế giới trong thập niên vừa qua, không ai nhớ đến Benzema. Phát biểu bỉ bôi tiền đạo người Pháp như chú mèo lười của HLV Mourinho như thể "bia tạc, đá ghi", vẽ nên hình ảnh về một tiền đạo biếng nhác, lề mề như chú mèo ú trong hình dung của người hâm mộ.

Nhưng thực tế, Benzema tồn tại lâu hơn bất cứ Galactico hay "số 9" nào cùng thời. Anh là chú mèo nhưng là chú mèo uyển chuyển, mềm mại và tinh khôn. Bằng chứng không chỉ là chức vô địch Champions League với Real Madrid mà còn cả danh hiệu Quả bóng vàng cao quý. Sau cùng, Benzema là tấm gương cho sự kiên trì. Nếu có chân tài ắt sẽ thành công.

Quả bóng vàng Benzema, cuộc chia ly Ronaldo và chuyện chiếc vali của Messi - 9

Nếu nửa cuối mùa giải 2021/22 chứng kiến sự thống trị của Karim Benzema và Real Madrid thì giai đoạn đầu mùa giải 2022/23, hai đề tài được bàn tán sôi nổi nhất là hiện tượng Erling Haaland và cuộc chia ly cay đắng của Cristiano Ronaldo.

Câu hỏi được giới quan sát đặt ra nhiều nhất là làm cách nào để ngăn chặn Haaland. Cầu thủ này ghi bàn như máy, dễ như người ta thò tay lấy đồ trong túi. Sau 13 trận tại Ngoại hạng Anh, tân binh của Man City ghi 18 bàn thắng. Đó là hiệu suất khủng khiếp chưa từng thấy tại đấu trường khắc nghiệt nhất hành tinh. Vì vậy, đối với tiền đạo người Na Uy, nhiệm vụ không phải là ra sân ghi bàn mà là ra sân và ghi bao nhiêu bàn.

Hiện tượng kỳ vĩ Haaland xuất hiện trên bầu trời bóng đá Anh do nhiều yếu tố. Tuy nhiên, yếu tố trước nhất là thiên chất. Thừa hưởng dòng máu của người Bắc Âu, tiền đạo này to lớn, vạm vỡ như một chiến binh Viking huyền thoại. Tuy nhiên, nhờ mã gen thể thao từ bố và mẹ, vốn đều là VĐV chuyên nghiệp, cộng thêm sự khổ luyện ngay từ thuở nhỏ, Haaland sở hữu cơ bụng như C.Ronaldo, cơ mông của Hazard và cơ bắp chân như Grealish, những nhóm cơ quan trọng nhất để xử lý bóng, bật nhảy hay tăng tốc.

Quả bóng vàng Benzema, cuộc chia ly Ronaldo và chuyện chiếc vali của Messi - 11

Không chỉ vậy, tiền đạo này cực kỳ nhạy bén khi đánh hơi cơ hội, thế nên cứ mỗi khi ập vào vòng cấm địa, Haaland đều khiến khung thành đối phương chao đảo. Và cuối cùng, một chân sút toàn diện như vậy đã trở thành mảnh ghép hoàn hảo cho hệ thống tinh kỳ và biến hóa mà HLV Pep Guardiola gầy dựng bao nhiêu năm qua ở Man City.

Bên cạnh sự vươn lên mạnh mẽ của Haaland là sự sa sút và kết thúc trong chia ly của C.Ronaldo, cỗ máy săn bàn số một hành tinh trong những năm đầu thế kỷ 21. CR7 đã ghi hơn 800 bàn thắng trong cả sự nghiệp. Anh là chân sút số một trong lịch sử Real Madrid và đội tuyển Bồ Đào Nha. Mùa trước, anh cũng là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho Man Utd.

Tuy nhiên, C.Ronaldo đã 37 tuổi. Những bàn thắng của anh kéo cả đoàn tàu Quỷ đỏ đang rệu rã hay khiến đoàn tàu Quỷ đỏ thêm rệu rã là vấn đề gây tranh cãi. Ronaldo đã không còn sung mãn và dẻo dai như trước. Cho dù vẫn là tay săn bàn lợi hại nhưng sự hiện diện của lão tướng người Bồ Đào Nha khiến toàn đội khó áp dụng chiến thuật ngày càng đòi hỏi cường độ cao, cả trong tấn công lẫn phòng ngự.

Ole Gunnar Solskjaer và Ralf Rangnick không dám hoặc không đủ năng lực cải tổ và phải phụ thuộc vào C.Ronaldo. Erik Ten Hag, tân HLV của Man Utd lại khác. Vị chiến lược gia người Hà Lan mạnh dạn gạt siêu sao người Bồ Đào Nha ra khỏi đội hình chính để trao cơ hội và đồng thời xây dựng đội hình trẻ trung, giàu tính chiến đấu hơn.

Quả bóng vàng Benzema, cuộc chia ly Ronaldo và chuyện chiếc vali của Messi - 13

Kết quả là Man Utd dần trở lại với quỹ đạo chiến thắng còn C.Ronaldo tuyên bố ra đi. Ý chí chiến thắng và khát khao chinh phục đã đưa CR7 vươn tới đỉnh cao và tranh đua với kỳ phùng địch thủ Messi trong suốt nhiều năm. Tuy nhiên, cũng chính khí khái bá vương ấy khiến Ronaldo không chấp nhận lùi lại phía sau.

Anh luôn muốn mình là số một và cảm thấy bị phản bội khi không còn là số một. Rốt cuộc là một cuộc chia ly đầy bê bối và tranh cãi với đội bóng anh từng là thần tượng. Một sự nghiệp vĩ đại đang dần khép lại trong tiếc nuối như vậy.

Haaland sẽ là một trong những gương mặt tiếp nối C.Ronaldo tung hoành trên khắp sân cỏ và lập nên những chiến công kỳ vĩ. Tiền đạo người Na Uy cũng chịu nhiều ảnh hưởng của lão tướng người Bồ Đào Nha từ lối chơi, cách sinh hoạt cho đến ý chí luôn muốn khẳng định bản thân "là số một". Tuy nhiên, cuộc chia ly cay đắng của Ronaldo cũng là bài học để Haaland, Mbappe hay bất cứ tài năng nào khác phải biết kiềm chế sự hãnh tiến.

Quả bóng vàng Benzema, cuộc chia ly Ronaldo và chuyện chiếc vali của Messi - 15

World Cup 2022 khởi tranh bằng bức ảnh gây sốt giữa Cristiano Ronaldo và Lionel Messi, cả hai ngồi đánh cờ với chiếc bàn là chiếc vali. Bức ảnh ghép này báo hiệu trận chiến cuối cùng phân định cao thấp giữa hai siêu sao đã thống trị bóng đá thế giới suốt hơn chục năm qua.

Sự tranh đua của đôi bên tạo nên một kỷ nguyên vô tiền khoáng hậu trong lịch sử bóng đá. Nếu như thế hệ Di Stefano vào thập niên 1950, không ai xuất chúng như Mũi tên bạch kim, thế hệ Pele thập niên 1960, không ai vĩ đại bằng Vua bóng đá, thế hệ Cruyff thập niên 1970, không ai tài năng như Thánh Johan, thế hệ Maradona thập niên 1980 là những câu chuyện xoay quanh Cậu bé vàng của bóng đá Argentina, thì thập kỷ vừa qua, C.Ronaldo và Messi tranh đua khốc liệt trong mọi góc cạnh đỉnh cao của bóng đá thế giới.

Quả bóng vàng Benzema, cuộc chia ly Ronaldo và chuyện chiếc vali của Messi - 18

Từ danh hiệu cá nhân đến tập thể, từ kỷ lục ghi bàn đến thành tích thi đấu, nếu không C.Ronaldo sẽ là Messi chiếm trọn hào quang. Không những vậy, cả hai còn tạo ra sự đối lập từ cá tính đến phong cách. C.Ronaldo ý chí và hào nhoáng. Messi tài năng và giản dị. C.Ronaldo nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn trong từng pha bóng. Messi phi phàm ở mọi tình huống xử lý. C.Ronaldo ngạo nghễ đảo chân như rang lạc. Messi dắt bóng nhịp nhàng như điệu tango.

Suốt hơn 100 năm lịch sử bóng đá, chưa từng chứng kiến cuộc ganh đua nào kỳ vĩ đến như vậy. Đó là may mắn cho thế hệ tín đồ túc cầu giáo được chứng kiến hai siêu sao này thi đấu.

Kết quả cuối cùng đã có. C.Ronaldo chia tay World Cup trong những giọt nước mắt tức tưởi. Giống như tại Man Utd, tuổi tác khiến anh không còn giữ được vị trí đá chính. Hành động cố đòi bàn thắng trong trận gặp Uruguay là minh chứng cho một CR7 cố bấu víu lấy hào quang quá vãng nhưng bất thành. Một lần nữa, anh lại chia tay trong cay đắng. Cái kết buồn cho một siêu sao đã vươn tới tầm vóc vĩ đại ngoài sức tưởng tượng của người thường.

Trong khi đó, bằng những khoảnh khắc lóe sáng diệu vợi, Messi dẫn dắt Argentina đến chức vô địch World Cup, vinh quang mà đất nước này đã mòn mỏi đợi chờ suốt 36 năm.

Trong lần cuối cùng tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, La Pulga vẫn tài năng như thế. Anh sút tung lưới Mexico hay Australia bằng những cú dứt điểm điệu nghệ. Anh xé toang hàng thủ Hà Lan bằng pha chọc khe sắc như dao cạo. Anh biến trung vệ trẻ Gvardiol được đánh giá hay nhất World Cup trở thành kẻ học việc không hơn không kém. Và anh lập cú đúp trong trận chung kết với đội tuyển Pháp.

Quả bóng vàng Benzema, cuộc chia ly Ronaldo và chuyện chiếc vali của Messi - 20

10/15 bàn thắng của Argentina trên hành trình vô địch in dấu giày Messi, đưa anh sánh ngang tiền bối Maradona về khả năng phủ cái bóng lên giải vô địch bóng đá thế giới. Không những vậy, Messi bản lĩnh và gai góc hơn. Đồng đội của Messi cũng giàu tính chiến đấu và chấp nhận hy sinh nhiều hơn vì người đội trưởng. Chê Messi kém bản lĩnh, chỉ trích Messi không có phẩm chất thủ lĩnh, mọi dè bỉu nhắm vào siêu sao người Argentina đều bị xua tan sau World Cup 2022.

Tuy nhiên, lời chỉ trích khiến Messi đau đơn nhất trong suốt sự nghiệp lại đến từ quê nhà.

Trái tim lạnh lẽo

Mày chỉ quan tâm đến tiền

Ở đó

Mày không cảm nhận được chiếc áo

Mày là người Galicia, không phải người Argentina

Nếu mày từng bỏ cuộc, hãy suy nghĩ lại đi

Tên lính đánh thuê…

Những người Argentina từng hát như vậy về Messi, khi anh gặt hái hết thành công này đến thành công khác cùng Barcelona nhưng luôn thất bại ở Albiceleste. Sự phỉ báng càng ghê rợn hơn khi Mateo, cậu con trai của Messi từng thốt lên: "Bố ơi, tại sao ở Argentina người ta đòi giết bố?". Câu hỏi ngây thơ của con trẻ như ngàn vạn mũi dao cứa vào trái tim Messi và những người yêu mến tài năng và nhân cách của ngôi sao này; đặc biệt là những người con xa xứ đã rời Argentina vào những năm đầu thập niên 2000 giống như La Pulga.

Nhà văn Hernan Casciari là một trong số đó. Ông đã chứng kiến cả hành trình sự nghiệp của Messi từ khi gia nhập La Masia cho đến ngày hôm nay.

Theo Casciari, người Argentina chia làm hai dạng. Dạng thứ nhất là những người lập tức cất vali hành lý mang từ quê nhà và hòa nhập rất nhanh với cuộc sống mới ở Tây Ban Nha. Dạng thứ hai, giống như Messi, những người vĩnh viễn không cất vali để hai tiếng quê hương luôn hiện hữu.

Dù sinh sống ở Catalonia gần 20 năm qua, Messi vẫn duy trì thói quen uống trà matea và phát âm theo phương ngữ quê nhà, được gọi là yeismo.

Quả bóng vàng Benzema, cuộc chia ly Ronaldo và chuyện chiếc vali của Messi - 22

"Những người Argentina di cư chúng tôi khoái kiểu giảo hoạt lang băm hơn, nhưng có điều rất hay: khi nói một câu dài, nối từ xâu chuỗi của Messi là chữ S (phát âm: eses), và nói ful thay vì falta (phạm lỗi). Chúng tôi nhẹ nhõm phát hiện ra rằng thằng nhóc ấy giống chúng tôi, những người không chịu cất vali", Casciari viết.

Messi chưa bao giờ chối bỏ quê hương. Trong suy nghĩ của siêu sao người Argentina chưa hề mảy may tính chuyện khoác áo đội tuyển Tây Ban Nha. Thế vận hội 2008, anh cãi lời Ban lãnh đạo Barca để cùng Olympic Argentina giành tấm huy chương vàng. Anh bật khóc đau đớn vì nhiều năm liền không thể chinh phục danh hiệu cùng Albiceleste. Anh cố gắng, anh nỗ lực, anh nôn khan trên sân vì sắc màu xanh trắng.

Messi cũng từng rút lại tuyên bố từ giã ĐTQG vốn được đưa ra lúc tuyệt vọng nhất để những cậu bé thần tượng anh, như Enzo Fernandez, không phải tin rằng buông bỏ là một lựa chọn.

Hàng năm, dù giữa mùa giải khốc liệt tại châu Âu, Messi đều trở về quê nhà Rosario đón Giáng sinh bên gia đình, người thân và làng xóm. Năm nay, không phải ngoại lệ. Chỉ khác là trong vali, anh mang về cho quê hương chiếc cúp vô địch thế giới.

Nội dung: Khải Hưng

Thiết kế: Tuấn Huy

29/12/2022

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quả bóng vàng Benzema, cuộc chia ly Ronaldo và chuyện chiếc vali của Messi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO