Quân sự thế giới hôm nay (9-12): Hệ thống tên lửa phòng không Buk-M3 đánh chặn máy bay chiến đấu tàng hình

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:45, 09/12/2024

Quân sự thế giới hôm nay (9-12) có những nội dung sau: Hệ thống tên lửa phòng không Buk-M3 có thể đánh chặn máy bay chiến đấu tàng hình; Ba Lan phóng thành công tên lửa dẫn đường CGR-080 từ Homar-K; Thổ Nhĩ Kỳ đóng tàu tác chiến ven biển cho Hải quân Malaysia.

* Hệ thống tên lửa phòng không Buk-M3 có thể đánh chặn máy bay chiến đấu tàng hình?

Công ty Quốc phòng Nhà nước Nga Rosoboronexport mới đây công bố rằng hệ thống tên lửa phòng không Buk mới nhất của Nga Buk-M3, còn được gọi là Viking, định danh NATO: SA-27 Gullum, có khả năng đánh chặn nhiều mối đe dọa tiên tiến bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình như F-35 và F-22 Raptor, tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình, thiết bị bay không người lái và các loại vũ khí có độ chính xác cao.

Một trong những tính năng nổi bật của Buk-M3 là phạm vi bắn mở rộng, cho phép nhắm mục tiêu và đánh chặn nhiều mối đe dọa trên không. Hệ thống có thể tấn công các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên đến 65km hay đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật ở phạm vi lên đến 50km. Đáng chú ý, Buk-M3 có thể tấn công mục tiêu trên một phổ thẳng đứng rộng, từ thấp 10m đến cao 25km. Điều này cho thấy Buk-M3 là khí tài phòng không cực kỳ linh hoạt.

Hệ thống tên lửa phòng không Buk-M3 của Nga có thể đánh chặn các mối đe dọa tiên tiến, bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình, tên lửa đạn đạo, với tầm bắn lên tới 65km. Ảnh: Vitaly Kuzmin 
Đáng chú ý, các bệ phóng di động của Buk-M3 có thể mang theo và phóng đồng thời 12 tên lửa vào các mục tiêu khác nhau. Ảnh: armyrecognition.com 

Buk-M3 được trang bị hệ thống radar đa chức năng tiên tiến có thể theo dõi đồng thời hơn 100 mục tiêu trên không và phóng đồng thời 12 tên lửa tới các mục tiêu tương ứng, cho phép nó đối phó với nhiều mối đe dọa trong một lần giao tranh. Hệ thống radar đặc biệt đáng chú ý bởi khả năng phát hiện và theo dõi máy bay tàng hình. Radar băng tần X được tích hợp vào Buk-M3 có thể lọc nhiễu và xác định chính xác các mục tiêu có tiết diện phản xạ radar thấp (RCS).

Về khả năng tên lửa, Buk-M3 sử dụng tên lửa 9M317M nâng cấp, có hệ thống đẩy 2 tầng mạnh mẽ và đầu dò radar. Tên lửa này có thể đạt tốc độ cao và cơ động để đánh chặn các mục tiêu di chuyển nhanh, như tên lửa đạn đạo và các mối đe dọa siêu vượt âm.

Về khả năng cơ động và triển khai, Buk-M3 được đặt trên khung gầm bánh xích, giúp dễ dàng cơ động trên nhiều địa hình khác nhau, bao gồm cả môi trường gồ ghề và địa hình hiểm trở. Tính cơ động này cho phép hệ thống định vị lại nhanh chóng, cung cấp phạm vi phủ sóng linh hoạt và khiến đối phương khó nhắm mục tiêu hơn. Ngoài ra, cấu trúc mô-đun giúp hệ thống tích hợp với các hệ thống phòng không khác, như S-300 và S-400, tạo ra mạng lưới phòng không đa tầng. Đáng chú ý, các bệ phóng di động của hệ thống có thể mang theo và phóng đồng thời vào các mục tiêu khác nhau.

* Homar-K phóng thành công tên lửa dẫn đường CGR-080

Ba Lan đã đạt được bước tiến đột phá trong quá trình hiện đại hóa quốc phòng bằng vụ phóng thành công tên lửa dẫn đường CGR-080 từ hệ thống phóng loạt Homar-K.

Hệ thống phóng loạt Homar-K của Ba Lan đã bắn thành công tên lửa dẫn đường CGR-080. Ảnh: Haku Mason, tài khoản X 

Hệ thống phóng loạt Homar-K là phiên bản cải tiến của Ba Lan từ hệ thống K239 Chunmoo của Hàn Quốc. Homar-K được lắp trên khung gầm Jelcz 8x8. Kết hợp công nghệ Hàn Quốc với kỹ thuật Ba Lan, Homar-K được thiết kế để có khả năng cơ động, khả năng sống sót và tính linh hoạt trong nhiều tình huống chiến đấu khác nhau. Cấu hình mô-đun của hệ thống cho phép bắn nhiều loại đạn.  Ngoài CGR-080, hệ thống có thể triển khai tên lửa dẫn đường CTM-MR, có tầm bắn 50-160km và có đầu đạn xuyên phá phân mảnh để tấn công các vị trí kiên cố và cơ sở hạ tầng có giá trị cao. Hệ thống cũng có khả năng bắn tên lửa dẫn đường CTM-290, tầm bắn 80-290km và được trang bị đầu đạn nổ phân mảnh để vô hiệu hóa các mục tiêu chiến lược như trung tâm chỉ huy và kho tiếp tế. Hơn nữa, hệ thống hỗ trợ tên lửa dẫn đường chống hạm, tấn công các mục tiêu trên biển ở tầm bắn 50-160km.

CGR-080 là tên lửa dẫn đường sử dụng công nghệ định vị toàn cầu/ dẫn đường quán tính (GPS/INS) tiên tiến để tấn công chính xác mục tiêu, giảm thiểu lãng phí đạn và giảm nguy cơ thiệt hại tài sản. Độ chính xác này rất quan trọng ở các khu vực đô thị hoặc đông dân cư, nơi độ chính xác có thể tạo nên sự khác biệt giữa thành công của nhiệm vụ và thất bại về mặt chiến lược. Với tầm bắn 30-80km và xác suất lỗi vòng tròn chỉ 15m, CGR-080 cung cấp đầu đạn nổ mạnh có khả năng vô hiệu hóa hiệu quả các mục tiêu nhân sự, xe bọc thép hạng nhẹ và cơ sở hạ tầng.

* Thổ Nhĩ Kỳ đóng tàu tác chiến ven biển cho Hải quân Malaysia

Lễ cắt thép cho dự án Tàu tác chiến ven biển lô 2 (LMSB2) của Hải quân Hoàng gia Malaysia (TLDM) vừa mới được tổ chức tại Xưởng đóng tàu Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Dự án LMSB2, tàu sẽ được đóng theo thiết kế tàu hộ tống lớp ADA. STM là nhà thầu chính cho dự án.

Mô hình thu nhỏ của Tàu tác chiến ven biển lô 2 tại gian hàng của Hải quân Hoàng gia Malaysia tại Triển lãm và Hội nghị Dịch vụ quốc phòng châu Á lần thứ 18 (DSA 2024), Malaysia. Ảnh: Naval News 

Tàu Tàu tác chiến ven biển lô 2 được thiết kế với khả năng tác chiến đa chiều, bao gồm tác chiến chống tàu nổi (ASuW), tác chiến phòng không (AAW) và tác chiến điện tử (EW). Tàu sẽ được trang bị hệ thống vũ khí tiên tiến và cảm biến công nghệ cao để hỗ trợ các hoạt động hàng hải và bảo vệ lợi ích hàng hải của Malaysia.

Về thông số kỹ thuật, tàu dài 99,56m, rộng 14,42m, lượng giãn nước 2.500 tấn, độ mớn nước 3,9m, được trang bị 1 tua-bin khí GE LM2500 và 2 động cơ diesel. Về vũ khí, tàu được trang bị 1 pháo 76mm, 2 trạm vũ khí điều khiển từ xa STAMP 12,7mm, hệ thống tên lửa phòng không Haegung SAM, hệ thống pháo tự động cận chiến nòng kép 35mm Gökdeniz.

Việc đóng tàu dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2027 và sẽ được bàn giao ngay sau đó.

MAI HƯƠNG(tổng hợp)