Vì sao dân mạng bị thu hút bởi những blogger kể chuyện đồng quê như Lê Tuấn Khang?
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 11:28, 06/12/2024
Trong nhịp sống hối hả và áp lực của hiện đại, ngày càng nhiều người tìm đến những nội dung số dung dị, chân thực để tìm kiếm sự an ủi và chữa lành tâm hồn. Các nhà sáng tạo nội dung số như Lê Tuấn Khang, Út về vườn, hay Hana Ban Mê... đã trở thành những TikToker điển hình cho một xu hướng sáng tạo nội dung độc đáo, đưa người xem trở về với những ký ức bình dị và yên ả của miền quê.
Không kỹ xảo phức tạp, nội dung của những nhà sáng tạo này được xây dựng từ những câu chuyện đời thường gắn bó với làng quê Việt Nam như hình ảnh cánh đồng, bữa cơm nhà, đặc sản vùng quê... đều làm nên sức hút mạnh mẽ.
TikToker Lê Tuấn Khang là một trong những gương mặt "gây sốt" trong thời gian gần đây với 11,8 triệu người theo dõi (tính tới ngày 5/12), trong đó có video hơn 380 triệu lượt xem. Trước đó, Khang cũng nhận giải TikTok Awards Vietnam 2024 (ngày 24/11).
TikToker đến từ Sóc Trăng đã chia sẻ, mục đích của anh là muốn lan tỏa, san sẻ những thứ mộng mơ, năng lượng tích cực đến với mọi người. Vì vậy, nội dung sáng tạo trên kênh của Khang xoay quanh cuộc sống giản dị thôn quê như chính anh chàng miêu tả trên kênh cá nhân là "cuộc sống ở quê em, yên bình và giản dị", xen lẫn sự hài hước, chất phác có "chút đời". Một số nội dung của Khang đã ngay lập tức lên top xu hướng, top tìm kiếm trên mạng như đi ăn "đám giỗ bên cồn"...
TikToker Lê Tuấn Khang là một trong những gương mặt "gây sốt" thời gian gần đây với 11,8 triệu người theo dõi (tính tới ngày 5/12), trong đó có video hơn 380 triệu lượt xem. |
Tương tự, ở Trung Quốc, từ vài năm nay, Lý Tử Thất đã trở thành gương mặt có sức ảnh hưởng với giới trẻ, nổi tiếng trong lĩnh vực sáng tạo nội dung về cuộc sống bình dị nơi quê nhà. Cô gái sinh năm 1990 được gọi là "tiên nữ đồng quê, tiên nữ Tứ Xuyên, ngôi sao mạng xã hội" qua những clip mộc mạc thu hút triệu view. Theo trào lưu Lý Tử Thất, ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc trở về quê để làm vlog chủ đề nông thôn - mảnh đất màu mỡ mà nhiều vlogger muốn khai thác.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, anh Nguyễn Đăng Quỳnh - CEO Công ty Truyền thông và giải trí Vitamin Network nhận định, nội dung sáng tạo của Lê Tuấn Khang đi đúng theo xu hướng hiện tại, đó là xu hướng "chữa lành". Những nội dung được chia sẻ trên các nền tảng của Khang đến từ sự tử tế và tích cực của bạn ấy ngoài đời thực.
"Khán giả cảm nhận được sự chân thành từ những thước phim và câu chuyện mà không hề có cảm giác bị "diễn". Số lượng tương tác của Khang thời gian gần đây cũng đã kích thích các nhà sáng tạo nội dung khác theo đuổi con đường sáng tạo "nội dung sạch", anh Nguyễn Đăng Quỳnh nói.
Nội dung kể chuyện đồng quê mang đến một không gian "thoát ly" nhẹ nhàng, nơi khán giả có thể cảm nhận sự chậm rãi, dung dị của cuộc sống. Đối với nhiều người, đặc biệt là những người đã xa quê, nội dung đồng quê gợi lên ký ức tuổi thơ hoặc hình ảnh quê nhà gần gũi. Khán giả tìm thấy trong đó không chỉ sự giải trí mà còn là một sợi dây kết nối cảm xúc mạnh mẽ với những giá trị gia đình và quê hương.
Lê Tuấn Khang, Hana Ban Mê... là những nhà sáng tạo nội dung số kể chuyện đồng quê thu hút cộng đồng mạng thời gian qua. |
Chia sẻ dưới góc nhìn của một người nghiên cứu về sóng não, bạn Nguyễn Tuấn Đạt - sinh viên ngành Công nghệ thông tin Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, các nội dung ngắn, được lập trình để đề xuất những thứ mà người dùng hứng thú dựa trên thao tác của họ.
Điều đó làm tăng tính cá nhân hóa nhưng cũng khiến người dùng có thể bị nghiện, khi mà những nội dung ngắn quá cuốn hút, khiến lượng dopamine tăng cao và được duy trì lặp đi lặp lại - giống như cách mà thói quen hình thành.
Dopamine là hormone phần thưởng, cũng là động lực để não bộ làm việc, thứ mà não bộ nhận được khi hoàn thành xong một công việc nào đó. Tuy nhiên, nếu lượng dopamine được sinh ra nhiều và lặp đi lặp lại nhiều lần, não bộ sẽ trở nên chai lì, không còn tiết ra đủ dopamine để duy trì những tác vụ yêu cầu tập trung sâu, dễ dàng khiến mất tập trung và luôn có mong muốn được lướt tiếp mạng xã hội.