Syria nắm vai trò quan trọng như thế nào đối với Nga và Iran?
Tin thế giới - Ngày đăng : 08:37, 06/12/2024
Nga đang hỗ trợ quân đội Syria triển khai tấn công nhóm nổi dậy Hayat Tahrir al-Sham (HTS), lực lượng đang nắm quyền kiểm soát Aleppo, một trong những thành phố lớn nhất ở Syria.
Các cuộc tấn công bất ngờ do HTS chỉ huy bắt đầu từ tuần trước đánh dấu sự leo thang đáng kể trong cuộc nội chiến Syria đã kéo dài suốt nhiều năm qua. Kết quả của cuộc chiến này được cho sẽ tác động lớn tới cả Nga và Iran.
Cửa ngõ của Nga vào Địa Trung Hải
Syria có tầm quan trọng chiến lược đối với Nga và Iran, hai nước đang ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar Assad. Nga đang có 2 căn cứ quân sự lớn ở Syria là căn cứ không quân Hmeimim và căn cứ hải quân Tartus. Syria giữ vị trí quan trọng giúp các lực lượng Nga tiếp cận Địa Trung Hải và là bệ phóng cho các hoạt động ở châu Phi.
Để đối trọng với Mỹ, Nga đã tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng ở Trung Đông và châu Phi trong những năm gần đây. Theo đó, Moscow đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước chủ chốt ở Trung Đông như Iran và Ảrập Xêút, cũng như hỗ trợ an ninh cho chính phủ các nước châu Phi thông qua nhóm lính đánh thuê Wagner.
Chia sẻ với Business Insider, bà Natasha Hall tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng Nga sẽ duy trì sự hỗ trợ với Tổng thống Assad, do Moscow lo sợ mất căn cứ không quân và hải quân quan trọng ở Syria để duy trì tầm ảnh hưởng trong khu vực.
"Nga sử dụng cảng Tartus và căn cứ Hmeimim làm bệ phóng để tiến vào châu Phi. Có thời điểm ít nhất 30 tàu chiến Nga hoạt động ở Địa Trung Hải, trong khi chỉ vài năm trước đó không có tàu nào”, bà Hall cho hay.
Ông Zineb Riboua tại Trung tâm hòa bình và an ninh Trung Đông của Viện Hudson nhận định, mất Syria sẽ là "vấn đề lớn đối với Nga". Theo ông, nếu không còn các căn cứ quân sự của Nga ở Syria, mọi kế hoạch của Tổng thống Vladimir Putin đều sụp đổ. Ông nói thêm, sự ủng hộ của Tổng thống Putin dành cho Tổng thống Assad cũng đã giúp thúc đẩy danh tiếng của nhà lãnh đạo Nga ở châu Phi.
Mạng lưới ủy nhiệm của Iran
Syria cũng cung cấp cho Iran quyền tiếp cận Địa Trung Hải thông qua hành lang trên bộ kéo dài từ Tehran đến Baghdad, Damascus, và Beirut, đồng thời kết nối các lực lượng ủy nhiệm của Iran trong khu vực.
"Đối với Iran, Syria là hoàn toàn cần thiết để duy trì mạng lưới ủy nhiệm của mình. Giờ đây, họ có tuyến đường thông suốt từ Tehran đến tận Lebanon", bà Hall cho hay.
Syria còn đặc biệt quan trọng đối với khả năng hỗ trợ nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon mà Iran đang hậu thuẫn. Hezbollah đã vướng vào xung đột với Israel trong hơn một năm qua. Israel gần đây đã khiến Hezbollah rơi vào tình trạng hỗn loạn khi tiêu diệt thủ lĩnh lâu năm của nhóm vũ trang, và làm bị thương hàng nghìn tay súng Hezbollah bằng cách cho phát nổ máy nhắn tin và bộ đàm. Tuần trước, một thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết giữa Israel và Hezbollah.
"Iran đã đầu tư rất nhiều vào Syria với hàng chục căn cứ quân sự và các cơ sở khác, do Syria đóng vai trò quan trọng đối với sự hỗ trợ của Tehran dành cho Hezbollah", ông Steven Cook tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại cho hay.
Ông nói thêm, Syria cung cấp cho Tehran địa điểm để sản xuất vũ khí và tuyến đường để vận chuyển, cũng như một sở chỉ huy để các chỉ huy Iran làm việc với nhóm Hezbollah.
Tuy nhiên, các cuộc không kích của Israel vào Hezbollah đã tác động đến hành lang của Iran, và vị thế của Tehran trong khu vực. Do đó, ông Riboua cho rằng Iran có thể coi xung đột hiện tại ở Syria là cơ hội để tái khẳng định chính mình bằng cách hỗ trợ lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad chống lại các nhóm nổi dậy, cũng như tăng cường quyền khả năng kiểm soát đối với các lực lượng ủy nhiệm.
Đối với Mỹ, cuộc tấn công bất ngờ từ tuần trước của các nhóm nổi dậy Syria "không phải là điều ngạc nhiên".
Phát biểu với NBC News, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết 3 bên ủng hộ chính của Tổng thống Assad gồm Iran, Nga, và Hezbollah đều đang "bị phân tâm và suy yếu bởi các cuộc xung đột ở những nơi khác". “Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các thế lực ở Syria bao gồm các phe nổi dậy đang cố gắng lợi dụng tình hình", ông Sullivan nói.
Năm 2015, Nga đã hỗ trợ quân sự cho chính phủ Syria để chống lại các nhóm nổi dậy và khủng bố. Đến năm 2018, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hơn 63.000 binh sĩ đã "có được kinh nghiệm chiến đấu" khi tham chiến ở Syria. Tuy nhiên, khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, các hoạt động của Moscow tại Syria đã bị gác lại. Nhiều thông tin cho rằng, Nga đã tái triển khai một số binh sĩ, lính đánh thuê, và thiết bị quân sự từ Syria sang Ukraine.
Trong khi đó, giống như Nga, các ưu tiên của Iran ở Syria cũng đã thay đổi trong những tháng gần đây. Nguyên nhân là quan hệ giữa Iran và Israel trở nên căng thẳng, khi hai bên gia tăng các cuộc tấn công tầm xa vào nhau.