Làm sao để phân biệt cua đực và cua cái?
Gia đình - Ngày đăng : 07:33, 06/12/2024
Cua là thực phẩm cao cấp, giá cả khá đắt, vì thế người tiêu dùng cần biết cách chọn đúng loại cua ngon hoặc phù hợp với yêu cầu của món ăn và sở thích của mình. Bạn cần biết cách phân biệt cua đực và cua cái để không nhầm lẫn khi mua.
Cách phân biệt cua đực và cua cái
Chỉ cần chú ý một số đặc điểm dưới đây là bạn có thể phân biệt cua đực và cua cái một cách dễ dàng.
Xem yếm cua
Quán sát yếm cua là cách nhanh và dễ nhất để phân biệt cua đực và cua cái. Cua đực có phần yếm nhỏ, hình tam giác nhọn và hẹp. Yếm cua cái to và tròn hơn, thường có hình oval, vì bộ phận này có nhiệm vụ che chở, bảo vệ trứng khi cua cái đẻ. Đến mùa sinh sản, phần yếm cua cái sẽ phồng lên do chứa rất nhiều trứng.
Để phân biệt cua đực và cua cái, bạn hãy nhìn vào phần yếm. Yếm cua cái to và tròn hơn. (Ảnh: Min)
Muốn mua loại cua nhiều gạch, bạn nên chọn cua cái có yếm to, bóp nhẹ phần này thấy chắc tay. Ngoài ra, cua cái nhiều gạch thường có phần mai hơi vàng và sáng bóng.
Quan sát càng cua
Một cách khác để phân biệt cua đực và cua cái là nhìn vào càng của chúng. Cua đực có càng to, dài và chắc khỏe hơn, màu sắc cũng đậm hơn, phù hợp với vai trò bảo vệ lãnh thổ.
Càng cua cái nhỏ hơn so với cua đực, màu sắc cũng nhạt hơn.
Phân biệt qua kích thước cơ thể
Đây là một trong những dấu hiệu giúp phân biệt cua đực và cua cái một cách dễ dàng. Cua đực thường có thân mình to và dài hơn, chân cũng dài hơn, đặc biệt là trong mùa giao phối.
Cua cái có kích thước tổng thể nhỏ hơn nhưng thân hình tròn trịa hơn. Cua cái cũng có màu nâu nhạt hơn cua đực.
Cơ quan sinh sản
Cơ quan sinh sản của cua đực nằm ở mặt dưới của ngực, ngay sau chân. Còn với cua cái, cơ quan sinh sản nằm ở bụng, gần gốc đuôi.
Cua đực hay cua cái bổ dưỡng hơn?
Cả cua đực và cua cái đều là thực phẩm giàu dinh dưỡng, chứa nhiều protein, vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, cua cái có nhiều gạch nên hàm lượng chất béo cao hơn, thích hợp cho những ai muốn tăng cường cung cấp năng lượng hoặc thích cảm giác béo, ngậy.
Cua đực phù hợp với người yêu thích thịt chắc và ít béo, ăn không bị ngán.
Cách chọn cua ngon
Mai cua cứng, có độ đàn hồi tốt, không bị lõm vào khi bóp là cua ngon. (Ảnh: World-link)
- Quan sát yếm cua: Nên chọn cua có phần yếm khít chặt với thân, không bị lỏng lẻo. Điều này đảm bảo cua còn khỏe mạnh và không bị rỗng thịt.
- Kiểm tra chân cua: Cua ngon có chân chắc chắn, không bị rụng hoặc lỏng lẻo. Chân cử động linh hoạt và không mềm nhũn.
- Thử bóp mai cua: Mai cua cứng, có độ đàn hồi tốt, không bị lõm vào khi bóp là cua đầy thịt.
- Quan sát phần bụng cua: Bụng cua sáng, không có vết thâm hoặc đốm đen là cua ngon.
Lưu ý khi chế biến cua
Tươi, mới là yếu tố quan trọng để món ăn từ cua đạt hương vị tốt nhất. Sau khi mua cua về, bạn nên chế biến ngay để đảm bảo độ tươi. Nếu chưa sử dụng ngay, hãy bảo quản cua trong tủ lạnh nhưng không nên để quá lâu.
Trước khi chế biến, hãy làm sạch bùn đất bám trên mai và chân cua. Có thể sử dụng bàn chải nhỏ để chà sạch các kẽ chân cua.
Khi luộc, nên cho cua vào nước lạnh cùng vài lát gừng để khử mùi tanh. Nước sôi thì giảm lửa, đun thêm khoảng 10-15 phút tùy kích thước cua.
Theo VTC News