Bác đơn kháng cáo, giữ nguyên án tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan
Pháp luật - Ngày đăng : 12:26, 03/12/2024
TAND Cấp cao tại TPHCM hôm nay (3/12) tuyên án với bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm.
Từ các nhận định, HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo xin giảm nhẹ đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, giảm từ 20 năm tù xuống còn 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; giữ nguyên mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”; giữ nguyên mức án 20 năm về tội “Đưa hối lộ”.
Tổng hợp hình phạt, HĐXX buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải chấp hành án tử hình.
Bên cạnh đó, HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB), giảm từ 19 xuống còn 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, chung thân về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp hình phạt cho cả 2 tội là chung thân.
Đối với bị cáo Chu Lập Cơ, HĐXX chấp nhận kháng cáo, giảm từ 9 xuống còn 7 năm tù về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".
Các bị cáo khác được chấp nhận kháng cáo là Trương Huệ Vân - giảm từ 17 còn 13 năm tù; Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) - từ 18 xuống còn 17 năm tù; Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB) - từ 16 xuống còn 15 năm tù.
Trước khi tuyên án, HĐXX cho rằng tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, lời khai phù hợp với nhau và tài liệu, chứng cứ. Từ đó có đủ cơ sở để kết luận bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng nhiều công ty con trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Lan đã nhận thức bản thân có vai trò quan trọng tại Ngân hàng SCB.
Căn cứ vào lời khai của các bị cáo và tài liệu chứng cứ, HĐXX nhận định đủ cơ sở xác định bà Lan chiếm giữ 91,5% cổ phần của Ngân hàng SCB nên đã giữ quyền điều hành mọi hoạt động của ngân hàng này. Từ đó, bị cáo đã chỉ đạo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB), Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB), Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng giám đốc SCB)… rút tiền sử dụng cho mục đích cá nhân, gây thiệt hại cho ngân hàng.
Để hợp thức hóa việc rút tiền và tránh bị phát hiện, bị cáo Lan yêu cầu cán bộ ở Ngân hàng SCB chuyển tiền giải ngân vào các công ty "ma". Sau đó, các bị cáo thực hiện rút tiền mặt hoặc chuyển lòng vòng nhằm cắt đứt dòng tiền.
Trong đó, từ năm 2012-2017, bị cáo Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng vay 368 khoản. Đến năm 2022, các khoản vay này còn dư nợ hơn 132.000 tỷ đồng cả gốc và lãi. Sau khi cấn trừ vào số tài sản đảm bảo, các khoản vay nói trên gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng.
Hành vi trong giai đoạn này của bị cáo Lan là phạm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của Ngân hàng SCB 545.000 tỷ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng.
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan, các bị cáo, cá nhân, pháp nhân đã nộp khắc phục thêm tiền; bị cáo Lan cũng tự nguyện đưa nhiều tài sản vào khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, theo HĐXX, những tài sản này chưa đủ căn cứ pháp lý để xác định giá trị, từ đó chưa đủ cơ sở xác định bị cáo khắc phục được 3/4 hậu quả để áp dụng giảm nhẹ hình phạt.
Xét tổng thể vụ án, hành vi của bị cáo gây ra hậu quả là đặc biệt lớn, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo HĐXX, sau khi tuyên án mà bị cáo vẫn tích cực, phối hợp khắc phục - đáp ứng đủ điều kiện 3/4 hậu quả của vụ án - thì sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét, giảm nhẹ hình phạt từ tử hình xuống chung thân.