Nhạy cảm giới trong showbiz
Dòng chảy - Ngày đăng : 08:00, 22/06/2023
“RỤNG TRỨNG” NHƯ MỘT LỜI KHEN?
Việc Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Trần Hùng Huy nổi tiếng sau một đêm đem lại nhiều lợi ích cho ngân hàng cũng như cổ phần của chính anh. Có báo giật tít anh “có thêm 500 tỷ đồng sau vũ đạo Cô đơn trên sofa”. Qua màn trình diễn này, Hùng Huy khắc họa bản thân là một người tràn đầy năng lượng, có thiên hướng nghệ thuật.
Nhiều khả năng tới đây anh sẽ trở thành một nhân vật được đưa vào tầm ngắm của truyền thông. Giống như Cường “Đô La” sau hai cuộc hôn nhân với hai người đẹp nổi tiếng thỉnh thoảng được báo chí “giật tít”. Theo đạo diễn Trần Vy Mỹ, màn trình diễn này vốn chỉ dành cho nội bộ kỷ niệm 30 năm thành lập ngân hàng. Vì vậy sự lan truyền của nó nằm ngoài định liệu của người trong cuộc.
Chủ tịch ngân hàng cũng trở thành đối tượng bắt nạt qua mạng |
Trước tiết mục được dàn dựng tiệm cận chuyên nghiệp (riêng máy phun mưa đã tốn hơn 230 triệu đồng) theo hướng gợi cảm, nhiều người không kiềm chế được thốt ra những lời bình luận thiếu tính nhạy cảm giới. Tức là nó bộc lộ những nhầm lẫn hoặc có dấu hiệu bắt nạt của người đưa ra bình luận. Nó gợi nhớ đến bức ảnh của nữ tuyển thủ Thanh Nhã đã bị đem ra cho một bộ phận cư dân mạng quấy rối bằng những bình luận kiểu như muốn hôn lên logo trên ngực áo của cô…
Trường hợp Hùng Huy là dịp để một số cư dân mạng là nữ áp dụng mẫu câu cảm thán dành cho đối tượng có nhiều điểm thu hút bao gồm ngoại hình. Đó là “rụng trứng”. Đây vẫn là một cách diễn đạt mang tính ẩn dụ (có thể hiểu là muốn có con với đối tượng) và chưa thô bằng một số kiểu khác. Nhưng nó cũng bị đọc ra tính chất quấy rối. Nhất là khi đặt trong sự đối sánh với mẫu câu tương tự của nam giới. Có vẻ như trong việc xác định hành vi quấy rối, nữ giới vẫn thường bị bỏ lọt.
Điều này dẫn đến một thực tế là nam nhiều khi bị quấy rối nhưng cho qua. Việc này có thể là chủ động hoặc bị động - khi không ai thừa nhận nạn nhân nam bị quấy rối. Vì cùng một hành động sàm sỡ với nạn nhân nữ là to chuyện, với nam nó hay bị xem nhẹ.
Qua trường hợp Trần Hùng Huy cho thấy, vẫn còn một số người thiếu nhạy cảm với các giới tính thiểu số. Do đồn đoán về quan hệ của nhân vật với một nam MC nổi tiếng trước đây, một số người đã thể hiện thái độ lệch chuẩn khi coi giới tính là một hạn chế của nhân vật. Còn bản thân vì “thẳng” nên ở thế thượng phong chỉ vì “đụng là bao có bầu luôn” (?)
Nghệ sĩ cần thận trọng khi công bố những hình ảnh đời tư không liên quan đến nghệ thuật |
Tất nhiên Trần Hùng Huy thuộc lớp người có địa vị, có tri thức trong xã hội nên có thể phỏng đoán sẽ ít bị ảnh hưởng bởi những lời bình khiếm nhã về giới tính. Nhưng qua đó có thể thấy, những định kiến về giới vẫn tiếp tục kéo lùi sự phát triển lành mạnh của xã hội như thế nào. Có những trường hợp nam giới bị quấy rối nơi công sở nhưng nói ra không ai tin, không ai giúp đỡ làm sáng tỏ nên đành phải thôi việc.
“TIỂU TAM” CÓ KHI NÀO LÀ NAM?
Trong xã hội hiện đại, người nào vướng vào lùm xùm quấy rối hay vi phạm luật hôn nhân rất dễ bị ảnh hưởng công việc, sự nghiệp. Nhất là nếu người đó hoạt động trong showbiz và lại là nữ. Dường như khán giả khắt khe hơn với các ngôi sao nữ trong chuyện ngoại tình. Trong những vụ đánh ghen được tung hình ảnh lên mạng xã hội, chủ mưu thường là người vợ. Vì trong một xã hội nam quyền và gia trưởng, phụ nữ dễ cảm thấy nếu mối quan hệ hôn nhân tan vỡ, họ sẽ bị thiệt thòi nhiều hơn.
Từ khi lùm xùm “tiểu tam” khởi phát vào tháng 3/2022, Hiền Hồ vẫn luôn gặp khó khăn khi quay lại ca hát. Chương trình nào mời cô hình như cũng đều phải thay người hoặc không thể diễn ra. Rõ ràng để nảy sinh một chuyện tình cảm ngoài luồng lại lâu năm (cư dân mạng ước tính mối quan hệ “anh em nương tựa” của Hiền Hồ và đại gia Hồ Nhân bắt đầu ít nhất từ 4 năm trước) phải có sự thuận tình của hai bên.
Nhưng nói chung công chúng không thể áp dụng quyền lực của mình lên các vị đại gia không thuộc về showbiz, nên càng thêm “giận cá chém thớt”. Hiền Hồ không phải nữ nghệ sĩ đầu tiên vướng vào scandal ngoại tình. Nhưng thời điểm xảy ra vụ việc trùng với phong trào “phong sát” dâng lên mạnh mẽ ở Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trong đời thường, người thứ ba sẽ phải đối mặt với gia đình của “người thứ nhất” hoặc với pháp luật. Nhưng trong showbiz, người ngoại tình phải đối mặt với cả công chúng. Tuần trước, ca sĩ, diễn viên Ryoko Hirosue được mệnh danh là “ngọc nữ Nhật Bản” sau khi xin lỗi vì ngoại tình cũng tuyên bố ngừng hoạt động giải trí vô thời hạn. Có lẽ đây là cách duy nhất để xoa dịu dư luận trong xã hội phương Đông - nơi công chúng luôn đặt yêu cầu cao với các nữ thần tượng.
Ngoại tình có thể chia làm hai kiểu: Vì bản năng yêu không kiềm chế nổi, và vì thu nhập. Ngọc Trinh từng chấp nhận là “người thứ ba” khi còn nghèo với lý do “tôi còn gánh nặng sau lưng nữa, không thể chỉ sống vì bản thân được”. Phát ngôn này thoạt nghe có vẻ đề cao bản thân, dùng động cơ để biện minh cho hành động. Nhưng nó còn thể hiện sự bất lực (trong thời điểm đó) của người nói khi không tìm ra con đường mưu sinh nào khác.
Cũng không loại trừ người ta ngoại tình vì cả hai động cơ. Nhất là trong showbiz, những mối quan hệ “trên tình bạn” với đại gia có thể mang lại sô diễn cũng như cơ hội thăng tiến. Nhưng ngược lại nó cũng có thể lấy đi tất cả. Nhất là với ai muốn vừa có tiền từ cả đại gia và khán giả.
Trong showbiz, không chỉ ngoại tình mà đổ vỡ hôn nhân cũng có thể trở thành những “vết” trong hình ảnh của nghệ sĩ. Khi ca sĩ Thanh Lam và bác sĩ Bùi Tiến Hùng được chương trình Khách sạn 5 sao (VTV3) mời lên chia sẻ về tình yêu của hai người, một nhà văn bày tỏ ý kiến qua Facebook với lập luận những người nhiều lần đổ vỡ hôn nhân, không được lên đài truyền hình quốc gia để phát biểu về tình yêu và hạnh phúc gia đình.
Bài viết nhận được hàng trăm lượt chia sẻ cùng hàng nghìn lượt thích có những câu như: “Khi giới thiệu một gia đình cho hàng triệu người xem, nên chọn những cặp vợ chồng có lối sống đẹp, gương mẫu, mẫu mực, thủy chung để là tấm gương cho người khác noi theo, chứ ai lại chọn cặp này”.
Như vậy tác giả phát ngôn mặc định “ăn đời ở kiếp” là một thuộc tính của gia đình hạnh phúc. Trong khi đáng ra để đảm bảo được tiêu chí gia đình hạnh phúc, đôi khi các cặp vợ chồng phải giải thoát cho nhau chứ không phải xác định hôn nhân là “án chung thân”. Quan niệm kiểu này có thể nói đã kéo lùi bước tiến trong việc xác lập hôn nhân như một mối quan hệ lành mạnh được pháp luật bảo hộ.
Việc đổ lỗi cho người thứ ba là nữ khiến các cuộc hôn nhân tan vỡ đã trở thành định kiến phổ biến. Chuyên gia tâm lý Lê Nguyên Phương phát hiện ra tiếng Việt có nhiều định danh chỉ đối tượng này như “trà xanh”, “tiểu tam”, “con giáp thứ 13”... Ông cho hay, tâm lý học gọi hiện tượng này là “săn trộm bạn tình” (mate poaching) và: “Theo Tâm lý học Tiến hóa, đây được xem như một chiến lược giao phối để mở rộng nhu cầu sinh sản và cả sinh tồn của loài người. Nó khá phổ biến trong đời sống tình ái của giống người. Các nghiên cứu cho thấy 64% nam giới và 49% phụ nữ đã từng săn trộm bạn tình của người khác. Thế nhưng chúng ta làm như thể chỉ có đàn bà mới đi trộm tình”.
Đây cũng là một hiện tượng thú vị về việc xác định vai trò giới trong xã hội phương Đông. Khi mối liên kết hôn nhân xảy ra, mặc nhiên người chồng có xu hướng phá vỡ nó trong khi người vợ ra sức bảo vệ bằng mọi giá. Nhưng mặt khác chính những hành động dằn mặt “tiểu tam” bằng cách đánh ghen lại thể hiện sự bất lực của người vợ trong giao tiếp với chồng.