Trẻ chui xuống gầm bàn ăn trưa vì sợ bạn bè trêu chọc 'răng vẩu'

Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 09:04, 02/04/2023

Bị bạn trêu chọc về ngoại hình suốt 3 năm, con luôn đeo khẩu trang, lấy áo che mặt khi ra khỏi nhà, thậm chí chui xuống gầm bàn để ăn trưa.

Chị Cao Thu Thủy có con trai đang học lớp 5 kể lại câu chuyện con trai của mình vì tự ti về ngoại hình mà luôn đeo khẩu trang mỗi khi bước chân ra khỏi nhà. Chị Thủy bất lực khi không biết cách nào có thể giúp con ngừng tự ti về ngoại hình và đối diện với những lời chê bai, châm chọc của bạn bè.

Đeo khẩu trang suốt 3 năm, chui xuống gầm bàn để ăn trưa khi không có gì để che mặt

Thời gian đầu khi thấy con suốt ngày đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, chị Thủy đinh ninh là do con sợ bị mắc Covid-19 nên mới không thể rời khỏi chiếc khẩu trang. Thời gian gần đây, khi dịch bệnh đã không con nghiêm trọng như trước, chị và cô giáo cũng động viên con bỏ khẩu trang khi ngồi học trong lớp nhưng con trai chị nhất quyết không chịu.

Lúc này, chị vẫn không nghĩ lý do đến từ việc con tự ti về ngoại hình của mình. Đến khi thấy con vẫn khư khư đeo khẩu trang, chị Thủy gặng hỏi mới biết con bị bạn cùng lớp chê răng xấu suốt từ năm lớp 3 nhưng đến nay, khi con học lớp 5 mới chịu kể với mẹ.

Chị Thủy cũng chứng kiến việc bạn bè buông ra những lời trêu chọc "vô tư" với con trong một buổi đi dã ngoại với lớp: "Chắc răng vẩu nên không dám bỏ khẩu trang chứ gì?". Mỗi lần như vậy, con lại buồn, quay mặt đi chỗ khác và càng trở nên tự ti hơn.

Trẻ chui xuống gầm bàn ăn trưa vì sợ bạn bè trêu chọc răng vẩu - 1
Hình ảnh học sinh cấp một đeo khẩu trang trong lớp học để tránh dịch Covid-19 (Ảnh: Toàn Vũ).

Sau khi biết chuyện xảy ra như vậy, chị Thủy cũng chỉ biết khuyên con đừng bận tâm tới những lời trêu chọc của bạn bè.

"Tôi bảo con: "Con phải tự tin lên, bình thường con đâu đến nỗi xấu, mình không thể làm hài lòng hết tất cả mọi người được" nhưng con cũng chỉ nghe và vẫn đeo khẩu trang mỗi khi bước ra khỏi nhà", chị Thủy kể lại.

Nhiều khi ở trường, bạn bè thấy con đeo khẩu trang cũng tò mò, bắt con phải bỏ nhưng con chị không chịu. Lúc này, bạn bè lấy tay giật khẩu trang con xuống, con chị Thủy giận lên, khóc lớn, thậm chí còn quay ra đánh lại bạn.

"Hôm đi ăn liên hoan với lớp, con vừa ăn, vừa lấy áo để che mặt. Bình thường trên lớp, hôm nào không có áo để che, con lại chui xuống gầm bàn để ăn trưa", chị Thủy chia sẻ.

Đáng nói, việc chị biết con trai đeo khẩu trang một cách bất thường như vậy không phải qua sự trao đổi của cô giáo chủ nhiệm mà lại qua lời của chị trưởng ban phụ huynh.

"Cô giáo cũng không trao đổi với tôi mà lại thông qua chị trưởng ban phụ huynh để kể về tình hình của con, bảo tôi về xem tâm lý con thế nào", chị Thủy chia sẻ.

Việc con ngày càng tự ti về ngoại hình, thường xuyên đối mặt với những lời trêu chọc của bạn bè khiến con chị Thủy ngày càng trở nên thu mình, sống khép kính với mọi người xung quanh. Chị Thủy bất lực, không biết làm sao khiến con mở lòng và tự tin hơn về ngoại hình của mình.

Trẻ chui xuống gầm bàn ăn trưa vì sợ bạn bè trêu chọc răng vẩu - 2

Trẻ trở nên thu mình trước lời trêu chọc, bắt nạt của bạn bè (Ảnh minh họa: Infobae).

Phụ huynh nên làm gì khi con bị trêu chọc ở trường?

Câu chuyện của chị Thủy chỉ là một trong nhiều câu chuyện của phụ huynh có con không thể thoát ra khỏi cơn "ám ảnh" vì bị bạn bè trên lớp nói xấu.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, chị Dương Thị Thu Huyên (Thạc sĩ Tâm lý học, chuyên viên can thiệp trị liệu tâm lý trẻ em) cho rằng, việc trẻ nhỏ trêu chọc nhau là hành vi bình thường.

"Trêu chọc là hành vi thường thấy ở trẻ nhỏ với mục đích đùa giỡn và tạo niềm vui. Tuy nhiên, sự trêu chọc với những hành vi hoặc lời nói đùa ác ý có thể khiến trẻ bị tổn thương sâu sắc về tâm lý, trẻ trở nên nhạy cảm và thiếu tự tin", chị Huyên cho biết.

Do đó, phụ huynh nên dành thời gian để trò chuyện cùng con để phát hiện kịp thời vấn đề con đang gặp phải và không nên phớt lờ, xem nhẹ những dấu hiệu khác thường của con. Việc để trẻ bị trêu chọc ác ý kéo dài có thể dẫn đến tình trạng con chán đi học, sợ trường lớp, khủng hoảng tinh thần,…

Trẻ chui xuống gầm bàn ăn trưa vì sợ bạn bè trêu chọc răng vẩu - 3

Thạc sĩ tâm lý Dương Thị Thu Huyên là chuyên viên can thiệp trị liệu tâm lý trẻ em (Ảnh: NVCC).

"Những biểu hiện như bất an, không còn vui vẻ như trước, buồn bã thường trực, cảm thấy tự ti, thu mình lại,… là "thông điệp" con gửi cho bố mẹ rằng con đang gặp khó khăn, đang không ổn, đang bị tổn thương", chị Huyên chỉ ra những dấu hiệu khác thường trong tâm lý ở trẻ.

Ngoài ra, chị Huyên cũng cho rằng phụ huynh và giáo viên nên trao đổi với nhau để đưa ra những giải pháp phù hợp tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự việc. Trước hết, người lớn nên xây dựng những cuộc trò chuyện nhẹ nhàng, để trẻ thoải mái chia sẻ những vấn đề mà con đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, người lớn cũng nên tìm hiểu những thông tin liên quan đến vấn đề của trẻ để có một cái nhìn tổng quát.

"Phụ huynh có thể chỉ ra những ưu điểm của trẻ để trẻ tự tin hơn vào bản thân và phát huy thế mạnh của mình, đồng thời hãy luôn có những nhận xét tích cực về các hành vi tốt của trẻ", chuyên viên tâm lý cho hay.

Tuy nhiên, trong trường hợp con bị tổn thương sâu sắc, không thể tự tin dù đã nghe lời khuyên của người lớn, chị Huyên đưa ra giải pháp, phụ huynh nên đưa con đến gặp những chuyên gia tâm lý để giúp con giải tỏa và cân bằng những cảm xúc bị dồn nén, đồng thời được hỗ trợ những kỹ năng cần thiết để vượt qua những tình huống tương tự.

Ngoài ra, Thạc sĩ Tâm lý cho rằng phụ huynh nên giáo dục, định hướng trẻ nhỏ về tác hại của "bạo lực ngôn từ" thông qua những bộ phim hoạt hình hoặc mẩu chuyện về sự trêu chọc, bắt nạt. Điều này sẽ giúp con hiểu tác hại của việc trêu chọc, đồng thời dạy trẻ cách xử lý khi rơi vào trường hợp tương tự. Phụ huynh cũng có thể cho con tham gia các lớp học kỹ năng sống để rèn luyện cho trẻ những kỹ năng cần thiết.

Đinh Phương Nhung