Đi xét nghiệm máu tìm ung thư, nhiều người 'mất ăn, mất ngủ'

Tin Y tế - Ngày đăng : 07:10, 01/04/2023

Từ chỉ số xét nghiệm CEA tăng cao, anh Bình "mất ăn, mất ngủ" vì lo lắng bản thân mắc ung thư ruột.

Lo sợ vì chỉ số CEA tăng cao

Mới đây, anh Nguyễn Văn Bình (41 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội) đi kiểm tra sức khỏe ở một bệnh viện tư. Tại đây, nhân viên tư vấn làm các xét nghiệm tầm soát ung thư nên người đàn ông này đã đăng ký. Kết quả xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư ung thư CEA (ung thư ruột kết hay ung thư đại tràng) của anh lên tới 6,7 ng/ml, vượt ngưỡng cho phép (<3ng/ml).

Quá lo lắng, hai vợ chồng anh vội tìm tới Bệnh viện K Trung ương kiểm tra. Sau khi có kết quả nội soi đại trực tràng, tầm soát các cơ quan khác, bác sĩ cho biết anh chỉ bị polyp túi mật. 

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Hà Vũ Thành, Trung tâm Nội soi, Bệnh viện K trung ương, anh Bình chỉ là một trong hàng trăm người lo lắng cho rằng mình đã mắc ung thư vì chỉ số xét nghiệm máu tăng. Biện pháp này được nhiều người sử dụng vì tin rằng có thể "tìm được ung thư từ trứng nước".

Tuy nhiên, chỉ số CEA cũng có thể tăng trong trường hợp viêm đại tràng, viêm gan, viêm phổi, viêm loét dạ dày, bệnh vú lành tính...

Xét nghiệm máu chỉ dùng cho theo dõi diễn biến điều trị bệnh ung thư, không khuyến cáo dùng để sàng lọc.

Bác sĩ Thành nhấn mạnh tới thời điểm hiện tại, xét nghiệm máu không thể sử dụng đơn độc để chẩn đoán ung thư. Người bệnh cần được khám lâm sàng trực tiếp, nội soi, siêu âm và các xét nghiệm cận lâm sàng khác mới đủ tiêu chí chẩn đoán bạn có mắc ung thư không.

Ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm tìm dấu hiệu ung thư

Các chỉ số xét nghiệm đang được triển khai rộng rãi để tìm dấu hiệu ung thư gồm: 

CEA: giới hạn bình thường từ 0 tới 10 ng/ml. CEA tăng cao trong ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng, ung thư vú, buồng trứng, tuyến giáp, gan, tụy. Tuy nhiên, CEA có thể tăng ở người bị polyp đại tràng, suy thận mạn, viêm tụy, viêm ruột non.

AFP: Giới hạn bình thường của chỉ số này từ 0-7 ng/ml. AFP tăng trong ung thư gan nguyên phát, ung thư tế bào mầm (ung thư tinh hoàn) ở nam giới. Giá trị chính của chỉ số AFP là theo dõi tiến triển của bệnh và sau điều trị phẫu thuật, hóa trị liệu. AFP có thể tăng trong trường hợp viêm gan, xơ gan.

PSA: Giới hạn của PSA ở người dưới 50 tuổi là 2,5 ng/ml. Trên 50 tuổi PSA là dưới 5 ng/ml. PSA tăng cao cảnh báo ung thư tiền liệt tuyến. Tuy nhiên, người bệnh cần kết hợp với nội soi trực tràng, sinh thiết để xác định. Bác sĩ Thành cho biết trường hợp PSA tăng cao cũng có thể do phì đại tiền liệt tuyến, viêm tiền liệt tuyến. 

CA125: Giới hạn bình thường là 0-0,3 U/l. Chỉ số này tăng cảnh báo ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng. Chỉ số CA125 tăng trong trường hợp viêm màng tim, viêm màng phổi, viêm màng bụng hoặc cổ trướng. Hiện nay, chỉ số này được dùng chủ yếu chẩn đoán ung thư và đánh giá diễn biến bệnh ung thư buồng trứng. 

CA153: Giới hạn bình thường từ 0-1,25 U/L. Chỉ số này tăng ở bệnh nhân ung thư vú nhưng cũng tăng khi mắc u vú, gan, tụy. Xét nghiệm này có độ nhạy thấp nên không dùng trong chẩn đoán.

CA724: giới hạn bình thường 0-5,4 U/l tăng trong ung thư dạ dày nhưng có thể tăng trong xơ gan, viêm dạ dày, viêm tụy, thấp khớp. Chỉ số này được dùng trong điều trị, theo dõi ung thư dạ dày tái phát.

CA199: Giới hạn bình thường là 0-3,3 U/l. Chỉ số này tăng trong ung thư đường tiêu hóa như gan, mật, dạ dày, đại trực tràng, tụy nhưng vẫn có thể tăng trong viêm gan, viêm tụy, đái tháo đường. Vai trò của chỉ số này phát hiện sớm ung thư tiêu hóa tái phát.

Từ các thông tin trên, bác sĩ Thành khuyến cáo người bệnh nên thận trọng khi lựa chọn các biện pháp tầm soát ung thư. Khi kiểm tra sức khỏe, người dân cần thăm khám lâm sàng phối hợp với các chẩn đoán chuyên sâu khác thay vì chỉ dựa trên các chỉ số xét nghiệm.