Hội hè, xin đừng giết những chú trâu vô địch

Xã hội - Ngày đăng : 10:57, 30/03/2023

Giết trâu thắng trận là việc làm ngược với quy tắc chọn lọc đàn, chọn giống của ngành chăn nuôi Việt Nam. Đây cũng không phải cách làm hay để hút khách du lịch.

Giáo sư Lê Viết Ly, nguyên Phó viện trưởng Viện Chăn nuôi quốc gia chia sẻ ý kiến về việc xẻ và bày bán thịt chú trâu vô địch sau những lễ hội chọi trâu.

Giết trâu chọi thắng trận: 'Chọn lọc ngược'
Như 1 mặc định, lâu nay chúng ta bắt những con vật để giết thịt thì thường chọn những con khuyết tật, xấu xí trước mà giữ lại những con tốt, con đẹp. Đấy chính là công tác chọn lọc đàn giống gia súc, gia cầm. “Chọn tốt, loại xấu” rồi cho “tốt phối với tốt” để được đời con tốt, và điều này đã trở thành nguyên tắc của nhân giống chăn nuôi.

Giáo sư Lê Viết Ly, 86 tuổi - người có nhiều trăn trở với ngành chăn nuôi Việt Nam.


Gần đây, dư luận phản ứng về phong tục đem giết con trâu quán quân của hội chọi trâu truyền thống để cúng thần. Dưới góc nhìn khoa học, đây là “chọn lọc ngược”. Bởi những con khoẻ nhất lại đem giết thịt, loại bỏ khỏi đàn gia súc thay vì giữ lại để tiếp tục sinh sôi.

Sự việc ngược đời này xem ra vẫn được một số người ủng hộ. Họ bảo đấy là lễ hội văn hoá, là tập quán lâu đời. Tập quán này dẫn đến giá thịt trâu chọi mỗi dịp lễ hội hàng năm ngày 1 tăng. Người ta chen nhau bỏ tiền triệu ra mua 1 kg thịt trâu về ăn để cầu mong sự may mắn.

Nếu ăn thịt trâu thắng trận mà may mắn, giàu sang thật thì con người cần gì lao động, học tập?

Không chỉ có Đồ Sơn
Những năm gần đây lễ hội chọi trâu diễn ra nhiều hơn, không chỉ ở Đồ Sơn (Hải Phòng) mà còn được tổ chức ở nhiều vùng khác. Người ta đua nhau săn lùng mua về những con trâu to khỏe nhất để huấn luyện thi đấu. Sau khi vinh danh chú trâu vô địch, người ta sẽ đem mổ thịt bán với giá cao gấp 10 đến 20 lần so với giá thị trường.

Những ông trâu bị giết thịt ngay sau khi thi đấu, bán với giá đắt đỏ.


Trở lại chuyện tập tục văn hóa liệu có thay đổi được không? Thiết nghĩ trong trường hợp lễ hội chọi trâu thì không khó, cứ mổ thịt một con trâu bình thường để cúng thần. Có vị thần nào lại chê thịt trâu thường đòi ăn thịt con trâu vô địch? Tôi nghĩ chỉ có người trần muốn ăn trâu thắng cuộc thôi.

Thêm nữa việc đem giết “người anh hùng” sau khi đã mang hết sức lực đốn ngã đối phương để mua vui cho con người không phải việc nên làm. Con trâu quán quân ấy phải được suy tôn, được làm con trâu đực giống để cho đàn con sinh sôi đông đúc cũng to khỏe như vậy.

Văn hoá phải nhân văn, không cổ vũ bạo lực
Tôi nhói lòng khi mới đây nghe được nghe câu hát trong bài xẩm xoan của nghệ sỹ Tuyết Tuyết:

“Đồ Sơn trâu chọi thường niên

Thắng thua thì cũng đương nhiên vào nồi”

Xẩm xoan nổi tiếng với những câu ca chế giễu thói hư, tật xấu của đời. Chọn trâu, luyện trâu, mua vui cho người rồi bị giết dù là quán quân.

Ai cũng biết chọi trâu là một lễ hội truyền thống, cũng là nét đẹp văn hóa, nhưng cần phải thay đổi, loại bỏ đi tư duy cổ hủ, bạo lực, chỉ nên giữ lại cái hay, để nâng tầm yếu tố thượng võ.

Lãnh tụ Fidel Castro của Cuba từng không ngần ngại bỏ ra 1 triệu USD (số tiền này lúc bấy giờ là rất lớn) để mua một con bò đực tốt nhất trong hội chợ triển lãm ở châu Mỹ. Ông mang con bò này về Cuba để lai tạo nâng cao chất lượng đàn bò sữa trong nước.

Bạo lực, máu me là những hình ảnh gây mất nhân văn trong lễ hôi chọi trâu hàng năm ở Đồ Sơn.


Chúng ta nên vận động, giáo dục nhân dân, có thể bàn bạc và yêu cầu ban tổ chức, nhà tài trợ cam kết hành xử có lợi cho kinh tế, cho môi trường.

Chẳng lẽ người xưa còn biết chọn lọc thuận mà chúng ta bây giờ cứ mặc nhiên "chọn lọc ngược"?

Giữ lại đôi trâu kỷ lục để tặng cho ngành chăn nuôi Việt Nam
Lễ hội là món ăn tinh thần, nơi đúc kết đời sống văn minh của đời đời, đem lại niềm vui cho cuộc sống ngày nay. Do đó, cần phải chọn lọc lại xem nội dung nào tốt ta giữ lại, bồi đắp thêm. Không vì phục hồi cái cũ mà giữ lại cả những biểu hiện, hành vi cổ xuý cho bạo lực, giết chóc.

Từ ngày 01/07/2009, nhà nước ta đã ban hành “Luật đa dạng sinh học” trong đó có nội dung bảo tồn và phát triển các giống bản địa nhằm phát triển nông nghiệp bền vững. Bảo vệ con trâu Việt Nam – con vật thân thương từng gắn bó với văn hóa lúa nước là việc đáng làm.

Sẽ thật tuyệt vời nếu Ban tổ chức chọi trâu Đồ Sơn tới đây có động thái không giết thịt những con trâu kỷ lục. Trước mắt là không giết 1 đôi đã, còn các ông trâu thua cuộc khác, tôi chưa dám mong.

Chúng ta nên kêu gọi doanh nghiệp có lợi nhuận kinh doanh cao vào mua lại đôi trâu lỷ lục để tặng lại cho ngành chăn nuôi nước nhà, đặc biệt là vùng miền núi khó khăn để nâng cao chất lượng đàn trâu nước ta.

Giáo sư Lê Viết Ly