Tâm lý an toàn, gần 50% nhân viên chưa muốn ‘nhảy’ việc năm 2023

Nhịp sống - Ngày đăng : 15:15, 23/03/2023

Lương là yếu tố quan trọng hàng đầu khi nhân viên muốn nghỉ việc. Dẫu vậy, gần một nửa số người khảo sát cho biết, chưa có ý định tìm việc mới.

“Khảo sát lương 2023” do Navigos Group công bố cho thấy, người lao động lựa chọn "Môi trường làm việc" (tỷ lệ 11,21%) và "Lương" (10,55%) là hai yếu tố hàng đầu để gắn bó với công ty trong năm 2022 đã qua. Các yếu tố xếp sau là "Văn hóa doanh nghiệp" (9,56%); "Sự ổn định hoạt động kinh doanh" (8,05%); "Cơ chế làm việc linh hoạt" (7,27%)...

Từ dữ liệu trên, có thể thấy, người lao động quan tâm nhiều đến những yếu tố về môi trường, văn hóa doanh nghiệp. Những yếu tố vật chất như lương, thưởng... không đóng vai trò tiên quyết ảnh hưởng đến quyết định gắn bó của một nhân viên với công ty hiện tại.

anh-1-1-.jpg
Yếu tố cân nhắc khi chuyển việc. (Nguồn: Navigos Group)

Cũng theo khảo sát, trong năm 2022, có 26,89% nhân viên đã được tăng lương từ 5-10%; 23,29% mức lương không đổi; số người được tăng lương dưới 5% chiếm 15,5% bình chọn; mức tăng lương từ 10-15% được 11,66% người chọn. Lý giải, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19 nên chưa thể áp dụng chính sách tăng lương hấp dẫn hơn cho nhân viên của mình.

Tiền lương là quan tâm hàng đầu trong năm 2023

Khi đề cập tới kỳ vọng của người lao động về sự thay đổi của doanh nghiệp trong năm 2023, khảo sát cho thấy, "Lương được tăng đều hàng năm từ 10% trở lên" là sự lựa chọn chiếm tỷ trọng cao nhất với 45,62%, chiếm gần một nửa số câu trả lời.

Đối với các khoản trợ cấp, người lao động muốn doanh nghiệp “Có thêm nhiều phúc lợi từ các hoạt động tập thể, văn hóa, văn nghệ, du lịch” với tỷ lệ 5,5%. Họ cũng mong muốn doanh nghiệp “Có thêm các trợ cấp vào các ngày lễ, nghỉ trong năm” (4,7%); “Có sự tăng thêm các khoản phụ cấp cơ bản (4,58%)”. Có thể thấy, những chính sách tác động lên thu nhập là mối quan tâm, kỳ vọng hàng đầu của người lao động trong năm nay.

Bên cạnh các yếu tố lương, thưởng, phúc lợi, người lao động cũng đặt thêm nhiều kỳ vọng khác vào doanh nghiệp. Điển hình, "Mong đợi sự an toàn từ doanh nghiệp, sự nghiệp vẫn ổn định khi có các yếu tố/rủi ro bất ngờ xảy ra" hay "Kỳ vọng văn hóa doanh nghiệp thay đổi, với môi trường cởi mở, thẳng thắn chia sẻ thông tin".

Với kết quả khảo sát trên, có thể thấy, sự an toàn và ổn định nghề nghiệp là một trong những kỳ vọng của người lao động dành cho doanh nghiệp trong năm 2023. Các kỳ vọng trên dễ lý giải bởi xu hướng của người lao động hiện đã có sự thay đổi. Hậu Covid-19, nhân viên quan tâm hơn đến yếu tố tinh thần, kỳ vọng vào một sự nghiệp hạnh phúc.

Trong khi đó, khi xét về những yếu tố mà người lao động cân nhắc khi chuyển việc, "Lương", "Môi trường làm việc" tiếp tục là hai sự lựa chọn chiếm tỷ lệ cao lần lượt là 13,56% và 11,27%. Góp mặt trong nhóm 5 lựa chọn cao nhất còn có yếu tố "Văn hóa doanh nghiệp" với 8,14%; "Sự thăng tiến trong công việc" 7,33%; "Cơ chế thưởng" 6,09%.

Khi chuyển việc, người lao động yêu cầu khá cao về mức thu nhập thay đổi tại chỗ làm mới. Mức “Tăng ít nhất 30%” và “Tăng ít nhất 20%” so với thu nhập bình quân đứng lần lượt chiếm tỷ lệ 19,33% và 19,18%, ở vị trí thứ nhất và thứ hai trong tổng kết quả. Tuy vậy, vẫn có một phần người lao động "Sẵn sàng thương lượng" về thu nhập của mình (15,57%) và “Chấp nhận mức lương tương tự, miễn đó là cơ hội tốt” (13,66%). Như vậy, còn có những yếu tố phi tài chính khác ảnh hưởng đến kỳ vọng về công việc mới của họ.

Đáng chú ý, gần một nửa số người lao động tham gia khảo sát (chiếm tỷ lệ 44,28%) “Chưa có ý định thay đổi công việc mới trừ phi tìm thấy cơ hội mới tốt hơn”; “Càng lâu càng tốt" đứng vị trí lựa chọn thứ hai với tỷ lệ 16,25%; lựa chọn “Gắn bó với công việc từ 1 - 2 năm" đứng cuối danh sách khảo sát với tỷ lệ 6,75%. Rõ ràng, tâm lý muốn chắc chắn và an toàn đang ảnh hưởng đến người lao động, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến chuyển như hiện tại, thời gian gắn bó lâu dài với một công việc của nhân viên được xem là lựa chọn phổ biến.

anh-2-1-.jpg
Thời gian gắn bó với công việc. (Nguồn: Navigos Group)

Báo cáo của Navigos Group dựa trên phân tích phản hồi từ hơn 4.170 ứng viên tham gia khảo sát, thuộc 23 nhóm ngành nghề. Trong đó, các công ty có quốc tịch gồm: Việt Nam (chiếm chủ yếu với 78,11%), Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc và đa quốc gia.

Trung Anh