PFP tổ chức hội thảo và kỷ niệm 8 dự án nghiên cứu đất than bùn

Khoa học - Ngày đăng : 15:22, 16/03/2023

Ngày 14/3/2023 tổ chức The People for Peat (PFP) hay còn được biết đến như Hiệp hội Bảo vệ và Phát triển bền vùng đất than bùn khu vực Đông Nam Á thông báo đến truyền thông về một trong những khám phá mới trong dự án nghiên cứu của mình

Cụ thể, PFP triển khai Hội thảo Khoa học liên quan đến các dự án nghiên cứu đất than bùn vào ngày 7 và 8/3 tại TP.HCM với sự tham gia của các thành viên trong tổ chức đến từ các khu vực như Việt Nam, Indonesia, Myanmar, Philippines, Lào và Thái Lan cùng đông đảo truyền thông.

Tại hội thảo các thành viên của từng khu vực đã trình bày về các phát hiện nghiên cứu mới trong dự án sử dụng, bảo tồn và quản lí vùng đất than bùn.

Một trong các dự án nghiên cứu được quan tâm nhất là “Phát hiện các hạt vi nhựa trong các vùng đất than bùn ở tỉnh Long An” - trình bày bởi Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn Hải.

Đây được xem như một khám phá bất ngờ và thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học từ sau dự án nghiên cứu ở Central Kalimantan trong việc phát hiện các khói bụi trong đất than bùn được hình thành từ những cơn hỏa hoạn có chứa một lượng lớn khí ga gây hại cho con người – theo Giáo sư Bambang Hero Saharjo chia sẻ.

Theo như một giảng viên Trường Đại học Quốc gia Lào, Souvanna Phengsisomboun chia sẻ, họ từng nghiên cứu về các hạt vi nhựa trên con sông Mê Kong, nhưng việc nghiên cứu trên các vùng đất này là điều hoàn toàn mới.

clip_image001.jpg
Các thành viên tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm

Thêm vào đó, phía thành viên Lào cũng bày tỏ về nguyện vọng được thực hiện các dự án nghiên cứu này tại đất nước Lào – nơi mà các kiến thức về đất than bùn vẫn còn hạn hẹp.

Trong buổi hội thảo, các chuyên gia đã trình bày về các chiến lược nghiên cứu trong việc bảo tồn và quản lí vùng đất than bùn. Đồng thời, cũng chia sẻ thêm về tầm quan trọng của những buổi hội thảo sẽ là cầu nối những kiến thức thụ động thành những hành động thực tiễn có ích.

Một sự kiện khác cũng được giới nghiên cứu và những người yêu thích khoa học quan tâm là The Pealand Outlook Handbook vừa xuất bản. Đây là một cuốn sách chứa đựng cái nhìn tổng quan về vùng đất than bùn khu vực Đông Nam Á, bao gồm sự phân bổ của các khu vực, cơ cấu pháp lý cùng những thử thách trong việc sử dụng và phát triển vùng đất than bùn.

Dự án Peatland được triển khai từ năm 2009 với sự liên minh từ nhiều quốc gia Đông Nam Á, được triển khai nhằm nâng cao nhận thức của con người về đất than bùn và tầm quan trọng của loại đất này trong đời sống. Đồng thời mở ra thêm nhiều con đường nghiên cứu mới về cách sử dụng cũng như phát triển bền vững đất than bùn trên nhiều phương diện.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có khá nhiều dự án liên quan đến việc sử dụng và phát triển bền vững vùng đất than bùn từng được triển khai nhằm tăng cường quản lý đất than bùn, duy trì sinh kế của dân cư địa phương, giảm nguy cơ cháy và ô nhiễm khói bụi ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.