Làm gì khi trẻ thích lấy đồ của người khác?

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 14:38, 07/02/2023

Bạn sẽ ứng xử như thế nào nếu trẻ có tính xấu hay lấy đồ của người khác? Đừng vội vàng dán nhãn “ăn trộm” cho trẻ. Trong mọi trường hợp, cha mẹ hãy tìm hiểu nguyên nhân và chân thành chia sẻ cùng con, giúp con điều chỉnh hành vi của mình.

Lấy đồ chơi của bạn

Sáng cuối tuần, đang ở nhà cùng con thì chị Chu Hồng nhận được tin nhắn của mẹ bạn Minh Quân (5 tuổi) học cùng lớp con trai mình. Mẹ Minh Quân hỏi không biết Bo - con trai chị có “cầm nhầm” chiếc xe ô tô đồ chơi của bạn về nhà không.

Chạy vào phòng bé Bo, chị phát hiện con đang chơi chiếc ô tô của bạn. Hỏi mãi bé mới chịu nhận: “con thích xe này, con mở ba lô bạn ra lấy bỏ vào ba lô con đem về”. Bé cũng hồn nhiên nói  mẹ là chỉ mượn chơi thôi rồi sẽ trả lại bạn. Chị Hồng phải giải thích với con lấy đồ của người khác khi chưa được sự đồng ý như vậy là không đúng và nhắc nhở con lần sau không được làm như thế nữa. Chị cũng phải chở con sang nhà bạn để con trả lại xe và xin lỗi bạn.

child___mum_small.jpg
Nhiều trẻ ở độ tuổi mầm non và tiểu học vẫn chưa ý thức được sự nghiêm trọng của việc lấy đồ không xin phép.

Ở độ tuổi mầm non, tiểu học, những trường hợp trẻ hồn nhiên lấy đồ đạc của bạn không phải hiếm, bởi trẻ con tò mò, tính tình còn hồn nhiên, chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Không ít ông bố bà mẹ phải lắc đầu ngao ngán khi con hôm thì “cầm nhầm” cây bút của bạn, hôm cục gôm, cái sticker, lúc lại là cây bút màu, đồ gọt bút…

Nhiều người xuề xòa bỏ qua không hỏi han trẻ vì cho rằng trẻ con còn vô tư, tuy nhiên ngạn ngữ Pháp có câu: “Nhỏ ăn cắp một quả trứng, lớn sẽ ăn cắp cả một con bò” nói về tầm quan trọng của việc giáo dục ý thức ngay từ nhỏ đối với trẻ. Nếu cha mẹ không can thiệp kịp thời, trẻ dễ hình thành thói quen thích lấy đồ, “cầm nhầm” của người khác khi chưa được sự đồng ý. Tính xấu ăn trộm vặt cũng dễ hình thành từ đó.

Tá hỏa vì con lấy trộm tiền

Cũng vì không theo sát và đánh giá mức độ nghiêm trọng của việc bé thường lấy đồ của bạn trên lớp về nên cô Thu Hằng, 55 tuổi, bà ngoại bé đang học lớp 2 hết sức bất ngờ khi phát hiện bé lấy trộm tiền của mình.

3i9973.lowres.jpg
Nếu không can thiệp và điều chỉnh kịp thời, trẻ sẽ rất khó bỏ tật xấu này trong tương lai.

Cô Hằng cho biết, trước đây cô thường thấy bé mang về lúc cục gôm khi cái kẹp tóc... nói bạn cho nên cô không để ý. Mãi gần đây, cô giáo chủ nhiệm có gọi trao đổi riêng về việc bé lén lấy tiền ăn vặt của một bạn trong lớp, cô mới sững sờ. Lén quan sát bé, cô Hằng còn phát hiện bé thường xuyên lấy trộm tiền của ngoại, khi thì 5.000 đồng, lúc lại 10.000 đồng. Không kìm được tức giận, cô đã đánh bé rất nhiều với hy vọng bé sợ, từ bỏ thói xấu này thế nhưng, đâu vẫn vào đấy! Bé vẫn thỉnh thoảng lén lấy tiền của ngoại.

Vừa thương cháu, vừa bất lực, cô Hằng đành tìm đến nhờ cô giáo tác động thêm cho bé. Khi cô giáo hỏi, bé thật thà tâm sự do không được cho tiền tiêu vặt, sợ xin tiền ngoại đánh nên mới lấy trộm. Biết được nguyên nhân, cô giáo đã chia sẻ cùng bà ngoại để bà điều chỉnh lại, có cách dạy cháu phù hợp.

angry-parents-sad-child.jpg
Có nhiều lý do dẫn đến hành động của trẻ và cha mẹ cần trò chuyện với trẻ để hiểu hơn.

Theo các nhà tâm lý học, những bé lớn hơn tuổi mẫu giáo có thể biết rằng muốn mang một thứ gì đó ở cửa hàng về nhà phải trả tiền nhưng vẫn mắc sai lầm, đơn giản vì bé không biết tự kiểm soát. Một số bé ở bậc tiểu học biết là không được phép khi trộm đồ nhưng vẫn trộm vì bắt chước bạn bè. Lý do khác thuộc về tâm lý khá phức tạp để giải thích như bé trộm đồ vì tức giận hoặc vì muốn gây chú ý. Hành vi này ở bé phản ánh sự căng thẳng bé đang phải chịu đựng ở nhà, ở lớp hoặc mối quan hệ bạn bè.

Giúp con từ bỏ tật xấu

Trẻ nảy sinh tính xấu khi chúng sống trong một môi trường không lành mạnh, chứng kiến ai đó lấy trộm đồ của người khác mà không phải chịu hình phạt nào, vô tình khiến trẻ suy nghĩ rằng lấy trộm đồ là một hành vi không nghiêm trọng và trẻ thực hiện hành vi tắt mắt từ vô thức đến có chủ ý.

Cũng có một số trẻ thích trộm đồ của người khác vì tò mò, muốn chiếm hữu, muốn thử cảm giác vui sướng, thỏa mãn như những đứa trẻ khác khi được sở hữu một đồ vật nào đó, mà trẻ đã khao khát từ rất lâu mà chưa có được. Trẻ không được quan tâm, thường xuyên bị đánh mắng, trẻ cô đơn, có xu hướng trầm uất thường dễ nảy sinh tính tắt mắt hoặc trở nên hung hăng hơn những đứa trẻ khác.

dsc-172-1024x684.jpg
Đánh mắng không giải quyết được gì, thay vào đó cha mẹ nên tâm sự và dùng lời nói của mình để tác động cho trẻ hiểu.

Trong những trường hợp đó, các bậc cha mẹ không nên quy kết ngay cho con là những đứa trẻ có tính “ăn cắp vặt” và vội vàng áp dụng hình phạt đối với các em. Hãy tìm hiểu nguyên nhân và nhẹ nhàng dùng lời nói, tình yêu thương của mình để con hiểu đó là việc làm không đúng.

Nhấn mạnh với bé, ăn cắp là sai trái nhưng cũng cần tạo cho bé cơ hội khắc phục hậu quả. Nên nhớ hình phạt, nhất là hình phạt vào cơ thể là không cần thiết với bé. Bởi vì nó có thể khiến bé tức giận và tái phát hành vi này ở mức tồi tệ hơn. Bạn cũng không nên dùng những lời lẽ nặng nề để xỉ nhục hành vi này của con bởi như thế sẽ không đạt được hiệu quả và còn phản tác dụng đối với việc giáo dục các con.

Lam Chi