Vì sao giới siêu giàu Trung Quốc để mắt tới Singapore?

Tin thế giới - Ngày đăng : 09:44, 02/02/2023

Nhờ chính sách thuế thân thiện và ổn định về mặt chính trị, Singapore lâu nay là “thiên đường” của giới siêu giàu nước ngoài, trong đó có người Trung Quốc.

Giống như nhiều người giàu có ở Trung Quốc, Zayn Zhang (26 tuổi), vừa tốt nghiệp đại học, cho rằng Singapore chính là địa điểm lý tưởng để cất giữ tài sản gia đình.

Zhang hy vọng việc theo học ở một trường đại học ở Singapore sẽ giúp bản thân được định cư tại đây. Do đó, trong lúc người chồng vùi đầu vào sách vở, vợ của Zhang lại bắt tay tìm mua một căn penthouse có giá từ 4 - 5 triệu USD.

Singapore trở thành "thiên đường" cất giữ tài sản gia đình của giới siêu giàu Trung Quốc. Ảnh minh họa

Chia sẻ với Reuters khi tham gia một diễn đàn kinh doanh và từ thiện vào cuối năm 2022, Zhang nói rằng "Singapore rất tuyệt. Nơi này ổn định và mang tới nhiều cơ hội đầu tư". Do đó, gia đình đang có kế hoạch thành lập văn phòng ở Singapore để quản lý tài sản tương lai.

Trên thực tế, Singapore chứng kiến dòng tài sản mới đổ vào từ năm 2021, thời điểm đảo quốc sư tử trở thành một trong những nơi đầu tiên tại châu Á nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch Covid-19.

Mệt mỏi trước các chính sách khắt khe phòng dịch bệnh, Zhang, người được phép định cư lâu dài ở đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) vào năm 2021, đã tìm hiểu cơ hội sang Singapore sinh sống.

Bùng nổ văn phòng gia đình

Số lượng văn phòng gia đình ở Singapore, nơi chuyên xử lý các khoản đầu tư, thuế, chuyển nhượng tài sản và những vấn đề tài chính khác cho giới siêu giàu, đã tăng từ 400 lên khoảng 700 vào năm 2021.

Các văn phòng gia đình nổi tiếng ở Singapore phải kể đến như James Dyson, nhà sáng chế máy hút bụi nổi tiếng, hay nhà đầu tư Ray Dalio và Zhang Yong sáng lập chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao.

Reuters nhận định, mối quan tâm về văn phòng gia đình tại Singapore đã tăng vào năm 2022 và dự kiến tiếp tục duy trì trong năm nay.

Ông Chung Ting Fai, một luật sư chuyên hỗ trợ thành lập văn phòng gia đình, cho biết vào cuối năm 2022, ông nhận được một yêu cầu mỗi tuần từ những người muốn chuyển ít nhất 20 triệu USD vào Singapore. Trước đây vào năm 2021, ông Chung chỉ nhận được khoảng một yêu cầu hàng tháng. Còn riêng trong tháng 1 năm nay, ông nhận tới 2 yêu cầu/tuần.

Ông Chung cho biết thêm nhiều ông bố bà mẹ đang tìm kiếm nơi định cư cho con cái. Do đó, bên cạnh khách hàng là người Trung Quốc, ông còn nhận được câu hỏi từ những công dân Nhật Bản và Malaysia.

Chương trình nhà đầu tư toàn cầu do chính phủ Singapore quản lý được cho là một phần lý do thu hút giới nhà giàu nước ngoài. Theo đó, những người đầu tư ít nhất khoảng 2 triệu USD vào một doanh nghiệp, quỹ hoặc văn phòng gia đình đã có thể đăng ký xin định cư tại Singapore.

Theo số liệu cập nhật mới nhất, số tài sản do Singapore quản lý đã tăng 16% lên hơn 4.000 tỷ USD vào năm 2021. Hơn 3/4 tài sản trong số này nằm ngoài đảo quốc.

Vào năm 2022, Singapore có thêm 30.000 người thường trú, và 97.000 người nước ngoài có thị thực lao động hoặc thị thực dài hạn khác, nâng tổng dân số lên 5,64 triệu người. Điều này khiến giá thuê nhà đã tăng 21% trong 9 tháng đầu năm 2022. Giá bán nhà cũng tăng mạnh trong 2 năm qua. Người dân Trung Quốc đại lục tiếp tục giữ vị thế khách nước ngoài hàng đầu mua bất động sản tư nhân đắt đỏ ở đảo quốc sư tử.

Minh Thu